Tự truyện Thanh Thảo: Nghề ca, scandal và sự thật (P4)

Thanh Thảo: 'Tôi thật sự hối hận vì đã quá mê hát'

14/02/2013 12:58
V.T
(GDVN) - (Đọc lại P3) Năm lớp 12 là năm rất quan trọng đối với học sinh cấp ba bởi sẽ phải thi tốt nghiệp và thi vào đại học, nhưng tôi lại xao lãng việc học vì mê hát! Tôi không được tham gia vào đội tuyển dự thi môn Văn cấp quận như hàng năm, nên đã khóc và năn nỉ thầy Hiệu trưởng và cô Oanh, cô giáo dạy văn rất thương tôi, cho tôi một “vé vớt” để dự thi.

Tôi “bế quan toả cảng” mấy ngày trời, nhốt mình trong nhà, làm cho xong bài luận văn mang tên “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để đi dự thi cấp quận. Thật bất ngờ, bài văn đó đoạt giải nhất cấp quận. Tôi vô cùng hãnh diện và xem đó là sự trả ơn các thầy cô đã tin tưởng và cho tôi một cơ hội thể hiện năng lực của mình.

Sau đó, tôi đại diện cho quận 5 đi thi Thanh niên tiên tiến cấp Thành phố và đoạt hạng nhì chung cuộc (giải nhất là một bạn tham gia môn lịch sử). Ngày tôi thi thuyết trình tại Nhà văn hoá Thanh Niên, tôi lên sân khấu hát bài “Huyền thoại mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa…” để minh hoạ cho phần thuyết trình của mình. Tôi còn nhớ báo Tuổi Trẻ khi đó đã đăng hình tôi trong bản tin về Thanh niên tiên tiến toàn Thành phố, làm tôi rất vui và tự hào. 

Nhưng như tôi đã nói ở phần trên, mọi sự chẳng dễ dàng và con đường không phải chỉ trải đầy hoa hồng như vậy. 

Tôi quá mê đi hát, thậm chí có lúc còn trốn học đi hát nên sức học tập có phần giảm sút. Từ học sinh giỏi tôi tụt xuống học sinh khá và đến khi thi tốt nghiệp lớp 12 thì điểm trung bình bốn môn thi tốt nghiệp tuy vẫn cao nhưng tôi biết do mình gặp may mắn. Một bạn học sinh chuyên Toán của trường chuyên Lê Hồng Phong chính là “ân nhân” của tôi trong buổi thi Toán, nếu không thì dù điểm 8, 9 cho các môn thi còn lại và 4 điểm cộng vì giải thưởng Thanh niên tiên tiến cũng không thể tự tin mà tốt nghiệp điểm cao. Tôi thật sự hối hận vì đã quá mê hát mà thiếu tập trung một cách cao độ cho kỳ thi quan trọng nhất của một người học sinh. Nếu thời gian có quay trở lại, chắc chắn tôi sẽ tạm gạt bỏ niềm đam mê đi hát để tập trung vào việc thi cử hơn.

Một số người thường nghĩ là ca sĩ thì học không giỏi và ít có nền tảng văn hóa, tuy nhiên, tôi luôn tự hào về thời đi học của mình và những danh hiệu mình đã đạt được thời cắp sách đến trường. Tôi nghĩ rằng chính những kiến thức được học hỏi từ giảng đường đã góp phần trang bị cho tôi những kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử trên sân khấu và ở ngoài đời sau này. 

Chưa kể việc thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ Văn Lang sau khi tốt nghiệp cấp ba,  đã giúp tôi thuyết phục được gia đình cho phép đi hát sau một thời gian bị mẹ “cấm cửa”. Mẹ dạy tôi rằng, dù là ca sĩ cũng cần phải tốt nghiệp văn hóa, có một trình độ học thức nhất định mới thuyết phục được công chúng và được đồng nghiệp nể phục.

Đến bây giờ thì tôi thấy lời mẹ dạy rất đúng. Chính những năm tháng sinh hoạt Đoàn-Đội và tham gia công tác xã hội tại Nhà thiếu nhi quận 5, đã tập cho tôi kỹ năng giao tiếp, nhanh nhẹn và mạnh dạn trước đám đông, những bài học văn hoá ở trường giúp cho tôi có cách cư xử và ăn nói chừng mực trước công chúng hay những hoạch định cần thiết cho nghề hát.

Từ ca sĩ tiệc cưới, quán bar, vũ trường…tôi quyết định đăng ký dự thi Tiếng hát truyền hình 1998 để hy vọng được nhiều người biết đến, nhưng lại rớt ngay từ vòng loại. 

Không nản chí, tôi rong ruổi theo các đại nhạc hội tổ chức ở khắp mọi miền đất nước, với nghệ danh là Thanh Thảo.

Tên thật của tôi Phạm Trịnh Phương Thảo, nhưng lúc bấy giờ làng ca sĩ có ca sĩ Phương Thảo (đôi song ca Phương Thảo - Ngọc Lễ) rất nổi tiếng nên mỗi khi giới thiệu tôi ra hát, các MC thường buộc phải đổi tên tôi theo... cảm hứng. Tôi có thể là Hoàng Thảo, Thu Thảo, Ngọc Thảo… cho đến một ngày nọ, nghệ sĩ Thanh Bạch (lúc đó là nghệ sĩ hài) nói đùa là: “Đặt Thanh Thảo đi vì ai lót chữ Thanh cũng hay nổi tiếng lắm!”.

Nghe thế, cô Hạ Châu, nhà tổ chức, người dẫn chương trình hôm đó và cũng là giáo viên thanh nhạc đầu tiên của tôi, đã bắt đầu giới thiệu với khán giả nghệ danh Thanh Thảo. Ban đầu, giới thiệu mãi tôi vẫn chưa quen đó là tên của mình, nhưng dần dần tôi cảm thấy mình có một nghệ danh nghe khá xuôi tai, dễ nhớ, dễ gọi – đó cũng là những yếu tố rất cần thiết cho một nghệ danh của nghệ sĩ. Thanh Thảo còn mang ý nghĩa “cánh đồng cỏ xanh” cũng là hình ảnh đẹp và lãng mạn. Tôi thật sự hài lòng với nghệ danh này và không bao giờ muốn thay đổi nó. Kể từ đó, tôi đã “vĩnh biệt” không tiếc nuối những “Hoàng Thảo, Thu Thảo, Ngọc Thảo…”.

Cũng như bao ca sĩ trẻ kém tên tuổi khác, tôi đi “hát lót” ở các tụ điểm ca nhạc trong thành phố, lúc bấy giờ nổi tiếng nhất là các sân khấu Bách Diệp, Trống Đồng, 126. Tất cả những ca sĩ đều hiểu “hát lót” là như thế nào. Đó là khi bạn phải ngồi chờ hằng giờ trong những góc tối phía sau sân khấu, chỉ được bầu sô và người dẫn chương trình kêu tên mỗi khi ca sĩ ngôi sao đến trễ hay sân khấu bị “tăng-mo” (sân khấu gián đoạn vì có sự cố kỹ thuật hay thiếu ca sĩ). 

Nếu đêm nào mà ca sĩ đến đầy đủ và tôi không có cơ hội để lên hát thì lòng buồn lắm. Lúc đó bầu show trả 50.000 đồng gọi là “tiền đổ xăng” an ủi. Bà ngoại rất thương tôi, tôi hát ở đâu ngoại cũng đi theo để trông chừng và bảo vệ cháu. Nhiều khi bà rơi nước mắt vì những khó khăn thử thách quá chua chát mà tôi phải trải qua, nhất là đối với một cô bé vừa rời ghế nhà trường. 

Nhờ có bà ngoại theo sát bên cạnh mà tôi không bị cám dỗ với những phù phiếm, không rơi vào những bẫy lừa nguy hiểm thuở ban đầu. Nhiều khi hát nhà hàng, quán bia ôm, khách thật sự có nghe và thưởng thức lời ca tiếng hát gì đâu, chỉ dúi tiền “boa” cho ca sĩ và yêu cầu hát “quậy lên, tưng lên” cho không khí vui nhộn là được rồi. Hoặc khi khách có tâm sự buồn thì tôi phải hát ỉ ôi những lời ca sầu não mà tôi còn chưa hiểu hết ý nghĩa của ca từ. 

Có lần tôi mê bộ đồ vải jean của một cô vũ nữ mang ra bán, ngoại tôi biết được đã mua trả góp với giá một triệu đồng cho tôi để tôi có bộ đồ mới mặc đi diễn. Sau này mỗi khi nhớ đến bộ đồ vải jean ấy, tôi vẫn còn rưng rưng nước mắt vì thương bà. Những lúc tôi rong ruổi theo đại nhạc hội đi các tỉnh, bà và mẹ ở nhà sốt ruột không yên, gửi gắm khắp nơi, nhờ người này người nọ trông chừng cháu. Có khi đi hát cả tuần, cả tháng về lại bị bầu show “quịt” hết cả tiền cát-xê, tôi về nhà chẳng biết nói sao với gia đình, lại còn bỏ lỡ cả việc học....

(Còn tiếp - đón đọc vào sáng thứ 7)

V.T