Tự truyện Thanh Thảo: Nghề ca, scandal và sự thật (P3)

Thanh Thảo và quá khứ hát đám cưới, quán bia ôm

12/02/2013 08:26
V.T
(GDVN) - “Ca sĩ là ai, ca sĩ là người như thế nào? Tại sao mọi người lại ngưỡng mộ ca sĩ và nhiều người đam mê hào quang của ánh đèn màu sân khấu như thế?” >>Đọc tự truyện Thanh Thảo P1//đọc P2
Trở thành ca sĩ  Với một cô bé mơ ước làm cô giáo như tôi, thật quá khó để trả lời câu hỏi này. Nhất là khi tôi đang làm một người tiếp tân nhà hàng, hàng ngày đứng suốt tám tiếng đồng hồ ở cửa ra vào nhà hàng đón khách, gật đầu chào bằng câu tiếng Nhật: “Ohayogozaimasu” (nếu khách đến buổi sáng), “Konnichiwa (buổi chiều), “Konbanwa” (buổi tối) và tiễn khách bằng: “Arigatou gozaimasu” (Xin cảm ơn).
“Arigato! Arigato!”… Không lẽ tôi cứ mãi nói cảm ơn bằng tiếng Nhật tại nhà hàng này sao? Những lúc quá mỏi chân vì đứng liên tục nên trốn vào phòng vệ sinh để ngồi nghỉ, tôi tự nhủ thầm, mình phải hơn như thế này cơ! Sau này, khi đã trưởng thành, tôi ý thức được rằng bất cứ nghề nghiệp nào miễn chân chính và không làm hại người khác thì đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, thời làm tiếp tân nhà hàng Nhật, tôi đã mơ mộng nhìn về một nghề nghiệp khác mà tôi nghĩ phiến diện là “sung sướng và giàu có” hơn: nghề ca sĩ! Hằng ngày, tôi đã trộm nhìn cô chủ nhà hàng, một ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, mà nhận thấy cô ấy có cuộc sống rất hạnh phúc: có xe hơi, ở nhà lầu, luôn mặc quần áo đẹp… Lúc ấy, tôi nghĩ: “Làm ca sĩ nổi tiếng sao sướng thế?”. Thế là tôi bắt đầu nuôi giấc mộng ca sĩ từ đó. *** Mẹ tôi kể lại rằng, cha tôi là một thành viên nổi tiếng trong nhóm nhạc của trường đại học hồi ông còn là sinh viên. Ông đã “chinh phục” mẹ tôi bằng giọng hát ngọt như nhung và tài đàn guitar. Nếu tôi có khiếu văn nghệ thì ắt hẳn là từ gen di truyền của cha. Tôi bắt đầu tập hát để xem mình có thể được như cô chủ nhà hàng và một ngày nào đó sẽ nổi tiếng.
Hết ba tháng hè làm tiếp tân, tôi vào trường học cấp ba và bắt đầu xung phong tổ chức các chương trình văn nghệ với bạn bè cùng trường Hùng Vương (quận 5). Tôi lân la tìm cách quen thân với ban nhạc của trường vốn là những anh học ở lớp lớn hơn. Các anh bắt đầu giới thiệu cho tôi tham gia nhóm nhạc chuyên phục vụ các chương trình phường xã, đoàn thể. Và tôi thành cô “ca sĩ học trò” từ đó. Tôi rất thích được đứng ra tổ chức các chương trình văn nghệ cho trường, làm MC hoạt náo cho chương trình và có cả uy tín để mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về trường để hát lúc bấy giờ như Lý Hùng, Thu Hà... Những chương trình văn nghệ học đường tại sân trường Hùng Vương đã giúp tôi dạn dĩ hơn và thật sự là những kinh nghiệm biểu diễn tuy nhỏ bé nhưng rất quan trọng đối với tôi mãi sau này. Có lẽ từ quá khứ từng làm “bầu show học đường” nên về sau này khi đã là ca sĩ chuyên nghiệp và thành lập công ty giải trí, tôi theo đuổi sở thích thực hiện các show ca nhạc và các sự kiện âm nhạc. *** Ở những năm tháng đó (1995, 1996), rất nhiều ca sĩ bước chân vào nghề hát đều là “ca sĩ đám cưới”. Những show diễn tại đám cưới chính là nơi lý tưởng cho ca sĩ trẻ kiếm tiền và làm quen sân khấu. Tôi lao vào chạy show đám cưới với cường độ chóng mặt. Có khi một ngày hát đến sáu tiệc cưới! Cũng may là cả sáu tiệc tổ chức trong cùng một nhà hàng, tôi chỉ việc chạy lên chạy xuống giữa các tầng lầu và đợi tới lượt mình lên bục hát. Tôi còn nhớ trang phục đầu tiên khi lên sân khấu tiệc cưới là cái “đầm ba tầng” màu xanh lá cây đậm và đôi giày bít trắng rộng hơn chân mình một số mà tôi mượn của… mẹ tôi. Ban ngày tôi vẫn đi học, buổi tối tôi chỉ nhận show từ 7g đến 9g vì đó chính là giờ “đi học Anh văn” mà tôi nói dối với mẹ. Thỉnh thoảng, tôi cũng “cúp cua” học ở trường nếu nhận lời hát những đám cưới tổ chức vào buổi trưa. Sau nhiều ngày đi hát đám cưới, nhà hàng, vũ trường nhỏ và cả những quán… bia ôm, tôi cũng đủ tiền mua quần áo mới và bắt đầu thật sự đam mê nghề hát. Tuy nhiên, mọi sự chẳng dễ dàng như vậy. (Còn tiếp, đón đọc vào sáng thứ 5)
V.T