Đằng sau vụ án đau lòng ở Long An: Đắng lòng tiếng gọi “út ơi!”

07/05/2011 00:43
Tháng 4, trời miền Tây nắng đến oi người. Suy nghĩ mãi tôi vẫn không thể tìm ra đáp án: "Vì sao người ta có thể nhẫn tâm đối xử với người sinh ra mình như thế?"
Tháng 4, trời miền Tây nắng không gắt, chỉ đủ để oi người. Con đường đất đỏ dẫn vào nhà bà Trần Thị Mách ở ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cứ xa tít tắp trong tôi, bởi suy nghĩ mãi tôi vẫn không thể tìm ra đáp án cho câu hỏi: "Vì sao người ta có thể nhẫn tâm đối xử với người đứt ruột sinh ra mình một cách tàn ác đến thế?".
Giọt nước mắt già nua
Căn nhà nằm khuất sau hàng rào dâm bụt, tường xi măng, nền lót gạch tàu… Phía trước sân là cái chuồng giữ trâu làm bằng phên nứa, phía bên trái nhà là cái bếp nhỏ lợp tranh… Bà Mách ngồi với tôi cứ khóc nức nở khi nhắc về chuyện của gần 10 ngày trước, vừa kéo áo chậm nước mắt, bà vừa gọi khản "Út à… Út ơi!".
Út của bà là Nguyễn Văn Lít, sinh năm 1981. Bà có tổng cộng 12 người con, những năm loạn ly bà mất đi 2 người. Cách đây 2 năm, con gái bà cũng bỏ bà đi nốt. Bà nói, nỗi đau mất 3 người con đã làm bà ngã quị, vậy mà nỡ nào cậu con trai Út, người được bà thương nhất nhà lại có thể đối xử với bà như vậy… Tôi ngồi lặng im, nhìn nắng ngoài sân ngun ngút trên cây rơm, lặng lẽ buồn.
Sáng một ngày giữa tháng 4, khi bà đang ngồi chơi với cháu nội ngoài chái bếp, Lít ở trên nhà coi tivi. Bỗng nhiên, Lít gọi bà giật ngược: "Má ơi, má lên nhà coi nè. Hình như có ai đó đột nhập vào nhà mình ăn cắp gì hay sao mà cửa tủ bung ra hết rồi".
Nghe vậy, bà lật đật đi lên. Khi bà vừa bước qua khỏi cánh cửa phòng khách, Lít nhanh chóng vươn tay kéo dập cửa lại, gài chốt. Nhìn quanh không thấy nhà cửa có dấu hiệu bị cậy phá, bà hỏi Lít: "Con giỡn với má hả, Lít? Má có thấy gì đâu". "Rồi bà sẽ thấy ngay bây giờ. Vì hôm nay, tui cho bà chết ở đây".
Vừa dứt tiếng, Lít một tay bịt chặt miệng bà, tay còn lại kẹp cổ lôi bà vào giữa nhà. Mặc cho khuôn mặt của bà đang ngơ ngác lẫn hoảng loạn, Lít nói rít qua kẽ răng: "Hôm nay, tui cho bà chết". Bà nhớ, Lít lặp lại câu nói thảm khốc ấy đúng 3 lần.
Lít quẳng bà vào giữa nhà, dùng dây điện dí liên tục vào cổ và tay bà. Bà kể là khi Lít chích điện vào người bà, bà không cảm thấy luồng điện đang chạy trong người mình, bà chỉ ứa nước mắt vì đau đớn. Nỗi đau của người mẹ bất lực nhìn con mình phạm phải cái tội thập ác.
"Thằng Út nó dí điện vào người tui một lần, tui cứ mong mình chết cho rồi. Vậy mà không hiểu sao, sau vài phút bất tỉnh tui lại giật mình bò dậy. Thấy tui đứng lên, Lít lại nhào tới, tay lăm lăm múi điện định chích tui thêm lần nữa. Không biết có ai phò trợ tui hay không, mà lần này, tui bất thần chụp được cái tay cầm dây điện của nó. Tui la làng lên: "Cứu tui với, làng xóm ơi". Cũng may, người ta nghe thấy tiếng la nên vội vàng lao đến", bà nói.
Trong cái xóm nhỏ ở đây, trưa yên ắng đến kỳ lạ. Nên tiếng kêu cứu thảng thốt của bà phút chốc phá vỡ cái không khí tĩnh lặng ấy. Hàng xóm đập cửa, lao vào trong nhà cứu bà. Lít mang khuôn mặt xanh mét, phân trần với mọi người là: "Tui đâu có làm gì đâu. Tự nhiên đang coi tivi, bả lấy chổi đánh vào đầu tui".
Hàng xóm hỏi bà Mách, có chuyện gì xảy ra. Bà không trả lời, chỉ khóc tức tưởi. Có ai đó gọi Công an xã đến, nhìn quanh trong nhà có dấu hiệu xô xát, mấy anh công an viên hiểu ngay vụ việc. Mà chắc ai nhìn cũng biết thôi, bởi luồng điện gây ra vết cháy xém rất đặc trưng trên cổ và cánh tay bà Mách đã nói lên tất cả. Lít bị đưa đến trụ sở Công an xã Tân Mỹ để làm rõ mọi chuyện, có cả Công an huyện Đức Hòa về phối hợp.
Căn nhà nơi xảy ra vụ việc đau lòng.
Căn nhà nơi xảy ra vụ việc đau lòng.
Lít khai nhận tất cả ngay tại trụ sở Công an xã. Nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, công an di lý Lít về huyện. Bà Mách không gặp lại Lít từ ngày hôm đó.
"Năm nay tui 77 tuổi rồi. Chết cũng là được rồi. Tui chỉ đau lòng vì không biết sao thằng Út lại đối xử với tui như vậy. Tui đau lòng quá mà không biết nói làm sao, chú ơi. Mới nãy, ngồi trong nhà nhớ con, tui lang thang ra bụi tre đứng khóc thì chú đến hỏi thăm. Thằng Út nó định giết tui ngay trước bàn thờ của ba nó, của chị nó, của vợ trước và của thằng con trai nó", bà Mách lại khóc.
Dõi theo ánh nhìn của bà, tôi mới để ý trong căn nhà trên nhỏ xíu này toàn là bàn thờ. Ba Lít vừa mất cách đây vài tháng vì căn bệnh tai biến. Chị, vợ và con trai của Lít mất cách đây hai năm do chìm đò trong một lần đi du lịch… Nhang khói trên bàn thờ bay vòng vèo theo giọt nước mắt của bà Mách…
Tôi hỏi bà là giữa hai mẹ con bà có mâu thuẫn gì không, chứ chẳng lẽ, đang yên đang lành Lít lại đi làm cái chuyện đại nghịch vô đạo ấy. Bà Mách trả lời, vài tháng trước, Lít không đồng ý cho bà đi làm lại cái bằng khoán, tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lít bảo với bà là bà già rồi, sắp chết rồi mà làm lại bằng khoán làm gì. Mắc công vài tháng nữa trái gió trở trời, bà chết thì Lít lại tốn công đổi tên chủ bằng khoán lại. Mà tình thiệt thì bà muốn làm lại bằng khoán, để chia cho mấy cô con gái của bà mỗi người 5 mét ngang đất để làm nhà ở… Có vậy thôi, mà Lít đâm ra hục hặc với bà.
"Có đáng để con đối xử với má vậy đâu, Út ơi! Giờ thì nó đi tù, tui chịu điều tiếng với hàng xóm. Biết khi nào má con mới nhìn thấy mặt nhau", bà nói giọng buồn hiu. Hôm rồi đi hốt thuốc Bắc về uống sau cái đận chết hụt ấy, thầy thuốc hỏi sao bà lại có vết xém như bị điện giật trên tay. Bà trả lời, bà dọn dẹp nhà cửa bất cẩn, nên bị dây điện quẹt phải. "Chứ không lẽ, lại đi nói mình bị con mình chích điện hả chú?", bà hỏi. Tôi thở dài, tránh ánh nhìn như đang chờ đợi câu trả lời của bà.
Nỗi niềm người mẹ quê
Bà Mách mặc cái áo vải sờn, mỏng. Cái quần bà ba đen cũ; tóc lơ phơ vấn ngược ra sau. Tay chống cây gậy, đi tập tễnh mời tôi ra chái bếp ngồi cho mát để tiếp tục câu chuyện buồn. Phía dưới lòng bàn chân trái của bà là vết thương lõm sâu. Bà nói, chắc lúc quýnh quáng, Lít đã chích điện vào đấy. Ra đến bệnh viện, bà mới biết có vết thương này…
Gió bên hè thổi xào xạc, bà kể ngày trước, nhà bà nghèo xác xơ. Chồng bà tha hương mưu sinh, cứ đi biền biệt. Bà ở nhà một nách với đàn con thơ, mướn mảnh ruộng nhỏ để trồng lúa, mỗi mùa trả cho chủ 3 giạ. Bà bảo là thời đó, khổ quá nên hai người con của bà thiếu ăn mà mất sớm. Chắt chiu mãi nhiều năm sau, bà mua được mảnh đất mà bà đang mướn ở. Những người con lần lượt lớn, cả nhà lại rồng rắn khẩn hoang đất ngoài bưng, được một khoảng lớn…
Chồng bà, sau 10 năm tha hương đột ngột trở về. Lại thêm 4 người con lần lượt ra đời tính từ ngày ông về lại chốn xưa. Năm 1981, Lít ra đời. Bà quen gọi Lít là Út, bởi Lít là người con cuối cùng của bà.
Người miền Tây quan niệm rằng, giàu út hưởng, khó út chịu… Nên bà gói ghém hết tình thương của mình dành cho Lít. Ngay từ nhỏ, Lít luôn được bà cưng chiều hơn những anh chị em khác.
Lít học đến lớp 5 thì nằng nặc đòi nghỉ. Mặc bà nước mắt vắn dài khuyên can, Lít vẫn quyết không đến trường. Lít nói gọn lỏn: "Tui nghĩ, ở nhà coi trâu sướng hơn đi học. Đi học chán lắm"…
Lít ở nhà, coi trâu cho gia đình. Mâm mẩm lớn, Lít đòi theo chân mấy thanh niên trong xóm đi làm xí nghiệp. Bà không muốn cho Lít đi, nhưng Lít cứ đòi hoài, nên bà cũng chịu. Làm công nhân được bao nhiêu tiền, Lít giữ hết. Cũng chẳng bao giờ bà hỏi đến tiền của Lít. Mỗi lần Lít về nhà, bà lại dấm dúi ít tiền cho cậu con trai Út.
Vết xém do điện phỏng trên tay và cổ bà Mách.
Vết xém do điện phỏng trên tay và cổ bà Mách.
Cách đây hơn 6 năm, Lít về nhà, nói: "Tui muốn lấy vợ, má coi đi nói với người ta cho tui". Vợ của Lít là cô thôn nữ ở xã kế bên. Đám cưới của Lít được bà Mách làm to lắm.
Ở với nhau có hai mặt con, một trai một gái, thì trong lần đi chơi ở miệt Châu Đốc (An Giang) với người chị chồng, vợ Lít và cậu con trai không may vắn số mất cùng chị Lít do chìm đò. Ba cỗ quan tài đặt giữa sân nhà đã làm bà Mách khóc hết nước mắt. Cô con gái của Lít từ đó ở với bà nội. Mà cô bé có khuôn mặt giống Lít như khuôn đúc, đó là theo lời bà Mách. Không biết bị chứng bệnh gì, mà đã 4 tuổi bé vẫn chưa đi được. Bà Mách thương, chạy chữa mãi bé mới có thể vịn thành giường đi chập chững. "Mà con bé ít nói lắm, nó chỉ hay cười thôi", bà Mách kể.
Vợ con mất được độ 9 tháng, thì Lít đòi cưới vợ khác. Bà Mách nói với Lít làm như vậy là không được. Bởi vợ chết chưa mãn tang, mà Lít đòi vợ mới là không phải đạo.
Lít bực bội, gắt bà: "Má mà không đi hỏi vợ mới cho tui, thì tui đưa má mớ hồ sơ bảo hiểm của tui nè. Tui đi xuống xí nghiệp, thọc tay vào ổ điện cho điện giật chết, má cứ cầm hồ sơ xuống xí nghiệp mà lấy tiền bảo hiểm của tui về xài đi".
Nghe Lít đòi chết, bà sợ lắm. Bà thủ thỉ với chồng, ông bảo: "Thôi thì bà tính vậy, chứ chuyện này tui cũng không biết sao". "Tui biết chuyện đó là không phải, nhưng con nó cứ đòi chết, không lẽ mình lại nhắm mắt làm ngơ. Lỡ nó dại, nó tự tử thiệt thì tui biết làm sao", bà Mách nói như phân trần.
Đám cưới lần thứ hai của Lít cũng được bà tổ chức lớn như lần đầu Lít cưới vợ, vì ý Lít muốn vậy. Sau đám cưới, hai vợ chồng Lít dắt díu nhau về ở với bà…
Mấy tháng trước, khu đất ngoài bưng của bà nằm trong vùng quy hoạch của dự án nâng cấp và mở rộng cụm công nghiệp, tiền bồi thường được gần cả tỉ đồng. Bà mang tiền về chia sạch cho các con, mỗi người được hơn trăm triệu. Bà đâu giữ lại cho riêng mình chút gì… Từ chuyện này, Lít đã không vui vẻ với bà. Bởi theo ý Lít thì mọi anh chị em đều có cuộc sống riêng, mắc mớ gì phải chia tiền cho họ.
Trước khi xảy ra sự vụ đau lòng hôm ấy, bà Mách có bàn với Lít là bà muốn cho 2 cô con gái mỗi người 5 mét đất ngang để cất nhà ở bởi cuộc sống gia đình hai người chị Lít khó khăn quá. Lít cản chuyện này rất quyết liệt, Lít nói: "Má không được cho họ đất. Tui nói rồi đó, ở chung rất phức tạp. Trước hay sau gì cũng xảy ra chuyện thôi. Tui nói không là không? Trong lúc bà đang loay hoay để tìm cách dỗ dịu thằng con trai út, thì Lít đã âm thầm tính chuyện mưu hại bà…
"Lít nó hiền lắm, chú à. Từ nhỏ tới lớn nó không gây gổ với ai hết. Nó cũng không rượu chè, cờ bạc hay đề đóm gì hết. Tui thương nó đứt ruột, mà không biết sao nó lại làm vậy với tui. Sao con lại giết má hả, Út ơi?", bà lại khóc.
Bà cứ ngồi đó khóc nấc, cô con dâu thứ hai của bà ngồi trên cái giường tre, vừa cho cô con gái vài tháng tuổi bú sữa vừa thẫn thờ nhìn ra ngoài sân vắng… Nghe đâu, hôm rồi hai người anh của Lít có lên nhà tạm giam của Công an huyện Đức Hòa thăm Lít.
Lít gặp các anh cứ khóc suốt. Lít nói em sai rồi, mấy anh về nói má thương em, làm cho em cái đơn bãi nại để em được giảm án bao nhiêu đỡ bấy nhiêu.
Tôi hỏi bà có làm đơn bãi nại cho Lít không. Bà nói, mấy anh chị nó giận lắm, kiên quyết ngăn cản không cho bà làm đơn. Mà tự thân bà làm, thì bà có biết làm như thế nào đâu.
Những vết thương trên thân thể người mẹ già, hậu quả của một cuộc mưu sát không thành, vẫn còn nhức nhối. Nhưng bằng tình yêu thương bản năng của một người mẹ, cho đến giờ, bà vẫn tin rằng Út Lít không có ý hại bà. Bà vẫn khăng khăng chắc có ai xui khiến chứ con bà nỡ nào lại hại bà, với bà thì lúc nào Út cũng thương bà.
Bởi bà tin, một phần máu thịt của bà chẳng bao giờ lại nỡ đối xử với bà như vậy(!)
Theo Ngô Nguyệt Hữu/CAND