Cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói chuyện với sinh viên Việt Nam

18/03/2013 07:27
Xuân Trung
(GDVN) - Nằm trong chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á, cựu Thủ tướng Italia Romani Prodi, đồng thời cũng là cựu Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu sẽ có bài nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao về chủ đề: “Chính trị và hòa bình trên thế giới”.
Ông Romano Prodi là một giáo sư - một chuyên gia về kinh tế, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học nổi tiếng như khoa Kinh tế, khoa Chính trị Trường đại học Bologna, giáo sư tại đại học Havard, Học viện nghiên cứu Stanford, từng tam gia nghiên cứu tại Trường kinh tế London, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italia, Thủ tướng Italia và Chủ tịch Liên minh Châu Âu, hiện tại đang là Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Mali và khu vực Sahel. 
Trong buổi họp báo được tổ chức chiều 17/3, giáo sư Romani Prodi đã “phác họa” bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế thế giới cũng như tình hình an ninh chính trị tại Châu Á. Đây không phải là lần đầu tiên ông sang Việt Nam, trở lại lần này ông Romano Prodi nhận định rằng, ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác để xây dựng một nền văn hóa hòa bình và phát triển. Nói điều này vì Việt Nam là quốc gia trẻ với nhiều người tài năng và tràn đầy sức sống, những con người này có thể tận dụng tối đa những triển vọng tiềm tàng mà Việt Nam vốn có.
Mặc dù dân số Việt Nam đông nhưng để phát triển hơn nữa trong tương lai Việt Nam vẫn cần tìm các mối quan hệ giữa các nước trên thế giới. Không chỉ đối với Việt Nam, tìm kiếm sự hợp tác là để đảm bảo sự bền vững của một quốc gia. Ông Romano Prodi cho biết, chúng ta chỉ có thể đạt được sự thịnh vượng nếu các quốc gia trên thế giới hợp tác với nhau. 

Ông Romano Prodi cho biết, xét trên phương diện toàn cầu ông không nghĩ thế giới đang khủng hoảng kinh tế.
Ông Romano Prodi cho biết, xét trên phương diện toàn cầu ông không nghĩ thế giới đang khủng hoảng kinh tế. 

“Tất nhiên hợp tác chúng ta không thể đánh mất bản sách của dân tộc, nhưng chúng ta vẫn phải hợp tác để có thể đạt được sự thịnh vượng. Trong lịch sử 2.000 năm, thế giới bị thống trị bởi đế chế La Mã thì đây là thời kỳ đầu tiên ba thế hệ loài người không phải chứng kiến các cuộc chiến tranh”, ông Romano Prodi nói. Vấn đề hợp tác các quốc gia Châu Á có thể học tập kinh nghiệm từ các nước Châu Âu phát triển. 

Dẫn chứng thêm về sự hợp tác giữa các quốc gia Châu Âu về sự hợp tác mà các quốc gia Châu Á có thể học tập là cho ra đời một đồng tiền chung. Tuy nhiên, nhưng sự hợp tác này cũng có nhiều mối lo ngại, một vài năm gần đây ông Romano Prodi lo ngại đồng tiền chung này có nguy cơ tan rã do các cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng.

“Một năm trước đây nói thật tôi cũng rất lo lắng đồng tiền chung sẽ bị tan rã, bây giờ tôi không còn mối lo lắng đó nữa, lí do hiện tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của mình trong việc sẽ can thiệp những khu vực bất ổn về tiền tệ và kinh tế”. Theo ông Prodi, một trong những vấn đề chính dẫn tới sự khủng hoảng chung của Châu Âu hiện nay là chi tiêu chính phủ quá nhiều, và việc lập chi tiêu chính phủ không thích đáng, điều này thể hiện ở các quốc gia Bắc Âu trong việc chi tiêu công là rất rõ, nhất là giáo dục và sức khỏe. 

Chia sẻ với báo giới trước ngày nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao, ông Romano Prodi cho biết, xét trên phương diện toàn cầu ông không nghĩ thế giới đang khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên nhìn vào các quốc gia hay các khu vực khác nhau trên thế giới, tình hình kinh tế sẽ khác nhau rất nhiều. Ví dụ ngay như Trung Quốc tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,5%, ở các quốc gia Châu Phi tốc độ là 4-5%, ở Mỹ là 2%, EU (Liên minh Châu Âu) là 0%, do vậy tiềm năng phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế ở EU năm nay (2013) là rất khả quan - theo suy nghĩ của ông Romano Prodi. Biện pháp để nền kinh tế tăng trưởng hơn là các nước cần có kỷ luật trong việc sử dụng ngân sách của quốc gia mình, các nước cần tăng cường nhu cầu tiêu dùng - nhu cầu nội tại trong EU. 

Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia, ông Romano Prodi nhắc lại mối quan hệ giữa hai nước luôn luôn được vun đắp và trở nên tốt hơn. Tốt ở đây là về chất lượng hợp tác, và theo ý của ông Romano Prodi trong thời gian tới hai nước cần trao đổi, hợp tác hơn nữa về giáo dục, nhất là các trường đại học với nhau. 

Đánh giá về mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), ông Romano Prodi cho biết không chỉ tốt đẹp ở mặt giao thương, kinh tế mà còn về mặt văn hóa. 

Trong nội dung buổi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao vào chiều nay, ông Romano Prodi sẽ dẫn chứng và có những lời khuyên đối với thế hệ trẻ trong việc đóng góp công sức để cải cách kinh tế hiện, đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành trọng điểm trong thời đại ngày nay. Trong đó, nội dung cơ bản là mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều phải có một chiến lược riêng cho mình. Với Việt Nam đang chọn đi theo nền kinh tế mở, dù có cải cách hay tái thiết như thế nào thì luật pháp và chính sách luôn luôn phải gắn chặt với định hướng nền kinh tế mở.

“Việt Nam cần xây dựng một hệ thống luật pháp dài hạn, không thay đổi quá nhiều, hệ thống luật pháp này cần phải rõ ràng đối với nước ngoài cũng như người dân trong nước. Khi quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ có sự phân biệt giàu nghèo, vậy trong quá trình phát triển nhà nước cần phải tránh sự căng thẳng gia tăng giữa người giàu và người nghèo bằng cách đảm bảo sự công bằng trong xã hội”, ông Romano Prodi lưu ý.
Chiều nay tại Học viện Ngoại giao, ông Romano Prodi sẽ có bài thuyết trình với sinh viên về “Chính trị và hòa bình – sự hợp tác trên toàn thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”. Một trong những lí đo khiến ông Romano Prodi chọn chủ đề này vì hiện nay Hoa Kỳ đang là một trong những quốc gia có ảnh hưởng nhiều trên thế giới, kèm theo đó mối quan hệ giao thương cũng tăng lên và các nước cần phải đặt ra những quy tắc chung để tránh xung đột. Sau buổi thuyết trình, ông Romano Prodi cũng sẽ tham dự buổi tiếp đón dưới sự chủ trì bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Giáo sư Romano Prodi là học giả cuối cũng đến Việt Nam trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á, sau chuyến thăm của giáo sư Roger B.Myerson, đoạt giải Nobel Kinh tế, giáo sư Harald zur Hausen, đoạt giải Nobel Y học, giáo sư Douglas D. Osheroff, đoạt giải Nobel Vật lý, giáo sư Sir Harold W. Kroto, đoạt giải Nobel Hóa học, và giáo sư Ngô Bảo Châu, đoạt giải thưởng Toán học Fields, từ tháng 11/2012.
Xuân Trung