Phóng viên 'xoáy'... giáo sư Cù Trọng Xoay

16/06/2011 00:18
(GDVN) - Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có buổi gặp ngắn "xoay" giáo sư Cù Trọng Xoay của Thư giãn cuối tuần, "xoáy" vào nhiều vấn đề độc giả đang quan tâm.

(GDVN) - Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một buổi gặp ngắn "xoay" giáo sư Cù Trọng Xoay của Thư giãn cuối tuần, "xoáy" vào nhiều vấn đề độc giả đang quan tâm như: chương trình Hỏi xoáy - Đáp xoay, Thành phố cười 5 mùa, ai là danh hài số 1...

{iarelatednews articleid='4739,4178,2186,2943,2745,2435,2346'}

- Trước tiên là câu hỏi... vĩ mô, thưa Giáo sư! Nghe nói Giáo sư là người hay viết kịch bản cho các chương trình hài trong đó có Gặp nhau cuối năm và mới nhất là Thành phố cười 5 mùa. Giáo sư có nhận xét gì về chất lượng hài hiện nay của VTV3?

Thực ra thì tôi không phải người chuyên viết kịch bản. Tôi hiện vẫn đang công tác tại FPT và thi thoảng có tham gia viết một vài tiểu phẩm hài. Còn về các chương trình hài hiện nay trên VTV3 thì đâu đã có nhiều, hơn nữa chúng tôi luôn gặp thách thức trong việc phải làm mới các ý tưởng, các hình thức thể hiện để hấp dẫn hơn, thu hút người xem hơn. Điều đó khiến chúng tôi luôn phải nỗ lực không ngừng và hi vọng những nỗ lực đó sẽ đem lại những hiệu quả tốt đẹp.

Giáo sư Cù Trọng Xoay ngoài đời là anh Đinh Tiến Dũng, hiện công tác tại FPT.
Giáo sư Cù Trọng Xoay tên thật là Đinh Tiến Dũng, hiện công tác tại FPT.


- Cũng là nghe nói, Giáo sư "ghét" mục của mình trong khi khán giả thì lại rất chờ đợi Hỏi xoáy - Đáp xoay! Chuyện này là thế nào, thưa Giáo sư?

Ban đầu thì tôi... thích lắm, vì được lên tivi cùng anh Xuân Bắc. Nhưng sau thì tôi sợ. Sợ rồi hơi “ghét”, vì cứ nghĩ tới cảnh đạo diễn và biên tập gọi điện thúc giục kịch bản, góp ý kịch bản mà mình cuống hết cả lên. Mà kịch bản viết mấy số thôi thì dễ, chứ viết đều đều thế này thì tôi cũng như anh Xoay cũng bị cùn đi.

Tuy nhiên vừa rồi tôi có ra Trường Sa thăm các chiến sỹ trên đảo, thật bất ngờ anh em chiến sỹ lại rất thích Hỏi xoáy - Đáp xoay. Thành ra tự nhiên thấy cũng yêu chương trình của mình hơn. Và, thú thật là cũng thấy hơi xấu hổ, vì có mấy số làm chưa được trách nhiệm cho lắm! Bây giờ thì lại... vui rồi, tôi coi đây là niềm vui và trách nhiệm của mình để đóng góp một phần nhỏ bé cho cuộc sống thêm vui tươi.

- Theo Giáo sư, tiêu chí để đánh giá tài năng của một diễn viên hài là gì?

Càng làm cho khán giả cười càng nhiều nụ cười ý nghĩa thì càng giỏi.

- Ai là danh hài số 1 Việt Nam? 

Khán giả!

- ...?

Tất nhiên các nghệ sỹ thì luôn hết mình cống hiến những tác phẩm hay nhất của mình rồi. Nhưng đánh giá, yêu thích ai là việc của khán giả. Mỗi khán giả sẽ chọn riêng cho mình một nghệ sỹ hài mà mình yêu thích nhất. Do đó danh hiệu nghệ sỹ hài số 1 Việt Nam đương nhiên là thuộc về sự đánh giá của quý vị khán giả rồi!

- Tên chương trình “Thành phố cười 5 mùa” nghe rất bí hiểm...

Chương trình này có bán vé, nên việc bí hiểm và ấn tượng là một trong những tiêu chí đáng theo đuổi đấy! Tôi tin là không chỉ riêng cái tên chương trình, mà cả nội dung cũng ẩn chứa những cái lạ và ấn tượng khác nữa.

- Nếu được thì đề nghị Giáo sư tiết lộ ngay mùa thứ 5 là gì, cho bà con khỏi ngóng mỏi cổ!

Khán giả thích nó là mùa gì thì là mùa ấy!

- "Quả" này hơi trừu tượng, thưa Giáo sư...

Chúng tôi dự kiến sẽ hỏi ý kiến khán giả có mặt trong chương trình xem theo khán giả mùa thứ năm này là gì. Chúng tôi diễn tả là một chuyện, nhưng việc cảm nhận của khán giả mới là điều quan trọng, quan trọng hơn việc chúng tôi muốn diễn tả cái gì. Nên cứ để mọi thứ thật tự nhiên, nói trước bước không qua.

Tôi nghĩ là nếu nó thành công thì đương nhiên là có tác dụng tích cực rồi bởi chúng tôi hướng tiêu chí chương trình theo hướng tích cực. Còn việc đặc biệt tích cực thì chúng tôi chưa biết, có lẽ sẽ là sự xuất thần của diễn viên, sự nhiệt tình của khán giả, sự phối hợp nhịp nhàng của ê kip và một chút may mắn.

- Hỏi nhỏ hỏi thật Giáo sư, nhỡ “Thành phố cười 5 mùa” không thành công, Giáo sư có sợ... "được" khán giả hỏi xoáy về chuyện này không? 

Dù thành công hay thất bại thì chúng tôi vẫn "được" khán giả hỏi như thường và có sao nói thế thôi. Có gì mà sợ! 

- Tôi không thích có người bảo “Thành phố cười năm mùa” là cứu cánh cho sân khấu hài kịch, vì đây là giai đoạn "giãy chết" của các show diễn hài nhạt nhẽo vốn chiếm lĩnh các tụ điểm, sự kiện trong suốt thời gian dài qua. Giáo sư nghĩ sao?

Tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Tôi xem hài kịch trực tiếp cũng ít vì chưa sắp xếp thời gian cá nhân hợp lý, chủ yếu là xem qua các kênh online hoặc mua DVD nên cũng chẳng biết là hài kịch có chia nhiều giai đoạn hay không và có giai đoạn “giẫy chết” hay không. Tôi chỉ quan tâm tính “sống chết” của từng tác phẩm riêng lẻ. Vì dù có đang là giai đoạn “hưng thịnh” mà chất lượng kém thì tác phẩm đó vẫn chết. Còn dù có đang trong giai đoạn “giẫy chết” mà chất lượng hay thì vấn sống như thường. Sản phẩm chất lượng tốt vẫn luôn có đất sống.

- NSND Lê Hùng có nói: Hiện nay có hiện tượng các danh hài tự phong rồi thuê các ông bầu quảng cáo rùm beng, diễn hài từ rẻ tiền đến phản cảm. Thưa Giáo sư "mắng" như vậy bác Lê Hùng có nặng lời quá không?

Tôi tham gia công việc của sân khấu hài không nhiều và sâu như NSND Lê Hùng nên cũng không thể hiểu hết được lời nhận xét đó. Song tôi tin một người có thâm niên và tâm huyết với nghề như NSND Lê Hùng đã nói thì chắc chắn không phải vô cớ mà có đâu.

- Làm gì để khán giả ngày càng có niềm tin vào nghệ sĩ hài Việt Nam?

Cũng giống tình yêu thôi, sự tin yêu phải bắt đầu từ cả hai phía.

Còn bằng cách nào thì chỉ có một cách duy nhất là bằng chính hành động thực tế. Các nghệ sỹ hãy cố gắng hết mình để đem đến những tác phẩm hay nhất. Còn quý vị khán giả, ngoài ủng hộ những tác phẩm hay, nghệ sỹ hay thì cũng cần phải “nghiêm khắc” với những tác phẩm và nghệ sỹ còn diễn chưa ổn. Như vậy thì các nghệ sỹ cũng có những căn cứ đủ mạnh để phát huy những mặt tốt và hạn chế những mặt kém của mình, còn quý vị khán giả thì đương nhiên sẽ được hài lòng và thêm tin tưởng. Tôi tin là các nghệ sỹ chân chính luôn muốn lắng nghe ý kiến của khán giả và không sợ thất bại để hoàn thiện mình hơn.

- Xin cám ơn Giáo sư!

Sao Hôm (thực hiện)