"Vượng râu cũng giỏi, nhưng chưa phải xuất sắc nhất trường"

24/05/2011 08:00
(GDVN) - Không trực tiếp nhận định ai là danh hài số 1 đất Bắc nhưng tiến sỹ nghệ thuật Phạm Trí Thành cũng đã vẽ ra bức tranh chung về sân khấu hài miền Bắc.

(GDVN) - Không trực tiếp đưa ra nhận định ai là danh hài số 1 đất Bắc nhưng tiến sỹ nghệ thuật Phạm Trí Thành, Khoa Nhạc kịch dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh (SKĐA) cũng đã vẽ ra một bức tranh về sân khấu hài miền Bắc, đồng thời đưa ra nhận xét về tuyên bố mới đây của Vượng râu.

{iarelatednews articleid='2943,2745,2435,2346,969'}

alt
Tiến sỹ Phạm Trí Thành, Khoa Nhạc kịch dân tộc - Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Khoa Nhạc kịch dân tộc, Trường ĐH SKĐA không phải một khoa "hot" thu hút sinh viên như Sân khấu, Đạo diễn, Quay phim... nhưng lại là cái nôi của rất nhiều diễn viên hài nổi tiếng đất Bắc như NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Quốc Trượng, Tự Long và cả... Vượng râu. Tiến sỹ Phạm Trí Thành đã có một buổi chia sẻ cởi mở với phóng viên Giáo dục Việt Nam về nghê thuật trình diễn, về những cái tên "đinh" trong làng hài miền Bắc như Xuân Hinh, Tự Long.

- Thưa tiến sỹ, trước thông tin Vượng "râu" tuyên bố "ở đất Bắc này Vượng râu không đứng thứ nhất hẳn nhiên phải là thứ hai", ông nghĩ gì?

Theo tôi, trong nghệ thuật không có nấc thang nào là tột đỉnh cả, nhất là trong lĩnh vực hài. Mỗi người có một vẻ riêng, một cái duyên riêng. Riêng ở xứ Bắc mình, có rất nhiều người nổi tiếng và thành công như Xuân Hinh, Quốc Trượng, Tự Long - những người từng học ở khoa Nhạc kịch dân tộc.

Ví dụ Xuân Hinh có hàng chục đĩa riêng, hay Tự Long có chục chương trình trên truyền hình. Và tôi cũng chưa bao giờ thấy Tự Long hay Xuân Hinh nhận mình là đứng nhất hay nhì. Tôi nghĩ, trong lĩnh vực nghệ thuật này ai được khán giả yêu mến đều là rất là quý rồi. Mỗi người có một lĩnh vực riêng, quan trọng nhất là ta có giữ được cái hình ảnh của mình trong lòng công chúng hay không, và con đường đi đến thành công như thế nào.

- Nghĩa là theo ông, vị trí của mỗi nghệ sỹ hài tốt nhất do khán giả bình chọn?

Đúng vậy, nên để cho khán giả, đặc biệt là khán giả truyền hình đánh giá thì tốt hơn. Một người diễn viên không nên tự đánh giá mình trước công chúng, nhưng tôi ủng hộ nếu như diễn viên đó tự tìm hiểu và biết mình đứng ở đâu, tìm cách để khán giả biết đến mình nhiều hơn, yêu thích mình hơn. Nhờ đâu mà mình được như thế này? Mình phải trả những cái giá thế nào trong thời gian mà mình phấn đấu hay trong vai diễn để định hình trước khán giả, chứ không nên tuyên bố mình đứng ở đâu trong lòng khán giả.

Một lăng kính quan trọng khác là anh em bạn nghề. Tôi nghĩ không chỉ miền Bắc hay miền Nam cũng có rất nhiều diễn viên thực sự tài năng. Nhưng tôi thấy rằng diễn viên miền Nam họ tương đối khéo léo trong cách tiếp cận với công chúng. Với anh em bạn nghề chúng tôi hiểu nhau rất rõ, nhưng với công chúng họ rất khéo léo và họ lôi kéo được khối lượng công chúng riêng của từng người, ví dụ như Bảo Quốc, Hồng Vân, Thanh Bạch, Xuân Hương…

Đời sống hài kịch miền Nam rất phong phú và khán giả miền Nam rất là yêu thích họ. Nhưng dù như vậy thì tôi vẫn chưa bao giờ thấy họ tuyên bố đệ nhất, diễn viên giỏi nhất hay là gì đó... Họ sống rất giản dị và chính điều đó lại lôi cuốn khán giả.

- Ngoài tuyên bố "tôi là số 2", nghệ sĩ Vượng râu còn khá tự tin đánh giá về chuyên môn của đồng nghiệp, như nói những nghệ sĩ hài miền Bắc diễn nhạt. Là một người đào tạo diễn viên, ông nghĩ sao về điều này?

Quyền tuyên bố và nói về bản thân mình thì đó là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng khi nói về bất kỳ người nào, nhất là bạn nghề, thì chúng ta phải suy nghĩ rất kỹ.

Tôi thì có suy nghĩ khác, diễn viên miền Bắc mình diễn rất hay, sâu sắc và đa phong cách đấy chứ! Ví dụ như Tự Long, khán giả đã từng xem các băng đĩa, chương trình truyền hình mà Tự Long tham gia thì thấy anh có một luồng đi rất riêng. Tự Long có thế mạnh là ca hát rất hay và bạn ấy cũng thường đưa phần ca hát vào, như trong các chương trình Táo Quân, chúng ta thấy anh ấy cất giọng lên là khán giả vỗ tay.

Hay như Xuân Hinh, tuy trong một số băng đĩa phần nội dung cũng chưa được hay lắm, nhưng nếu nói về cái duyên của Xuân Hinh hay bản lĩnh độc lập thì quả tình đáng nể. Ngoài ra Xuân Hinh cũng rất thông minh trong việc chọn ê kip làm cùng như bạn diễn, quay phim...

- Tuyên bố của Vượng "râu", chưa cần biết là cố ý hay vô ý tự lăng xê, nhưng chắc chắn là nhiều người phải chú ý. Ông có đồng ý như vậy không?

Tôi không phải là người chứng kiến hay theo dõi những tuyên bố của Vượng. Nhưng trong xã hội hiện nay có rất nhiều cách lăng xê và tự đánh bóng mình, đặc biệt  là giới trẻ hiện nay. Trong đó có nhiều cái kỳ quặc, và trong những cái kỳ quặc đấy thì ít nhất thì cũng làm cho người ta cũng chú ý tới.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, trong giới diễn viên hài miền Bắc, có một số diễn viên ngay từ khi còn đang là học sinh sinh viên tại Trường ĐH Sân khấu điện ảnh đã tạo ra ấn tượng, đã lẫy lừng rồi, như Tự Long, Xuân Hinh, Quốc Trượng, Xuân Bắc, Công Lý, Thành Trung… Với những người đó, họ rất thông minh trong vấn đề phát ngôn hay tuyên bố một điều gì, bởi vì người ta xác định mình đã là người của công chúng rồi.

Vượng học bên lớp chèo, trong quá trình học cũng tỏ ra là người có khả năng về hài. Vượng hơi bị yếu ở mặt hình thể hay khuôn mặt, bù lại Vượng có duyên, có tính hài hước. Nhưng mà khi đó Vương cũng chưa phải hạt nhân lẫy lừng như Tự Long, Xuân Bắc, Xuân Hinh, Quốc Trượng... Vượng cũng tốt nghiệp loại giỏi, nhưng chưa thể được xếp vào hàng những học sinh xuất sắc nhất của trường.

- Có vẻ như ông rất thích cách diễn của Tự Long? Ông có thể kể thêm một chút về Tự Long thời còn học Nhạc kịch dân tộc?

Tự Long là con nghệ sĩ Tự Lẫm, người đóng trong phim Đến hẹn lại lên. Long học lớp chèo trong khoa. Ngay từ lúc đầu khi Tự Long mới vào học SKĐA, chúng tôi đã nhắm bạn ấy vào các vai chính diện, vai kép chính. Long vốn thông minh lại năng nổ tham gia rất nhiều hoạt động trong trường nên kỹ năng diễn tiến bộ rất nhanh.

Sau đó Tự Long thân với Xuân Bắc trong trường, thành cặp Xuân Bắc - Tự Long và lúc đó họ làm nhiều chương trình rất cuốn hút. Tôi đánh giá Tự Long là một trong những điểm chói sáng của Trường SKĐA. Khi ra trường, Long về nhà hát chèo quân đội, thường diễn vai chính diện, và cũng phải lăn lộn bên ngoài rất nhiều thì mới có thể gặt hái thành công.

- Tự Long từng nói: "Các diễn viên chèo thường hâm lắm"! Theo ông ý của Tự Long ở đây là gì, thưa tiến sỹ?

Điều đó không phải một mình Tự Long nói đâu. Đã là diễn viên, nhất là diễn viên kịch hát, nhiều khi phải "điên điên" lên một tí. Cái "điên điên" ở đây là sự sáng tạo, sự phá cách, hay một sự thăng hoa hơn một chút. Nhiều khi diễn viên đứng trên xe buýt mà múa hay ngồi sau xe máy mà diễn là chuyện rất bình thường!

- Xin cám ơn tiến sỹ!
 

"Không phải cứ đi cù nách khán giả rồi tự phong là danh hài"!

Tiến sỹ Phan Trọng Thành, Phó trưởng khoa Sân khấu, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh chia sẻ:

"Xét về  góc độ chuyên môn, diễn viên hài phải xây dựng được những hình tượng nghệ thuật thì mới có thể gọi là một danh hài thật sự, chứ không phải đi cù nách khán giả rồi tự phong mình là danh hài.

Các học sinh của tôi như Xuân Bắc hay Công Lý cũng chưa thể gọi là danh hài được, và bản thân họ cũng không bao giờ tự xưng như thế. Đôi khi, có những người chỉ lợi dụng truyền thông hay khán giả để đạt được mục đích.

Như tôi biết, NSND hề Mạnh Tuấn đã phải dùng rất nhiều chất liệu nghệ thuật, những yếu tố mỹ học, luyện tập những yếu tố hình thể, cao giọng, nhả hơi, ngữ điệu... để tạo hình nhân vật, và những nhân vật ông đóng đều để lại trong lòng khán giả ấn tượng sâu sắc. Đấy mới là một danh hài!



Tuấn Anh