Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn bị sét đánh?

02/09/2012 22:09
Nguồn: Genk
Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây với nhau. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn là một vấn đề cần nhiều tranh luận
Nguyên nhân hình thành sét
 
Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hay giữa các đám mây với nhau. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn là một vấn đề cần nhiều tranh luận, song hầu hết giới khoa học tin rằng (nói một cách đơn giản) nó là kết quả phóng điện giữa hai đám mây tích điện trái dấu.

Đó là khi chúng lại gần nhau và hiệu điện thế giữa chúng lên tới hàng triệu Volt. Tương tự như vậy, khi đám mây dông tích điện đi tới gần mặt đất, gặp những vật có độ cao (cây cối, người cầm đồ kim loại...) thì sẽ có hiện tượng phóng điện giữa đám mây và mặt đất.
 

Có rất nhiều loại sét khác nhau với đặc điểm và nguyên nhân hình thành cũng khác nhau: sét khô, sét tên lửa, sét dương, sét hòn, sét dị hình...v...v....

Trong bài này, chúng ta chỉ đề cập tới sét đánh từ mây xuống đất, bởi đây là loại sét thường xảy ra và được biết đến nhiều nhất, cũng như đe dọa nhiều nhất tới tính mạng con người.
 
Chuyện gì sẽ xảy ra khi con người bị sét đánh?
 
Chúng ta đã biết, cơ thể con người là vật liệu dẫn điện hoàn hảo. Khả năng dẫn truyền electron trên khắp cơ thể chính là cách để mạng lưới thần kinh của chúng ta hoạt động bình thường. Nhưng cũng chính vì vậy mà ta hoàn toàn có thể bị điện giật nếu không chú ý.
 
Việc bị sét đánh còn kinh khủng hơn giật điện cao thế rất nhiều. Thứ nhất, một tia sét gắn với hiệu điện thế 300kV, trong khi con số đó chỉ là 20-60kV trong phần lớn các vụ shock điện công nghiệp. Thứ hai, hiện tượng sét đánh diễn ra nhanh hơn bạn có thể tưởng tượng.

Một tia sét di chuyển trong không khí với tốc độ 36.000 km/h, và nó chỉ truyền qua cơ thể bạn trong vòng 3 mili giây (giật điện cao thế có thể kéo dài tới 500 mili giây trước khi ngắt mạch điện hoặc người công nhân đã bị thổi bay).

Thứ ba, các tổn thương do điện công nghiệp chủ yếu xảy ra ở bàn tay, cánh tay hoặc vai của người thợ điện, trong khi sét tự nhiên thường "nhắm" vào những bộ phận quan trọng hơn - đầu, vai và nửa thân trên.
 

Bên cạnh hiệu điện thế 300kV, năng lượng sét đánh còn làm nóng không khí xung quanh tới 30.000 độ C - gây nên bỏng cấp độ 3 ở các điểm vào ra của tia sét trên cơ thể người. Các mạch máu có thể bị vỡ và hình thành vết sẹo bỏng hình tia sét, thường được gọi là hình Lichtenberg.

Nhiệt và sức công phá từ sét sẽ làm cháy xém, thậm chí tan nát cả giày dép, quần áo. Hậu quả sẽ nặng nề hơn nếu người bị sét đánh đang cầm kim loại trong tay (tất nhiên, việc này khiến cho xác suất bị sét đánh tăng cao ngay từ đầu).

Bang Florida dẫn đầu nước Mỹ về số vụ tử vong liên quan tới sét đánh (126 vụ trong thập kỉ vừa qua) cũng bởi đây là nơi có truyền thống chơi golf mạnh mẽ.

Các đồ trang sức, phụ kiện bằng kim loại cũng có thể bắt điện và nóng lên nhanh chóng, gây thêm nhiều vết bỏng trầm trọng ngoài da.
 
Tất nhiên, những điều tồi tệ không chỉ dừng lại ở đó. Sét đánh làm hỗn loạn nhịp điện của tim, khiến tim ngừng đập, bên cạnh đó phá hủy cơ tim và làm vỡ hệ thống mạch máu.

Thật may mắn, cứ 10 người Mỹ bị sét đánh thì chỉ có 1 người chết. Trong giai đoạn 1981-2010, trung bình mỗi năm có tới 54 vụ tử vong vì sét đánh. 90% nạn nhân sét đánh có khả năng sống sót, nhưng họ phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề.
 

Theo Elisabeth Gourbière, tiến sĩ Y học người Pháp, "các chấn thương do sét đánh rất đa dạng và thuộc nhiều chủng loại khác nhau... Nguy hiểm (và chết người) nhất là các chấn thương về tim mạch và thần kinh". Triệu chứng tức thì bao gồm loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim, phù phổi. Về mặt thần kinh, người bị sét đánh có thể bất tỉnh từ vài phút đến thậm chí vài năm.

Đối với các nạn nhân mà hoạt động tim phổi bị gián đoạn, cần có biện pháp hô hấp tim hiệu quả và tức thời, kết hợp cấp cứu y tế ngay lập tức.

Chỉ như vậy mới có thể ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng thiếu ôxy não và cứu sống họ. Có những nạn nhân tiếp tục hôn mê ngay cả khi đã được hồi sức cấp cứu tích cực, sau đó thì tử vong bởi xuất huyết hoặc nội thương.
 
Sau tai nạn, những người sống sót có thể chịu tổn thương trầm trọng về não (hãy tưởng tượng một bộ não đã bị dòng điện khổng lồ "nấu chín"), dẫn tới chứng mất ngủ hoặc mất trí nhớ tạm thời.

Về lâu dài, các chấn thương thần kinh sẽ gây nên sự thay đổi về tính cách, mất khả năng học hỏi và tiếp thu, rối loạn giấc ngủ, chứng động kinh,... Cuối cùng, các nạn nhân thường bị chấn động, tê liệt cơ tay/chân (tạm thời hoặc vĩnh viễn), thủng màng nhĩ, đục thủy tinh thể và rất nhiều sự đau đớn khác nữa.
 
Kết luận
 
Giờ đây bạn đã biết những hậu quả nghiêm trọng của việc bị sét đánh, lần tới hãy cẩn thận khi ra đường trong lúc trời mưa bão. Chú ý nghe dự báo thời tiết để lên kế hoạch đề phòng, khi có dông hãy tìm ngay những nơi an toàn để trú mưa và tránh sét.

Sét là hiện tượng ngẫu nhiên, hơn nữa có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km, vì vậy bạn luôn phải chú ý nghe-nhìn và cảnh giác, đừng đặt mình trong tầm ngắm nguy hiểm.
 
Để tránh sét, tốt nhất bạn hãy ở nhà khi trời có dông. Khi ở trong nhà, đừng đứng gần cửa sổ, cửa ra vào hay các đồ dùng điện. Tránh cả những nơi ẩm ướt, rút phích cắm các thiết bị điện và càng hạn chế dùng điện thoại càng tốt.
 
Nếu bạn đang ở ngoài trời và không thể tìm được chỗ ẩn nấp, nhớ tuyệt đối không được dùng cây cối làm chỗ trú mưa. Tránh xa mọi vật dụng bằng kim loại (kể cả con chiến mã yêu quý của bạn), tìm những nơi thấp và khô ráo để trú ẩn.

Nếu đang đi dã ngoại cùng bạn bè, tốt nhất đừng đứng theo nhóm người gần nhau. Khi bạn cảm thấy tóc mình dựng lên thì rất có khả năng bạn sắp bị sét đánh - hãy ngồi xuống và lấy tay che tai. Nhớ rằng nên ngồi nhón chân và tuyệt đối không nằm rạp - phần tiếp xúc của mặt đất với bạn càng nhỏ càng tốt.
 
Sét đánh quả là một hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt, nhưng nó sẽ để lại hậu quả đáng tiếc khôn lường (đó là nếu bạn còn sống sót !!!). Cẩn tắc vô áy náy, hãy tìm biện pháp phòng ngừa và bảo vệ mình tốt nhất nhé.
Nguồn: Genk