Tòa án bác yêu cầu của dân kiện công an

30/06/2011 01:01
(GDVN) - Hôm nay, ngày 29/6, TAND quận Cầu Giấy (HN) đã mở phiên tòa hành chính xét xử vụ việc một người kiện công an vì cho mình rằng bị phạt oan.
(GDVN) - Ngày 29/6, TAND quận Cầu Giấy đã mở phiên tòa hành chính xét xử vụ việc một người kiện công an vì cho mình rằng bị phạt oan.
{iarelatednews articleid='4978'}
Phiên tòa diễn ra vào lúc 8h30 sáng nay
Phiên tòa diễn ra vào lúc 8h30 sáng 29/6
Nội dung vụ việc cho thấy, vào ngày 15/11/2010, ông Nguyễn Đức Đông (43 tuổi, ở Trần Cung, Cầu Giấy, HN) điều khiển ô tô từ phố Phan Văn Trường rẽ trái ra đường Xuân Thủy. 
Khi đi đến khu vực số nhà 61- 63, ông Đông dừng xe dưới lề đường để vào giao dịch tại Chi nhánh giao dịch Ngân hàng Đông Á ở gần đó thì bị lực lượng CSGT - Trật tự - Phản ứng nhông của quận Cầu Giấy xuất hiện và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "đỗ xe ở lòng đường trái quy định".
Ngày 16/11/2010, căn cứ biên bản vi phạm hành chính nói trên, ông Đông đã bị Công an  quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 800.000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe trong 30 ngày.
Cho rằng quyết định xử phạt mình của Công an Quận Cầu Giấy như vậy là thiếu căn cứ nên ông Đông đã 2 lần làm đơn khiếu nại gửi đến Công an Quận Cầu Giấy và Công an TP. Hà Nội. 
Thấy các văn bản trả lời của các cơ quan này “chưa hợp lý” nên ngày 16/2/2011, ông Đông đã khởi kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an tòa giao thông đường bộ thiếu cơ sở pháp lý của công an quận Cầu Giấy với yêu cầu huỷ quyết định xử phạt đối với mình, trả lại 800.000 đồng và bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần với số tiền 4 triệu đồng.
Tại phiên tòa , ông Đông cho biết các căn cứ để ông khởi kiện là: tại khu vực ông đỗ xe không có biển cấm đỗ, khi không có biển cấm đỗ thì công dân được phép đỗ xe, và có quy định: khi vạch sơn không rõ, biển báo không rõ hoặc bị che khuất thì chỉ bị nhắc nhỏ.

Theo trình bày của các bên tại tòa, căn cứ để công an quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đông là Quyết định 2053 ngày 27/5/2008 của UBND TP. Hà Nội về Quy định các tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường. 
Được biết trên địa bàn quận Cầu Giấy có 3 tuyến phố: Xuân Thủy - Cầu Giấy - Trần Duy Hưng nằm trong diện cấm như trong Quyết định nói trên.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Đông và luật sư Phạm Ngọc Minh bảo vệ quyền lợi cho ông Đông, trong quá trình điều khiển xe ô tô từ đường Phan Văn Trường tới đường Xuân Thủy là đi qua ngã ba nhưng không có biển cấm đỗ xe.
Và luật giao thông đường bộ 2008 quy định: nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài hoặc là tại các ngã ba, ngã tư có xe đi vào đoạn đường ấy thì các biển cấm phải được đặt nhắc lại.  Khi không có biển cấm thì người lưu thông sẽ không biết và được hiểu đoạn đường đó không bị cấm.
Trong phần xét hỏi, phía nguyên đơn đã nhiều lần đề nghị làm rõ điểm giao nhau giữa phố Phan Văn Trường (khu vực gần Chợ nhà xông) với đường Xuân Thủy có phải là ngã ba hay không, có phải cắm biển báo hay không.
Trả lời câu hỏi đó, người đại diện hợp pháp của CA quận Cầu Giấy là ông Nguyễn Quang Khải, Đội phó Đội cảnh sát trật tự, phản ứng nhang (Công an quận Cầu Giấy, HN) cho rằng đó không phải là ngã ba (?!)
Ông Khải cũng cho rằng, đầu và cuối đường Xuân Thủy đã có biển cấm thì người tham gia giao thông phải chấp hành. Đồng thời vị này cũng liên tục khẳng định rằng: việc “lập biên bản, ra quyết định xử phạt của công an quận Cầu Giấy là hoàn toàn đúng với trình tự thủ tục pháp luật”.
Đề cập đến việc chấp hành luật lệ giao thông, ông Đông cho rằng, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. “Người  tham gia giao thông không có nghĩa vụ và cũng không thể ghi nhớ chính xác tuyến đường nào cấm đỗ xe nếu không có biển báo”.
Trong khi đó phía bị đơn lại cho rằng việc cắm biển báo không phải là trách nhiệm của công an mà là của Sở giao thông vận tải. Và người tham gia giao thông ngoài biển báo còn phải chấp hành các quy định, điều lệ khác. 
Chiều cùng ngày, HĐXX đã tuyên bác bỏ các yêu cầu của ông Đông. 
HĐXX cho rằng: ông Đông là công dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, được cấp giấy phép lái xe từ năm 2007 nên khi tham gia giao thông phải tuân theo luật giao thông đường bộ, các biển báo giao thông đường bộ. 
Ngoài ra, ông Đông còn phải tuân theo các quy định của UBND TP. Hà Nội quy định về các tuyến phố văn minh, thương mại cấm đỗ xe dưới lòng đường theo Quyết định số 2053 ngày 27/5/2008 của UBND TP. Hà Nội về Quy định các tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường. 
HĐXX kết luận: Việc ông Đông đi trên đường Xuân Thủy và đỗ xe dưới lòng đường tại số 63 Xuân Thủy- đường cấm đỗ xe là vi phạm luật giao thông đường bộ.
Căn cứ Luật giao thông đường bộ, Nghị định số 34 quy định xử phạt hành chính trong giao thông đường bộ, quyết định số 2053 của UBND TP. Hà Nội, Quyết định xử phạt của Công an quận Cầu Giấy là đúng pháp luật.
Còn khoản bồi thường 4.000.000 đồng do thuê xe đi làm và yêu cầu Công an quận Cầu Giấy công khai xin lỗi do ông Đông đã bổ sung ngày 22/6/2011 tức là sau khi tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử nên không đủ điều kiện để xem xét trong vụ án này và giành quyền cho ông Đông khởi kiện trong 1 vụ án dân sự khác. 
Trao đổi với PV ngay sau phiên tòa này, ông Nguyễn Đức Đông cho biết ông không đồng tình với phán quyết của tòa và sẽ tiếp tục kiện lên cấp cao hơn.  Ngoài cổng TAND quận Cầu Giấy, ông Đông bức xúc nói: “ HĐXX cho rằng tôi là công dân thủ đô thì ngoài việc chấp hành biển báo còn phải chấp hành các quy định khác của UBND TP.Hà Nội. Thế trong trường hợp, nếu công dân ở các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội thì làm sao họ biết được có các quy định này mà chấp hành?”
Tuệ Minh