Nếu cô cứ bắt đi học thì em ăn lá ngón chết đấy!

09/05/2011 07:29
(GDVN) - Cô giáo lên bản vận động các em đi học thì cô bé chạy vào rừng và nói: “nếu cô cứ bắt đi học thì ăn lá ngón chết”.

(GDVN) - Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh kể lại: Học kỳ trước, khi cô chủ nhiệm lớp 5 có một học sinh ở bản Phá Khẩu bỏ học. Cô lên bản ở lại nửa ngày vận động, khi gia đình đồng ý thì em đó nhất định không đi học rồi, chạy vào trong rừng và nói: “nếu cô cứ bắt đi học thì ăn lá ngón chết”.

{iarelatednews articleid='656'}

Tìm hiểu nguyên nhân, mãi sau này cô Hạnh mới biết, em học sinh ấy chỉ có một cái quần, xuống học bị bạn trêu chọc nên bỏ học.

Cô giáo thích nó đi học thì cô giáo phải nuôi nó nhé!

Đó là 1 trong hàng nghìn lý do mà học sinh của cô Hạnh đã nói với cô trong những lần vận động học sinh đến trường. Trường Tiểu học Phình Giàng, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) luôn canh cánh nỗi lo “mất dạy”. Mất dạy theo nghĩa không còn học sinh đến lớp mà dạy học nữa.

Lại còn có trường hợp phụ huynh học sinh của cô là người Khơ Mú ở bản Phá Khẩu nói với cô rằng: “Cô giáo thích nó đi học thì cô giáo nuôi nó nhé, cô giáo đi dạy có lương chứ nó đi học có lương đâu?”. Cô chỉ biết cười, cười ra nước mắt vì cô không biết trả lời vị phụ huynh ấu trĩ kia như thế nào.

Vị phụ huynh đó, cả đời chưa ra khỏi núi Phá Khẩu, chỉ quanh quẩn lo miếng ăn, cái sự học cô Hạnh không thể giải thích bằng những thuật ngữ như: Có học để có kiến thức làm ăn, học để xóa đói giảm nghèo hay học để làm cô giáo, kỹ sư …. Bởi lẽ, những viễn cảnh mà cô vẽ đối với vị phụ huynh 1 chữ bẻ đôi không biết thì cũng như không. Trước mắt họ, bữa ăn chiều nay trong mùa đói quan trọng hơn bất cứ viễn cảnh nào.

Lại còn có lý do mà cô Hạnh cho rằng đó là lỗi hệ thống ở sách giáo khoa dành cho miền núi. Có lần cô giảng bài cho học sinh của mình có khái niệm: Tầu hỏa. Học sinh của cô mới hỏi rằng: Tầu hỏa như thế nào cô giáo?

Để có cái chữ, các em phải vật lộn với miếng ăn. Ảnh: GDVN

"Nuôi cái bụng quan trọng hơn là nuôi cái chữ!". Ảnh: GDVN

Cô giải thích rằng: Tầu hỏa là phương tiện giao thông đường sắt có nhiều toa  chở được rất người. Tầu hỏa bao gồm 1 đầu tầu kéo các toa….

Sau lời giải thích của cô thì cả lớp nhao nhao lên: Cô giáo ơi đường sắt là cái gì? Cô giáo ơi toa là cái gì? Cô giáo ơi đầu tầu là cái gì?.....

Và rồi học sinh của cô lại mắc vào mớ bòng bong các khái niệm về tầu hỏa. Học sinh của cô chưa ai thấy cái tầu hỏa bao giờ. Ngày hôm sau lớp cô thưa học sinh đi trông thấy. Tìm hiểu cô mới biết rằng, học sinh của cô vin vào lý do không hiểu cô giảng bỏ học hàng loạt đi nương kiếm măng rừng. 

Tháng 3 – 5 này, lúa trên nương chưa chín, gạo trong nhà đã kiệt, măng rừng đã nhú, học sinh thi nhau bỏ học lên rừng đào măng. Đến lớp mà cái bụng đói cứ cồn cào, cái chữ cứ nhảy múa lung tung thì làm sao học được. Thầy Trần Văn Hiệp, Phó hiệu trưởng nhà trường buồn rầu chia sẻ.

Học sinh lớp 3 tự tử bằng lá ngón

Một nỗi lo lắng của các thầy cô giáo xã Phình Giàng là gần đây, nhiều học sinh đã tìm đến cái chết bằng lá ngón hái trong rừng. Cách đây không lâu, một học sinh lớp 3 là Vàng Thị Dà do bị cha mẹ mắng vì tranh đồ chơi với em đã lẩn lên rừng hái lá ngón ăn để tìm đến cái chết. Một số cháu khác do cha mẹ đánh, mắng cũng tìm đến cái chết thảm thương bằng lá ngón…

Theo cô Chu Thị Ngọc, học sinh ở đây phần lớn là con em đồng bào dân tộc Mông. Học sinh người Mông tính tự ái rất cao nếu quan hệ giữa cô giáo và học trò không khéo léo là các em có thể lên rừng tìm lá ngón. Thường những khi vận động học sinh đến lớp, cô phải nhẹ nhàng, không dám đe nẹt.

Ông Vàng Giống Lầu, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng cho biết: Từ cuối năm 2007 đến nay, toàn xã đã xảy ra 5 vụ tự tử bằng lá ngón. Các trường hợp tự tử đều ở lứa tuổi học sinh và thanh niên. Cũng may, chưa có trường hợp nào học sinh ở Phình Giàng dọa ăn lá ngón khi cô giáo đến vận động đi học.

Giáo viên đóng tiền giúp học sinh vượt “mùa đói”

Những năm học vừa qua, Trường Tiểu học Phình Giàng đặc biệt quan tâm đến việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp bằng mọi biện pháp. Nhưng khó khăn vẫn chất chồng khó khăn. Tập thể các thầy cô cũng xác định và đồng lòng giúp học sinh của mình vượt qua mùa đói.

Khó khăn nhất của nhà trường hiện nay là 35 học sinh bán trú dân tộc Khơ Mú, ở bản Huổi Dụa và Phá Khẩu. Năm học nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 9 - 12, các em đến trường đầy đủ, nhưng từ tháng 1 trở đi thì bắt đầu bỏ học, nguyên nhân nhà hết gạo không có mang đi ăn.

Trước thực trạng đó giáo viên nhà trường đóng góp mỗi người 50.000 đồng/tháng bằng quỹ lương giúp các em. Nhưng cuộc sống của các thầy cô cũng quá khó khăn. Lương thực, thực phẩm tăng giá ào ào nên cũng chỉ giúp các em 1,2 tháng, chứ không thể tháng nào cũng đóng góp được. Do vậy, chỉ được thời gian ngắn các em lại bỏ về bản đi nương, đi rừng.

Lớp học luôn vắng vẻ, thư người thế này
Lớp học luôn vắng vẻ, thưa người thế này. Ảnh: GDVN

Đến học kỳ này, các thầy cô lại dùng phương án mua đầy đủ xoong nồi, bát đĩa và phân công giáo viên cùng với tạp vụ thay phiên nấu cơm cho học sinh bán trú. Khó nhất vẫn là nguồn kinh phí lo cho bữa ăn của 35 học sinh Khơ Mú. Ngoài nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của các giáo viên, Nhà trường nhờ xã giúp đỡ một phần, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, đóng góp của thầy cô và phụ huynh học sinh.

Với phương pháp này, hiệu quả đã thấy rõ, Nhà trường đã duy trì đảm bảo 100% sĩ số trong tháng vừa qua. Nhưng giá cả thực phẩm đến được Phình Giàng đều nhuốm xăng, giá xăng tăng nên giá thực phẩm cao gấp 3 – 4 lần. Đồng lương của các giáo viên nhà trường cứ eo hẹp dần. Nhưng đã làm rồi, không thể bỏ được. Nếu không nấu cơm cho các em ăn thì các em lại bỏ học, bao nhiêu công sức lâu nay đổ sông, đổ biển hết. Thầy Hiệp tâm sự.

Tuy nhiên, học kỳ này sắp kết thúc, lại còn rất nhiều học kỳ khác, rất nhiều mùa đói khác mà tập thể giáo viên trường Trường Tiểu học Phình Giàng phải vượt qua để tiếp tục sự nghiệp trồng người trên miền đất đói.
 
Xầu Cân Mưới