Tự truyện Thanh Thảo: Nghề ca, scandal và sự thật (P5)

'Tôi vừa hát vừa thủ thế, giọng lạc đi vì sợ hãi'

16/02/2013 11:24
V.T
(GDVN) - Thời đi hát “đại nhạc hội” ở mọi tỉnh thành trên cả nước là giai đoạn đầy ấn tượng mà bất cứ ca sĩ nào trải qua cũng không thể quên. (Đọc lại P4)
Ngày ấy tôi chưa có xe hơi riêng, phải đi nhờ xe của đoàn như bao ca sĩ trẻ khác. Chúng tôi đến điểm hẹn đi chung xe đoàn từ rất sớm để còn kịp chui vào phía sau sân khấu, dùng ánh đèn loe loét để trang điểm và ngồi chờ đến lượt mình lên hát. Thường hằng đêm, chúng tôi phải chạy đến ba điểm diễn để hát. Khổ nỗi mỗi điểm cách nhau từ vài chục đến trăm cây số. Do thời gian gấp gáp, tài xế nhấn ga chạy như bay trên đường, nhiều lúc các ca sĩ ngồi trên xe “tim muốn rơi ra ngoài lồng ngực”. Đến được sân khấu là rất mừng, leo lên diễn rồi lại tất tả chạy ra xe đi sang sân khấu khác. Màn phóng xe tốc độ lặp lại và ca sĩ lại thấp thỏm không yên. Tôi biết đã từng có nhiều xe chở ca sĩ bị lật xuống đồng trống trên đường đi diễn như vậy.
Chưa kể nỗi e sợ của ca sĩ khi đến diễn ở những địa phương xa xôi hẻo lánh, có vài khán giả thuộc loại “con sâu làm rầu nồi canh”, văn hoá kém, thường nhảy cả lên sân khấu “quậy” như chính họ mới là người biểu diễn. Mà sân khấu “đại nhạc hội” hầu hết đều được dựng “dã chiến” với khung sắt lỏng lẻo, các thanh gỗ lót lên trên đầy tạm bợ. Mỗi khi ca sĩ nhảy mạnh, sân khấu cứ rung lên ầm ầm cứ như có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Những khán giả quá khích dường như chỉ muốn chọc phá ca sĩ đang hát, tranh thủ tặng hoa để được níu kéo, ôm hôn. Ca sĩ, nhất là các nữ ca sĩ như tôi vừa hát, cứ phải vừa “thủ thế”, giọng hát nhiều khi lạc cả đi vì sợ sệt và vì chất lượng âm thanh khá tệ. Lắm lúc ca sĩ còn ho khan vì bụi phía dưới tung lên mù mịt do những đứa trẻ chạy nhảy tung tăng trước mặt tiền sân khấu.
Một lần, mẹ tôi “hộ tống” tôi đi diễn ở Cà Mau, điểm tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Nơi đây được nhắc đến như một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam và trong đời, ai cũng ước một lần được đến. Mũi Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú. Tôi nhớ là mình đã khá háo hức vì được hát một nơi lần đầu mình đặt chân đến. Sau khi hát xong xuất đầu tiên, chúng tôi lên một chiếc xuồng máy nhỏ, chỉ đủ cho bốn người, chạy xuyên qua con rạch chằng chịt luôn chảy cuồn cuộn, để vào thị trấn Năm Căn (bây giờ trở thành Khu Du lịch sinh thái nổi tiếng ở Cà Mau). Chiếc xuồng máy chạy trong đêm, soi đường bằng một chiếc đèn pin bé xíu, trời thì lại tối đen như mực, tôi và mẹ cứ hồi hộp không yên vì lỡ nếu như có chướng ngại vật gì bất ngờ, mình cũng chẳng thấy rõ để mà tránh. Lắm lúc có chiếc ghe chạy chiều ngược lại với tốc độ nhanh, xuồng máy chở hai mẹ con đột ngột lắc lư, chòng chành mạnh như sắp hất tung mọi người xuống nước, chưa kể nước bắn tung toé vào quần áo diễn.
Thú thật là hai mẹ con không biết bơi mà trên xuồng cũng chẳng có phao cứu hộ! Tôi không dám phản ứng gì bằng lời, nhưng tôi thấy mẹ khóc vì lo cho đứa con gái nhỏ của mẹ sao mà cực khổ đến thế! Quả là một kỷ niệm khó phai trong tâm trí tôi. Dù sao đi nữa, quãng thời gian theo chân các đại nhạc hội đến khắp mọi miền trên đất nước, tuy rằng các ca sĩ rất cực khổ và cũng chịu đựng không ít buồn tủi, chưa kể hiểm nguy luôn rình rập, nhưng đối với tôi, tôi lại nhớ mãi không quên. Trước tiên là nhờ những năm tháng “lăn lộn” với nghề mà tôi được trau dồi cho mình những kinh nghiệm hữu ích nhất khi đứng trên mọi sân khấu “thượng vàng hạ cám”. Tôi cũng có thêm rất nhiều khán giả khắp mọi nơi, hiểu được mỗi vùng miền mỗi khác biệt về “gu” nghe nhạc lẫn cách thưởng thức âm nhạc từ phía khán giả. Một điều tôi rất tâm đắc đó là tôi đã được nhiều dịp nhìn ngắm những vùng đất đẹp nhất của Việt Nam qua những lần đi diễn. Tôi được tiếp xúc văn hoá các vùng miền và đặc biệt là được nếm các món ăn ngon đặc trưng ở từng điểm đến. Có nhiều món thật lạ từ tên gọi đến hương vị. Chúng thật đặc biệt mà chỉ có địa phương đó mới có thể làm bởi có chất liệu hoặc gia vị “riêng”. Tôi thích phở chua Cao Bằng, bánh khoai sọ Hà Nội, chả mực Hạ Long (Quảng Ninh), bánh cấu Hải Phòng, bánh gai xứ Dừa (Nghệ An), cơm hến ở Huế, chà rá Quảng Nam, bún riêu cua biển Đà Nẵng, gỏi sứa đầm ô Loan (Phú Yên), bánh tráng mỡ hành Phan Rang, cơm lam Tây Nguyên, bánh xèo ốc gạo Cần Thơ, chè bưởi Bến Tre, bún nước lèo Sóc Trăng, dừa sáp Trà Vinh, xôi xiêm Châu Đốc, lươn um lá nhàu Cà Mau… Quả là một danh sách thật dài phải không? Sau này khi đã được dịp đi lưu diễn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, ăn nhiều món ngon ở xứ người, tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng ẩm thực Việt Nam là phong phú nhất! *** Nhờ những lần rong ruổi theo đoàn đi diễn đại nhạc hội, tôi đã quen được ca sĩ đàn anh Ngọc Sơn. Anh giới thiệu cho tôi về sân khấu 126 đường Cách Mạng Tháng Tám để hát. Nhờ sự giới thiệu của anh, một ca sĩ nổi tiếng bậc nhất bấy giờ, tôi được xếp lịch hát đúng giờ và có nhiều show trong tuần. Từ đó, những chương trình cần một giọng ca trẻ hát nhạc sôi động, sắc vóc trẻ trung, sáng sân khấu thì bầu show nhớ đến tôi.  Thế nhưng, thành thật mà nói, khán giả chưa nhớ tên tôi. Chỉ nhớ cô ca sĩ gì đó “tây lai”, tóc vàng hoe, nước da trắng, mặc đồ bụi và hát nhạc quậy.  Làm sao để khán giả nhớ đến mình, làm sao để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp vươn đến những tầm cao hơn? Tôi cứ luôn trăn trở hàng đêm...
(Còn tiếp - đón đọc vào sáng thứ 3 tuần sau)
V.T