Kinh dị, hãi hùng, vớ bở ở… bãi rác khổng lồ

10/05/2011 23:50
(GDVN) - Đập vào mắt là hình hài một đứa trẻ nhầy nhụa đã không còn nguyên vẹn. Một thứ mùi khủng khiếp xộc vào mũi khiến tôi muốn ngất xỉu.

(GDVN) - “Cái bọc ni lông dai quá, cào không rách. Tôi ngồi xuống, lấy tay xé toạc. Đập vào mắt là hình hài một đứa trẻ nhầy nhụa đã không còn nguyên vẹn. Một thứ mùi khủng khiếp xộc vào mũi khiến tôi muốn ngất xỉu”.

Thủ đô hơn 6,5 triệu con người, mỗi ngày thải ra hàng nghìn tấn rác. Số rác đó hầu hết đổ về bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Một ngày cuối tuần, tôi khoác ba lô tìm về “thiên đường rác thải” Nam Sơn.

Thiên đường… rác thải

Từ Phố Nỷ rẽ vào khoảng 5km, bỗng thấy một thứ mùi… quen quen, ngày càng đậm đặc. Nó giống mùi sông Tô Lịch mỗi trưa hè, giống cái mùi khi tôi đứng gần xe rác.

Hàng đống rác thải cao chất ngất, những mảnh vườn, mảnh sân phơi đầy túi ni lông đã qua sử dụng.

Tấm biển màu xanh “Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn” hiện ra trước mặt.

Rác phơi ven đường làng.
Rác phơi ven đường làng.


Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn là nơi tập trung xử lý rác thải lớn nhất của Thành phố Hà Nội, có quy mô 83 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn.

Đứng ngoài nhìn vào, chỉ có thể thấy con đường heo hút, vắng lặng giữa hai hàng cây. Mọi bí mật nằm sâu phía trong, cách đó vài trăm mét.

Trước khi đến đây, tôi đã nghe cô bạn người bản địa mách rằng, hầu hết người nhặt rác đều là người xã Bắc Sơn, mà nhiều nhất là ở Lương Đình – ngôi làng heo hút gần chân núi. Tôi tìm đường vào Lương Đình, quyết tâm làm “phu rác” mấy đêm.

Phương tiện duy nhất có thể đưa tôi đến nơi là những chiếc xe tải chở rác, nhưng cái nào cũng chạy vù vù, mấy lần tôi định bắt mà không dám. Cuốc bộ gần chục cây số qua con đường bụi mù mịt và đầy những ổ gà, ổ voi, áo quần mặt mũi lấm lem, mệt nhoài, tôi mừng chảy nước mắt khi biết tối nay thứ bảy, bãi rác… không mở cửa! Giờ mà vào “hành nghề” bới rác ngay thì không biết tôi có trụ nổi hay không? Mỗi tuần, bãi rác mở cửa 6 đêm. Đêm thứ bảy, rạng sáng ngày chủ nhật đóng cửa.

Và thế là, tối hôm đó, cả ngày hôm sau nữa, tôi được dịp há hốc mồm nghe những câu chuyện kinh hoàng, kỳ quái của người dân xóm rác.

Những “đại gia” xóm rác

Anh Tạ Văn Tùng, chàng thanh niên Lương Đình dè dặt nhận lời dẫn đường cho tôi. Mới 25 tuổi mà anh đã có kinh nghiệm đi bãi cả chục năm trời. Anh khiến tôi sửng sốt với câu chuyện về những “đại gia” xóm rác.

Bắc Sơn có hàng dãy những ngôi nhà cao tầng mới xây, cổng to vật vã. Cô bạn tôi cười hóm hỉnh: “Đời sống người dân khu rác khá giả thật. Nhà cao cổng rộng. Chỉ có nước sắm ôtô nữa là thành đại gia”.

Rác phơi kín trong sân nhà.
Rác phơi kín trong sân nhà.


Trước khi từ Phố Trấu rẽ vào làng Lương Đình, tôi thấy những người lớn tuổi ngồi phe phẩy thảnh thơi bên bàn nước. Mấy cậu học sinh cấp ba ngồi đăm chiêu bên bàn cờ vua, khiến người ta cảm thấy một cuộc sống no đủ, sung túc.

Cư dân đi bãi khắp khu này, không ai không biết về câu chuyện của chị M. ở thôn Đô Tân, Bắc Sơn. Chị đã nhặt được 11 cây vàng trong chiếc túi xách. Điều đặc biệt là tất cả số vàng đó đều là vàng miếng, được gói ghém kỹ càng. Đã 1 năm trôi qua, nhưng câu chuyện may mắn của chị vẫn được nhắc đến với sự trầm trồ, xuýt xoa của người dân đi bãi.

Chẳng biết ai là cái người bất cẩn đến thế, mang cả đống vàng ném vào sọt rác. Hẳn là họ đang mải mê tìm kiếm đâu đó, mà chẳng ngờ số vàng ấy lại lưu lạc đến tận bãi rác, rồi biến thành lộc cho người nơi đây.

Nếu chăm chỉ, mỗi người có thể kiếm được vài ba trăm nghìn mỗi đêm. Khi tôi đem băn khoăn với những thông tin trên báo, rằng, “mỗi đêm người ta thu được 20 đến 30 nghìn đồng tiền nhặt rác”, cô Toán, người làng Lương Đình hỏi lại tôi: “Cô tính, công việc vất vả, độc hại là thế mà thu nhập vài ba chục nghìn thì chúng tôi có chịu đánh đổi không, chúng tôi có sống nổi hàng chục năm trời nay không?”.

Sợ tôi không tin, cô còn gọi cả cậu con trai Tạ Văn Trường mới 16 tuổi ra để… chứng minh. Trường bảo: “Mỗi đêm em nhặt được khoảng trăm nghìn tiền chai lọ, sắt thép và hơn 100 nghìn tiền bóng (túi ni lông). Riêng tiền bán bóng, mỗi tuần em kiếm được hơn 1 triệu”.

Anh Tùng cũng khẳng định, mức thu nhập của hai vợ chồng anh trong một tháng khoảng trên dưới chục triệu đồng. Tất nhiên, không phải ngày nào cũng đi bãi. Có tháng chỉ cần đi chục ngày thôi cũng đã kiếm đủ số tiền tiêu pha cho gia đình cả tháng.

Anh bạn tôi làm cán bộ xã ở Đông Anh, khi nghe đến con số thu nhập cả chục triệu của người dân xóm bãi đã ước ao: Giá lãnh đạo thành phố chuyển bãi rác về quê anh để người dân có điều kiện tăng thu nhập!

 


“Nhặt được vài trăm nghìn, vài triệu đồng là chuyện thường. Mới cách đây hai tuần, nhà ông Sáu Vụ nhặt được hai chục triệu. Trước đó, nhà cô Hạnh Vâng gần chân núi kia cũng nhặt được 3 chục triệu ở bãi thải đấy” – bà Tạ Thị Thảo và ông Dương Văn Hùng, những người lớn tuổi ở Lương Đình thi nhau kể cho tôi nghe chuyện nhặt được tiền.

Anh Trung, con rể của bà Thảo cũng vừa nhặt được 1 triệu đồng. Anh kể: “Hôm đó, mình làm xong rồi, đứng sang cái luống của thằng em vợ. Nó đang cuốc dở. Thấy cái răng cào đang móc vào cái ví. Cái ví đen đen, bẩn bẩn, thế mà ở trong có 2 tờ 500 nghìn”.

“Thằng em vợ” của anh Trung cũng chẳng buồn vì điều đó, bởi ngay hôm trước cậu ta cũng vừa nhặt được 2 triệu đồng trong một cái quần.

Có vẻ như chuyện may mắn nhặt được tiền ngày nào cũng có ở bãi thải. Anh Tùng bật mí, những chỗ có nhiều khả năng chứa tiền, vàng nhất là túi xách, túi quần, túi áo, ví… Đặc biệt là trong mớ vỏ phong bì rất hay có tiền.

“Trong mớ vỏ phong bì thường có một vài bao quên chưa mở, hoặc mở rồi mà lấy chưa hết tiền. Luôn luôn là tờ polymer tím trở lên (đồng 50 nghìn) nhé!” – Anh Tùng hào hứng kể.

Một góc bãi rác Nam Sơn.
Một góc bãi rác Nam Sơn.


Cả chục quán karaoke hoạt động suốt ngày đêm xập xình ở phố núi. Có một tối mà anh bạn dẫn đường, chuyên nghề nhặt rác, đã cho chúng tôi lê la mấy quán. Bia, nước ngọt tràn trề. Đúng hôm tôi lên Bắc Sơn, một quán bia mới khai trương. Thanh niên, người lớn, toàn “cán bộ nghề rác”, ùn ùn kéo nhau ra uống đến 12 giờ khuya.

Những câu chuyện hãi hùng


Lần “kinh hoàng nhất” trong cuộc đời nhặt rác của anh Tiến là một cái xác trẻ con, bọc trong túi ni lông đen.

“Cái bọc ni lông dai quá, cào không rách. Tôi ngồi xuống, lấy tay xé toạc. Đập vào mắt là hình hài một đứa trẻ nhầy nhụa đã không còn nguyên vẹn. Một thứ mùi khủng khiếp xộc vào mũi khiến tôi muốn ngất xỉu. Đã xác định đi bãi thì cái gì mà chẳng có, nên không được sợ. Mấy bác xung quanh thấy vậy liền gói cái túi lại và báo lên bảo vệ” – Anh Tiến kể lại.

Bới rác tại bãi rác Nam Sơn.
Bới rác tại bãi rác Nam Sơn.


Anh Trung tiếp lời: “Chả phải riêng xác trẻ con, thi thoảng người ta vẫn nhặt được bàn tay, bàn chân người trong túi rác đấy. Cũng may là rác ở thành phố người ta dọn ngày một, nên bộ phận cơ thể người cũng chưa phân hủy quá mức.

Có một lần mình dốc một cái bao tải, từ trong bao rơi ra một cái bàn tay trắng bệch lẫn với rác rưởi, nước chảy ròng ròng. Cố trấn tĩnh, mình gói lại cẩn thận và… để vào chỗ cũ, chẳng báo bảo vệ. Còn kịp nhìn thấy vết chém rất ngọt. Hôm đó sợ quá, một tuần sau còn chưa dám đi bãi”.

Còn những thứ kinh khủng chẳng kém là xác động vật đựng trong bao tải. Chả thiếu thứ gì, nào là mèo chết, chó chết, gà chết, chuột chết… thối nhức mũi, đau đầu. Lỡ chạm tay vào những thứ đó thì rửa xà phòng mấy ngày không hết mùi.

Những câu chuyện hãi hùng mà dân đi rác kể khiến tôi càng nung nấu quyết tâm sẽ trong vai người nhặt rác để thâm nhập bãi rác lớn nhất Việt Nam này.

Còn tiếp…

Mai Hoa