Phu vàng "đại náo" rừng xanh

13/06/2011 23:21
Họ vẫn miệt mài làm việc, chui rúc dưới những căn hầm sâu hoắm, đánh cược mạng sống để đổi lấy những phân vàng lấp lánh.

Bao mạng người vì vàng đã vĩnh viễn nằm sâu dưới hàng ngàn khối đất đá trên những cánh rừng già các huyện miền núi Quảng Nam. Nhưng những cái chết ấy không đủ “ngăn” khát vọng làm giàu của các “phu vàng”. Họ vẫn miệt mài làm việc, chui rúc dưới những căn hầm sâu hoắm, đánh cược mạng sống để đổi lấy những phân vàng lấp lánh.

Nhập vai phu vàng

Những ngày của đầu tháng 6/2011, phóng viên chúng tôi có mặt tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - nơi được định đoán là có một kho vàng lớn nhất Việt Nam do Cty vàng Bồng Miêu đang khai thác.
 
Từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, nơi đây đã tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép. Trung bình mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người dân địa phương và những nơi khác tìm đến khai thác quặng vàng khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn càng thêm phức tạp. Không chỉ tàn phá đồi núi, các “vàng tặc” còn liều lĩnh vào tận Cty vàng Bồng Miêu để trộm cắp rất nhiều quặng vàng và đập bể kính xe, đánh bảo vệ trọng thương.

Một buổi lao động của phu vàng.
Một buổi lao động của phu vàng.


Trong vai phu vàng, chúng tôi đã xâm nhập một số lãnh địa “vàng tặc”  trên địa bàn xã Tam Lạnh, huyện Phú Ninh. Sau nhiều lần năn nỉ được làm công nhân khai thác vàng, một nhóm người gốc xã Tam Lãnh đã đồng ý cho phóng viên đi theo để khai thác “chui” quặng vàng ở các núi, rừng trên địa bàn xã Tam Lãnh. 

Từ trung tâm xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, sau đó cuốc bộ gần chục cây số đường rừng để mới có mặt tại vực AD, ngách Chụm thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Tại khu vực mỏ núi đá cheo leo, vách đá sừng sững này, khi trời vừa tối, trong vai người khai thác quặng, phóng viên bắt đầu chuyến hành trình đi vào miền đất hy vọng.

Với hàng trăm hang ngách ăn sâu vào núi hàng cây số, thông liên hoàn với nhau, lãnh địa vàng ngoằn nghèo như một ma trận và nếu không thông thạo địa hình thì chỉ có nước ở lại luôn trong hầm lò. Dọc theo các hang động, đá lởm chởm, không khí ẩm lạnh, không gian có chỗ chật hẹp đến mức con người phải bò như loài rắn mới luồn qua được.

Thấy phóng viên lo lắng cho việc sập hầm, một người trong nhóm cho biết: “Việc sập hầm là chuyện thường, đã từng xảy ra những vụ chết người. Bởi hang động đã hàng trăm năm, hơn nữa nhiều người vào đây “dựt” trụ chống hầm!”. “Dựt” trụ là đục sập các trụ mà người Pháp khai thác trước đây chừa lại để chống, gánh hầm. Có nhiều chỗ sau khi dựt trụ nó rộng như hội trường. Từ đó dẫn đến nguy cơ sập hầm rất cao.

Theo các phu vàng, thường thì ngày, đêm ở các khu vực hang động này có hàng trăm con người khai thác quặng vàng trái phép. Trong đó có những nhóm người được thuê làm để nhận tiền công. Lực lượng chức năng không “rành” hang ngách bằng họ, nên có truy quét họ nấp đâu đấy, khi lực lượng này đi rồi thì họ tiếp tục công việc của mình.

“Các anh ơi? Thế này có quá nguy hiểm không?” - phóng viên cố gắng bắt chuyện với các anh trong hầm. “Nguy hiểm nhưng không vào đây thì lấy cái gì để nuôi sống gia đình!” - một người trong nhóm trả lời cộc lốc...

Mờ sáng hôm sau, tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình đi đến bãi khai thác quặng lộ thiên tại bãi Đồi Sim. Ở đây, cho dù các cơ quan chức năng liên tục xuất hiện truy quét, nhưng tờ mờ sáng vẫn có hàng trăm người tập trung tại đây thi nhau khai thác quặng vàng.

Anh Nguyễn Th. Ph. một người ở xã Tam Đại huyện Phú Ninh cho biết: “Hàng ngày tôi vào đây khi thác quặng để bán kiếm mỗi ngày khoảng 100.000 đồng!”. Còn anh Nguyễn D (người Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) dẫn cả gia đình gồm 3 cha con lên đây khai thác quặng. “Chẳng biết làm gì để kiếm sống nên phải lên đây chú ơi! Chứ nghề ni gian khổ lắm” - ông D nói.

Bò như rắn qua hang đá.
Bò như rắn qua hang đá.


“Đại náo” rừng xanh

Thống kê của UBND xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) cho thấy toàn xã có 5.150 hộ, 7.000 nhân khẩu, đa phần những hộ này đều thuần nông, chuyên nghề canh tác và trồng rừng. Nhưng do “sức hút” của vàng nên hiện tại đã mất hơn 1/3 hộ đi theo làm “vàng tặc”.

Hầu như gia đình nào, nhà nào cũng có người làm phu vàng, không từ cả phụ nữ, người già, thậm chí trẻ em cũng bỏ học theo gia đình trốn lên núi làm phu vàng (chiếm trên 30%) bởi mức thu nhập hấp dẫn từ 200.000-400.000 đồng/ngày/phu vàng so với nghề trồng rừng, 1 năm trồng rừng thì phải 5 đến 10 năm sau mới thu hoạch...!

Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, mặc dầu  chính quyền xã đã liên tục kêu gọi, tuyên truyền, cảm hóa giáo dục, thậm chí cả hỗ trợ vốn sản xuất, tạo công ăn việc làm cho “phu vàng”, nhưng cũng đành bất lực trước sự ồ ạt, manh động, liều lĩnh của  “vàng tặc”...

Ngoài phu vàng là người dân địa phương, tại đây còn có đến hàng trăm phu vàng từ các xã, tỉnh lân cận và từ các tỉnh phía Bắc, sinh sống, luồn lách trong các hang, hầm vàng... Mỗi khi lực lượng truy quét xuất hiện họ đã chạy trốn để lại hiện trường ngỗn ngang hầm hố.  Khu Thác Trắng, thuộc khu vực mỏ Bồng Miêu,vàng tặc để lại hàng trăm hầm hố sâu hoắm,khu rừng nguyên sinh mênh mông ngày nào giờ chỉ còn lại trơ gốc.

Thống kê cho thấy đã có hơn 4ha rừng nguyên sinh và rừng trồng bị tàn phá, riêng khu vực này mỗi ngày có hơn 300 người bất chấp hiểm nguy đến đây khai thác quặng vàng. Sau Tết Nguyên đán đến nay tình hình trên địa bàn lại tăng lên ở mức “báo động”.

Còn tại bãi Hố Gần, Thác Trắng, khu hầm lò AD1, AD2, AM..., cách đó không xa, tình hình cũng bát nháo không kém, toàn khu vực này có từ 500 “vàng tặc” đang ngày đêm “đục khoét” núi lấy quặng với khoảng gần 100 máy xay đá, xác quặng khai thác trái phép từ trong mỏ làm mất trật tự và ô nhiễm môi trường tại khu dân cư...

Theo Trương Gia Hân (PLVN)