Bất ngờ giữa rừng nghiến khổng lồ ở Việt Nam

10/06/2011 00:49
(GDVN) - Bộ rễ của “cụ nghiến” len lỏi như con rắn khổng lồ vào các kẽ đá hút chất dinh dưỡng nuôi thân, đồng thời cũng là những cánh tay ôm chặt vào vách núi.

(GDVN) - Bộ rễ của “cụ nghiến” len lỏi như con rắn khổng lồ vào các kẽ đá hút chất dinh dưỡng nuôi thân, đồng thời cũng là những cánh tay ôm chặt vào vách núi.

Nói đến những rừng nghiến, người ta thường nghĩ ngay đến những “vựa nghiến” trong rừng đặc dụng Ba Bể, Kim Hỷ (Bắc Kạn), Trùng Khánh (Cao Bằng), Khau Cạ, Bát Đại Sơn, Du Già (Hà Giang)… Còn rừng nghiến cổ thụ có một không hai ở rừng đặc dụng Tát Kẻ - Bản Bung (Na Hang – Tuyên Quang) thì đến nay vẫn chưa thấy ai nhắc đến.

Sở dĩ họ thường nhắc đến những rừng nghiến ở các khu rừng đặc dụng trên là vì tình trạng phá rừng diễn ra ở đó khá rầm rộ, nhiều cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ không thương tiếc. Còn rừng nghiến bị lãng quên ở Tuyên Quang thì hiếm khi có ai đặt chân đến.

Đỉnh Khau Tép nhìn từ thôn Tát Kẻ.
Đỉnh Khau Tép nhìn từ thôn Tát Kẻ.


Từng có nhiều chuyến đi dài ngày trong rừng ở rất nhiều các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên ở Đông Bắc, nhưng chưa bao giờ tôi được tận mắt rừng nghiến với những cây nghiến cổ thụ có đường kính từ 2m đến 3m như lần xuyên rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (thôn Tát Kẻ, xã Khau Tinh, Na Hang, Tuyên Quang).

Để  đến được thôn Tát Kẻ phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi thuyền máy, sau đó mất vài giờ đi bộ nữa mới nhìn thấy đỉnh Khau Tép (đỉnh núi cao nhất ở đó mà chúng tôi nhìn thấy, cao trên nghìn mét). Theo ông Lê Công Viên, kiểm lâm viên thuộc Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, để lên đến đỉnh Khau Tép và quay về, phải mất từ 2 đến 3 ngày và cần thuê người khuân vác đồ ăn nước uống. Chưa chuẩn bị trước nên chúng tôi không thể leo núi theo cách đó.

Rừng nghiến với rất nhiều cây cổ thụ ở Thâm Bấc.
Rừng nghiến với rất nhiều cây cổ thụ ở Thâm Bấc.


Vậy là phương án nhờ cán bộ kiểm lâm viên dẫn đường không thành. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết trong thôn Tát Kẻ, gồm 29 hộ, hơn 200 khẩu có nhiều người như anh Hưởng, anh Thiết và một số thanh niên khác nữa đã từng nhiều lần đi qua rừng nghiến và họ rất thạo đường. Sáng họ đi, tối có thể quay về thôn được. Chúng tôi đã thuê anh Ma Thanh Hưởng, người từng 7 năm làm nhân viên tuần rừng dẫn đường lên đỉnh Khau Tép.

Chuẩn bị đồ ăn thức uống, sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Theo anh Ma Thanh Hưởng, rừng đặc dụng Tát Kẻ - Bản Bung thành lập năm 1994, với diện tích bảo tồn là 41.930 ha. Rừng có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm. Về động vật có voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa… trước đây còn có hổ.Thực vật quý hiếm có hoàng đàn, bách xanh, thông lá tre, đinh, sến mật, lát hoa… Riêng nghiến thì nhiều vô kể.

Con đường từ Thâm Bấc lên Pá Pàu rất khó khăn.
Con đường từ Thâm Bấc lên Pá Pàu rất khó khăn.


Cũng theo anh Hưởng, trên đường lên đỉnh Khau Tép sẽ đi qua những cánh rừng nghiến ở Thâm Bấc, Pá Pàu, Nà Tạc. Ở đó có những cây nghiến có đường kính gần 3m, với đủ mọi thế rất đẹp. “Một cây có đường kính hơn 3m đã đổ cách đây vài năm” - anh Hưởng khẳng định như vậy.

Tôi thắc mắc: “Nếu thật sự có những cây nghiến to như vậy thì Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (VACNE) đã công nhận là cây di sản Việt Nam rồi, vì ngày 16/5/2011 VACNE đã công nhận hai cây nghiến có đường kính khoảng 2,5m, cao trên 40m ở tỉnh Cao Bằng rồi mà”.

Anh Hưởng cười hề hề: “Vậy thì rừng nghiến này phải công nhận là di sản thế giới mới đúng. Các chú cứ đi rồi biết”. Lời khẳng định của anh Hưởng như tiếp thêm sức cho chúng tôi bước nhanh theo người dẫn đường.

Cây nghiến có chu vi thân tới 8,5m.
Cây nghiến có chu vi thân tới 8,5m.


Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều dấu chân của những loài thú như hươu, nai, hoẵng, lợn rừng… cho đến vết móng sắc nhọn của gấu cào vào thân cây. Trong rừng Tát Kẻ có rất nhiều ong mật.

Đi đến khi mọi người thấm mệt, thì trước mặt hiện ra một cây nghiến sừng sững, với bộ rễ ngổn ngang vắt vẻo trên những tảng đá vôi khổng lồ, tán cây vượt hẳn lên so với những cây khác. Chúng tôi đã dùng thước dây đo thân cây nghiến đó và thấy nó có chu vi lên đến 8,5m. Đây quả thực là cây nghiến to nhất mà tôi được biết đến từ trước tới nay. Tuy nhiên, theo anh Hưởng đây vẫn chưa phải là cây to nhất.

Theo quan sát của chúng tôi, trong rừng Tát Kẻ, ngoài nghiến cổ thụ có đường kính khổng lồ, còn vô số cây gỗ quý khác có đường kính lớn tương tự, với hình kỳ lạ rất đáng sợ.

 
Nhiều cây nghiến trong rừng Tát Kẻ có đường kính trên dưới 2m.
Nhiều cây nghiến trong rừng Tát Kẻ có đường kính trên dưới 2m.


Đang di chuyển dưới suối cạn, anh Hưởng hô to: “Cụ nghiến kia rồi!”. Chúng tôi hướng ánh mắt theo tay anh chỉ và thấy cây nghiến khổng lồ đang “treo mình” trên vách đá như muốn đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Có lẽ “cụ” đã treo mình trên đó cả ngàn năm này rồi.

Bộ rễ của “cụ nghiến” len lỏi như con rắn khổng lồ vào các kẽ đá hút chất dinh dưỡng nuôi thân, đồng thời cũng là những cánh tay ôm chặt vào vách núi.

Vì cây nghiến mọc trên vách núi đá chênh vênh nên chúng tôi không dám trèo lên đo thử. Theo ước tính của anh Ma Thanh Hưởng cũng như những gì tôi tận mắt chứng kiến thì cây nghiến đó chắc chắn có đường kính trên 3m.

 
Nhiều cây nghiến có đường kính khoảng 3m, lớn hơn cây đã được Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản Việt Nam ở Cao Bằng.
Nhiều cây nghiến có đường kính khoảng 3m, lớn hơn cây đã được Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (VACNE) công nhận là cây di sản Việt Nam ở Cao Bằng.


Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, cũng có thể khẳng định “cụ” nghiến này hoàn toàn đạt tiêu chí được công nhận là cây di sản Việt Nam mà VACNE đề ra (tiêu chí để công nhận cây di sản đối với cây tự nhiên là phải sống trên 200 năm, cao trên 40m, đường kính trên 2m, có hình dáng đặc sắc, ưu tiên các loài gỗ quý hiếm).

Cuốc bộ đến trưa, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi ngay khe suối, bên cạnh một cây nghiến to, đường kính không kém “cụ” nghiến khổng lồ trên vách núi là mấy. Vừa ăn trưa, vừa ngắm cảnh hoang sơ của rừng ngiến cổ thụ. Có lẽ trên núi đá vôi này, ngoài cây nghiến, thì chẳng loài nào có thể trường tồn được như thế.

Chúng tôi lại tiếp tục chặng đường đặt chân lên đỉnh Khau Tép. Khu Pá Pàu là một rừng vầu. Theo anh Hưởng, nơi này vào mùa măng người dân thôn Tát Kẻ vẫn thường xuyên lên lấy măng vầu về bán. Xen lẫn rừng vầu là hàng chục cây nghiến, trai, lát… có đường kính rất lớn.

Một trong vô số cây có thân hình kỳ lạ.
Một trong vô số cây có thân hình kỳ lạ.


Khi đến một khu đất khá bằng phẳng, rộng chừng 50 mét vuông, anh Hưởng bảo chính là đỉnh Khau Tép, ngọn núi cao nhất trong khu vực. Nếu vượt sang bên kia quả núi sẽ thấy những cây bách xanh, thông lá tre, là những loài quý hiếm ở nước ta hiện nay.

Trèo lên một ngọn cây nhỏ trên định Khau Tép ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển nhìn về phía lòng hồ thủy điện Tuyên Quang thấy những con thuyền lướt nhẹ trên mặt nước trong xanh gợn sóng, những ngôi nhà nổi trên mặt hồ. Phía xa là trùng điệp những ngọn núi được bao bọc bởi bạt ngàn rừng nguyên sinh rậm rạp. Từ đâu đó vọng lại tiếng kêu “chặc chặc” của những con voọc mũi hếch quý hiếm (chỉ có ở Việt Nam) gọi nhau đi ăn, rồi tiếng vượn hót gọi nhau líu lo.

“Phải xuống núi sớm thôi, đi trên núi đá vôi vào buổi tối rất khó và nguy hiểm. Đường xuống núi cũng qua rừng nghiến cổ thụ, các chú tha hồ mà ngắm”- anh Hưởng nói với chúng tôi như vậy.

Nghiến cổ thụ bị lâm tặc “xẻ thịt” ở Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn).
Nghiến cổ thụ bị lâm tặc “xẻ thịt” ở Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn).


Quả thực, trên đường về, là lối khác, chúng tôi được chiêm ngưỡng rừng nghiến khổng lồ, toàn những cây cổ thụ to vài người ôm. Cánh rừng hoang sơ như chưa từng có bàn tay của con người tác động vào. Gặp cây nghiến khổng lồ nào chúng tôi cũng đến tận gốc, tay ôm cây, ngước mắt, ngửa cổ nhìn lên ngọn cây cao vút mà ồ lên khen chúng to, cao, đẹp…

Anh Hưởng liên tục thúc chúng tôi mau xuống núi kẻo tối. Chúng tôi nhanh chóng đuổi theo luồng ánh sáng mặt trời vùng cao cứ đỏ dần rồi không thể xuyên qua kẽ lá của rừng cây rậm rạp âm u nữa. Khi trời tối mịt thì chúng tôi có mặt ở thôn Tát Kẻ, kết thúc một ngày khám phá rừng nghiến đầy thú vị.

Hoàng Bảo Yên