Những chuyện không tưởng tượng nổi ở bãi rác Nam Sơn

13/05/2011 00:30
(GDVN) - Cứ thấy túi xách, quần áo cũ, hay cái ví nào là phải kiểm tra thật kỹ từng ngóc ngách.

(GDVN) - Cứ thấy cái túi xách, quần áo cũ, hay cái ví nào là phải kiểm tra thật kỹ từng ngóc ngách. Có cái bọc nào là phải lôi hết ra, vừa lấy “bóng” vừa xem đồ bên trong, biết đâu có… vàng!
{iarelatednews articleid='1993'}
Lên đường!

Sau hơn một ngày lang thang nghe người dân kể chuyện về bãi rác, tối hôm sau, cô Thảo lệnh cho tôi đi ngủ sớm để nửa đêm dậy đi bãi.

22h30, tôi leo lên giường. Tâm trạng háo hức xen lẫn lo lắng khiến tôi không tài nào ngủ được.

Trước khi lên Nam Sơn, tôi đã chuẩn bị sẵn một bộ quần áo lao động, đôi giày bata, chiếc mũ phớt và đôi găng tay khủng bố. Nhưng anh bảo, phải đi đôi ủng cao su dày cộp và cao đến đầu gối, nếu không sẽ đạp vào đinh gỉ hoặc xơ-ranh. Ngoài ra, thứ không thể thiếu là chiếc đèn pin treo trên đầu như thợ mỏ.

Điều khiến tôi thực sự lo lắng là việc cản trở phóng viên tác nghiệp tại bãi rác. Nét mặt vô cùng nghiêm trọng, anh bảo: “Có nhiều nhà báo đến đây, có giấy giới thiệu, xin phép bảo vệ đàng hoàng, nhưng người dân không thích đâu. Đấy là chưa kể những phóng viên như em, bí mật vào đó, nếu bị bắt sẽ nguy hiểm lắm. Bọn anh đã từng bắt và giải lên bảo vệ một cậu phóng viên khi máy ảnh của cậu ta sáng lên. Có thể sẽ còn bị đánh nữa đấy!”.
 

 


1h30, tôi choàng tỉnh bởi tiếng chuông báo thức và tiếng chó sủa ầm ĩ khắp làng. Có lẽ, thời gian này là lúc Lương Đình ầm ĩ nhất. Người ta đang lục tục sửa soạn và í ới gọi nhau đi bãi.

Anh Tùng đã buộc xong chiếc thùng xe lôi vào đuôi chiếc Wave Trung Quốc cũ nát. Sau khi lựa xong ủng, cô Thảo dúi vào tay tôi chiếc cào hai răng và một cái tải to đùng để… đựng hàng. Cả nhà bật cười nhìn điệu bộ của tôi: giống hệt một người dân đi bãi!

Mọi người xúm vào dặn tôi lần cuối những điều cần ghi nhớ: Không được nói nhiều, không được nhìn lung tung, không được gây sự chú ý, đi phải nhìn cho kỹ, không là đạp phải kim tiêm, và quan trọng là, không được... chụp ảnh!

2h kém 15, tôi theo những phu rác vào bãi.

Con đường đất nham nhở vắng tanh ban chiều giờ đây rầm rập người đi lại. Xe đạp, xe lôi cùng hướng về khu bãi rác Nam Sơn.
 

 


Câu thần chú bãi rác

2h15, có đến vài trăm người xếp hàng ngay ngắn. Dưới ánh đèn cao áp, họ ngồi im lặng, hướng chăm chăm vào cánh cổng đóng chặt.

Chỉ 15 phút sau, thêm mấy trăm người ùn ùn kéo đến. Tôi để ý thấy họ cố chen chân từng phân một, thế nhưng vẫn chừa ra một lối nhỏ phía ngoài cùng. Lát sau, có mấy người ăn mặc khá chỉnh tề, sơ mi cắm thùng, phóng xe ào lên. Họ chính là các ông chủ lán.

Những ông chủ lán này được phép vào bãi trước 15 phút để nhận phần bãi rác của mình, sau đó chia cho mỗi người một luống. Mỗi luống như vậy rộng khoảng 2m và dài chừng 30m. Mỗi tháng, một người phải đóng cho ông chủ lán số tiền 250 nghìn đồng. Dân bãi tự do nếu “tác nghiệp” vào phần bãi của những ông chủ này sẽ “lãnh đủ”. Nhẹ thì quát mắng om sòm. Nặng hơn thì có thể bị đánh đuổi.
 

 


3h kém 15. Cánh cổng bật mở. Cả ngàn người ào ạt xông lên, vô cùng khí thế. Ai cũng cố hết sức để lao thật nhanh về phần bãi của mình. Không ai nói với ai câu nào. Chỉ có tiếng xe máy gằn lên. Đậm đặc mùi rác thải và mùi xăng khét lẹt.

Các “tay đua” ào ạt vượt qua những cung đường vòng vèo, lởm khởm đất đá. Chiếc xe của anh Tùng cài lùi về số 1, vừa chạy, vừa giật liên hồi, vừa gầm réo. “Xuống!” – anh quát khiến tôi giật nảy mình. Chiếc xe còn chưa kịp dừng hẳn!

Tay cầm tải, tay cầm cào, tôi theo đoàn người lao nhanh về phía núi rác cao ngất ngưởng phía cuối bãi. “Nhanh lên, nhanh lên! Đây là rác mới, có nhiều “hàng”. Làm nhanh trước khi ông chủ ra!” - vừa cuốc, anh Tùng vừa hổn hển bảo. Được vài nhát, anh chợt nhớ ra điều gì, nói nhỏ vào tai tôi: “Giả bóng lấy hàng, giả bóng lấy hàng, nhớ chưa?”

Cái gì? “Giả bóng lấy hàng” à? Tôi lắp bắp vâng dạ và cứ lẩm nhẩm câu đó hàng chục lần. Chắc hẳn đó là loại ám hiệu đặc biệt chỉ có ở bãi rác. Tôi cứ lo ngay ngáy lỡ mình quên mất thì sẽ bị phát hiện. Chà chà, đi bới rác cũng gay cấn chẳng kém phim hành động.

Ông chủ lán xuất hiện. Đó là một người đàn ông to béo, có tiếng quát đầy uy lực: “Chúng mày, lùi hết xuống dưới kia!”. Ông ta chỉ tôi và một chị nữa: “Hai đứa mày ở lại đây cào cái đống này cho tao!”. Và ông ta hạ thấp giọng: “Giả bóng lấy hàng!”. Tôi run bắn, cũng lắp bắp đáp lại: “Vâng, giả bóng lấy hàng, giả bóng lấy hàng ạ!”. Thấy ông ta không nói gì, tôi thở phào vì nghĩ mình đã lọt qua được một vòng kiểm soát!

Chị bên cạnh nhìn tôi như một sinh vật lạ và cười khành khạch: “Ối giời, mày không biết giả bóng lấy hàng à? Mày cuốc đi, nhặt hết bóng ném lại đằng sau cho ông chủ, còn “hàng” thì nhét vào tải mà mang về”. Ối chao, thì ra là thế. Chả phải thần chú với ám hiệu gì, đó là công việc thường ngày của những phu rác nơi đây. Bới rác lên, nhặt nhạnh, còn lại các bao ni-lon mà họ gọi là “bóng” gom lại cho chủ lán! “Bóng” là loại đắt nhất ở khu này, bán với giá gần 90 nghìn đồng/kg.

Tiếng gầm sau lưng làm tôi đánh rơi cả cào: “Mày không biết làm à? Thôi xuống làm với thằng Tùng!”. Thật là may quá!

Chiến lợi phẩm

Cả nghìn người im lặng hì hục cuốc. Hầu như chẳng ai nói với ai câu nào. Cô Chiến “A” lên một tiếng nhỏ. Cô bới được cái ví. Nét mặt bình thản, cô mở ra và khẽ khàng nhìn ngắm tờ 500 nghìn còn sót trong đó. Cô cười bảo: “Nhằm nhò gì, có mỗi một tờ”, rồi cắm cúi làm tiếp. Làm ở dưới này thì lấy cả bóng cả hàng. Tôi để ý và bắt chước anh Tùng: Cứ thấy cái túi xách, hay quần áo cũ, hay cái ví nào là phải kiểm tra thật kỹ từng ngóc ngách! Có cái bọc nào là phải lôi hết ra, vừa lấy “bóng” vừa xem đồ bên trong, biết đâu có… vàng!
 

Chiến lợi phẩm thu được từ bãi rác.
Chiến lợi phẩm thu được từ bãi rác.


Cứ mỗi khi tôi định giơ máy lên chụp thì anh Tùng lại van vỉ: “Đừng em ơi!” làm tôi cũng phát hoảng.

Chợt có tiếng cười giòn phát ra cách tôi chục mét. Một bác đang lôi tuồn tuột từ trong bao tải ra những chiếc váy cưới còn lành lặn và khá mới. Cả thảy là 5 chiếc. Mọi người vui đùa ướm thử. Tôi giơ máy lên khiến anh Tùng hốt hoảng. Ông chủ đang đứng ngay sau lưng tôi! Thế là lại lỡ mất cơ hội. Vừa sợ, vừa tiếc.

Tiếng cười chưa dứt thì tôi nghe một tiếng “ối” thất thanh. Nghĩ đến câu chuyện nhặt được cái thi thể trẻ con của anh Tiến, tôi vội vàng lao về phía đó. Thì ra là bác ta vừa làm rách một bao tải to toàn …gạo! Ngẩn ngơ tiếc rẻ, bác lấy một cái túi nilon thật lớn, bốc lên, mang về cho lợn! Đúng là ở chỗ này, không gì là không có!

Cũng không quá khó khăn để thấy những bơm kim tiêm vẫn còn rớm máu vương vãi khắp nơi. Lạnh sống lưng khi xé toạc cái túi ni-lon toàn thứ chết người ấy.
 

Chở chiến lợi phẩm về.
Chở chiến lợi phẩm về.


Làm được hơn tiếng đồng hồ, tôi bắt đầu “ngấm” mùi bãi. Mắt mũi cay xè, ròng ròng nước. Càng cuốc, mùi càng nồng nặc khiến tôi gần như ngạt thở. Anh Tùng thương quá, bảo ngồi nghỉ nhưng tôi chẳng dám. Không thể gây sự chú ý được!

Trời sáng dần, những luống “bóng” lùm lùm được xếp ngay ngắn phía sau lưng. Cuốc đến cái núi rác cao ban nãy là vừa hết. Đang ngất ngưởng trên đỉnh cao nhất, tôi bàng hoàng nhận ra, phía bên kia “chân núi”, có một hàng dài người đang hì hụi… cuốc lên. Cả khối rác phía dưới chân tôi bỗng từ từ… sụt xuống!

Tôi sợ hãi hét lên và nắm chặt cái bao tải hàng to tướng của mình. Cũng may mà anh Tùng đến kịp. Khắp người tôi dinh dính, hôi mù mịt.

6h kém5, anh chàng bảo vệ to béo cưỡi chiếc xe máy lượn lờ quanh bãi. Anh ta vừa thổi còi, vừa hét lên những câu tục tĩu. Đó là dấu hiệu cho biết phải lập tức rời bãi, trước khi chiếc xe tải đầu tiên đưa rác vào đổ.

Những bao tải rác to gấp ba bốn thân người được tập kết ra xe. Có vài thứ được mua ngay tại trận như lốp xe, sắt vụn, cả… hạt xoài!

Những phu rác gầy gò chuệch choạng cõng tải ra xe. Vì có thêm tôi mà anh Tùng hôm nay bội thu, được 4 bao tải bóng và 2 bao tải hàng.

Còn tiếp…

Mai Hoa