Bất ngờ clip 'kẻ lười biếng' luận về nền giáo dục VN (P7)

21/04/2013 07:56
Quyên Quyên
(GDVN) - Như Lưu Quang vũ đã nói: Có những cái sai không thể sửa được, chắp vá, gượng ép chỉ làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng làm sai nữa hoặc bù lại bằng một việc đúng khác.
Trên Youtube đang xôn xao truyền tay clip mang tên “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”. Trong clip dài đến hơn 1 giờ đồng hồ, một bạn trẻ tự giới thiệu là học sinh lớp 12 đã phân tích, bóc trần rất nhiều vấn đề được cho là "nhức nhối" của nền giáo dục Việt Nam hiện nay như: thừa kiến thức, bệnh thành tích, không chú trọng dạy đạo đức, cách dạy lạc hậu v.v. Các lập luận của bạn trẻ này được người xem clip tán đồng ở mức độ cao nhờ lập luận chặt chẽ, không né tránh chuyện "nhạy cảm", và cách thuyết trình rất cuốn hút. Để rộng đường dư luận, Giaoduc.net.vn đăng tải lại clip này thành nhiều phần nối tiếp nhau (do clip rất dài và nói nhiều nội dung), có diễn giải lại bằng văn bản để bạn đọc tiện theo dõi. >Xem lại phần 1: "Học kiến thức cơ bản đến lớp 9 là đủ"! >Xem lại phần 2: "Học để thi tạo ra thế hệ đối phó với mọi thứ" > Xem lại phần 3: Ôi bằng cấp, điểm số, bệnh thành tích! > Xem lại phần 4: 'Người vô đạo đức thì tạt axit, tấn công bằng bom nguyên tử' > Xem lại phần 5: Cái tội làm hỏng "công cụ thu hoạch" của học sinh là gì? > Xem lại phần 6: Học và chơi, đam mê và lười biếng
Ảnh cắt ra từ clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng"
Ảnh cắt ra từ clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng"


Phần 7 của clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" (Nguồn Youtube)
Phần 7: "Những người giỏi cũng chỉ ở trên mặt báo"
Những thành công cá nhân làm nên sức mạnh của tập thể. Đó chẳng phải là điều mà bất kỳ dân tộc nào cũng hướng tới. Những thành công chân chính chỉ có thể sinh ra từ nghị lực và đam mê chân chính. Thế nhưng nhìn thấy nhiều người không có ước mơ, không có đam mê nào trong cuộc sống khi đại học thường là chọn khối vừa sức trước khi chọn trường. Hầu như chúng ta chỉ cố gắng lay lắt qua các kỳ thi, còn nghề nghiệp tương lai là chưa bàn tới. 

Khổng Tử có nói: Hãy chọn một công việc mà bạn yêu mến, bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào cả.

Như Lưu Quang Vũ đã nói: Có những cái sai không thể sửa được, chắp vá, gượng ép chỉ làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng làm sai nữa hoặc bù lại bằng một việc đúng khác. 

Khi tôi đọc báo, thấy có nhiều người quan tâm đến giáo dục và họ cũng đưa ra những ý kiến đa chiều. Nhưng phần lớn tuy nhiệt huyết nhưng không nhìn thấy ổ bệnh ở quả tim, cứ đi tìm đâu đâu ở những cái mao mạch. Vấn đề ở não không chữa lại cứ đi bẻ đi bẻ lại mấy cái đốt ngón tay. Trong khi đó, chỉ có số ít các cao nhân là có đôi mắt tinh tường xoáy sâu vào cốt lõi. Đó là GS Hồ Ngọc Đại (Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm), nhà giáo Phạm Toàn với nhóm Cánh buồm đang thực hiện bộ SGK mới. Đó là GS Hoàng Tụy, GS Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, TS Phạm Anh Tuấn và những người khác. 

Thế nhưng tôi nhìn mãi, nhìn mãi cũng chỉ thấy người giỏi ở trên mặt báo. Rời mắt ra, khung cảnh vẫn ảm đạm, bế tắc và thê lương như thường. Tất cả mái đầu bạc trắng cũng chỉ đứng cạnh nhau trên một đường tròn, đổ dồn mắt vào bên trong, không thể nào với tay nổi vào cái tâm y của đường tròn đó. 

Tôi hỏi vị trí trung tâm đó là của ai? Làm thế nào để nó nhúc nhích đây? Đến bao giờ vòng tròn kia mới được lăn bánh? 

Nếu như các ngành công nông khác đều tạo ra các sản phẩm là hàng hóa thì sản phẩm của giáo dục lại là con người. Sản phẩm là tất cả quá trình tập hợp những hoạt động liên quan đến nhau, biến đầu vào thành đầu ra. Tôi gọi HS là một sản phẩm đặc biệt và giáo dục là một quy trình đặc biệt. Hãy xem chúng ta nhìn nhận như thế nào về quá trình đó. 

* Đón xem phần cuối: Bày ra thi cử để bán sách, học thêm, luyện thi. Chỉ có bày vẽ là giỏi!
Quyên Quyên