Các trường Đại học đua nhau mở lớp 'cải thiện điểm' cho SV

24/06/2011 04:30
Khi chương trình chính khóa kết thúc, sinh viên ở nhiều trường ĐH “rủ” nhau đi đăng kí học kì 3 đông như trẩy hội.

Khi chương trình chính khóa kết thúc, sinh viên ở nhiều trường ĐH “rủ” nhau đi đăng kí học kì 3 đông như trẩy hội. Các lớp học kì ba được tổ chức vào dịp hè (từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 8) để các sinh viên có điều kiện cải thiện điểm, học vớt, trả nợ môn hoặc “chạy” tín chỉ.

Tiền tăng vèo vèo vẫn... "ok"!

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù học phí cho “khóa học đặc biệt” này đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi học phí các môn chính khóa (trung bình từ 170.000 đồng/tín chỉ) nhưng các lớp học kì 3 lúc nào cũng chật kín chỗ ngồi, mỗi lớp khoảng 70- 80 sinh viên trở lên.

a
Lớp học kì 3 tại trường ĐH K. (Thanh Xuân, Hà Nội)

Bởi, các sinh viên ở khối kỹ thuật thường “ngại” học những môn đại cương như: Triết, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Còn các môn cơ sở như: Cơ học cơ sở, Toán đại cương, thủy lực thì điểm lúc nào cũng lẹt đẹt.

Vậy nên các lớp học cải thiện những môn này năm nào cũng đông nghịt.

Đức Anh - sinh viên năm 3, ĐH K. Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Hầu hết sinh viên trường mình đều “chết” các môn đại cương vì dài dòng, khó nhớ nên có khi 2/3 lớp đi học lại là chuyện bình thường.”

Còn sinh viên của các trường khối xã hội lại “đau đầu” với tiếng Anh, Toán cao cấp, hay môn Thống kê nên đa phần học kì ba là thời gian để “vớt vát” lại điểm. Lê Linh - lớp Triết, Trường ĐH N.V, Hà Nội chia sẻ: “Muốn ra trường có tấm bằng đẹp thì phải chịu khó đi học cải thiện, học phí đắt một chút nhưng điểm tổng kết lại cao”.

 Lịch học kì 3 dày đặc hơn lịch học chính khóa

 

Một số bạn muốn ra trường sớm hơn nên đã chọn giải pháp “học ngày cày đêm” chương trình học kì 3 để “chạy” tín chỉ. “Học vượt vừa vất vả lại tốn tiền, tốn thời gian nhưng được ra trường sớm. Muốn nhanh thì phải chấp nhận thôi!” – Hoàng Nga sinh viên ĐH B.K, Hà Nội tâm sự.

Đã vào học kỳ 3 ắt được điểm cao?

Việc đăng kí học kì ba để cải thiện điểm, trả nợ môn, hay học vượt xuất phát từ nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên được hỏi đều cho rằng đã bỏ ra nhiều tiền để học thì chắc chắn sẽ được điểm cao nên chỉ đi học để điểm danh hoặc chiếu lệ. Thậm chí có những người từng học lại sáu lần vẫn không qua được một môn.

Như trường hợp của Nguyễn Nam (ĐH C.N, Hà Nội), vì nghĩ học lại kiểu gì cũng sẽ qua nên Nam đi học như đi chơi. Ngồi trong giờ không ngủ thì Nam lại lôi điện thoại ra đánh điện tử tới khi hết giờ thì về. Bởi vậy, sáu lần thi là sáu lần trượt, học hết bốn năm ĐH mà Nam vẫn chưa cầm nổi tấm bằng tốt nghiệp vì nợ quá nhiều môn.

Một số sinh viên ở lại trường để học hè cũng tranh thủ đi làm thêm để có “đồng ra đồng vào”.

Nhưng nhiều người có cùng suy nghĩ như Nam, coi nhẹ chuyện học “cải thiện” bởi cho rằng các thầy thường cho đề dễ, coi thi dễ, chấm dễ. Vì mải kiếm tiền nên nhiều bạn bỏ bê học hành, cuối cùng “cải thiện” đâu chẳng thấy, chỉ thấy càng học càng thụt lùi.

Cũng có những trường hợp lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý lớp học kì 3 ở nhiều trường ĐH nên đã thuê người học hộ, thi hộ để điểm cao hơn còn bản thân thì “gồng mình” đi làm thêm khắp nơi để lấy tiền trả công cho người học

a
Lớp học kì 3 tại trường ĐH K. (Thanh Xuân, Hà Nội)

Như Mai Chi (*) (ĐH N.V, Hà Nội) biết mình không có khả năng học tiếng Anh, dù có học “cải thiện” hàng trăm lần nữa cũng vẫn thế nên tìm cách thuê người học để thi kéo điểm.

Mỗi buổi học hộ có giá 50.000 đồng, riêng ngày thi mức giá tăng lên 400.000 đồng. Bởi vậy, thay vì phải lên lớp học hè, Chi “chạy ngược chạy xuôi” làm thêm để trả tiền học hộ.

Dù biết việc tranh thủ thời gian hè để học thêm học kì 3 nhằm cải thiện điểm, trả nợ môn, học vớt cũng là điều kiện để sinh viên “gỡ” điểm cho những môn “khó nuốt”.

Thế nhưng việc học đó đã “cải thiện” năng lực của sinh viên một cách thực sự chưa? Hay chỉ là những điểm số ảo và ý thức học tập của sinh viên không được chấn chỉnh?

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Vietnamnet