Phát hiện bộ cuốc đá cổ tại Cao nguyên Đồng Văn

07/09/2012 07:15
Theo Vietnamplus
Ngày 6/9, Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết các cán bộ thuộc Viện và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện bộ cuốc đá ở huyện Yên Minh - dấu tích đầu tiên về sản xuất nương rẫy trên cao nguyên này.
Ngày 6/9, Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết các cán bộ thuộc Viện và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện bộ cuốc đá ở huyện Yên Minh -  dấu tích đầu tiên về sản xuất nương rẫy trên cao nguyên này.
Tại khu vực tổ 6, thị trấn huyện Yên Minh, gia đình ông Nguyễn Văn Hội trong thời gian san đồi làm nhà đã phát hiện được một bộ sưu tập công cụ đá gồm 5 chiếc cuốc đá hình tứ giác, mài nhẵn toàn thân. Chúng được xếp cụm vào nhau, có dấu vết của than tro kèm theo. 
Sau khi xem xét các di vật này, các nhà khoa học khẳng định tất cả được chế tác từ loại đá riôlit có mầu trắng xám, độ cứng cao sẵn có ở địa phương. Chúng đều có kích thước khá lớn với rìa lưỡi sắc bén (trung bình dài 18cm, rộng 7cm, dày 2,5cm).

Tuy đã được mài toàn thân, nhưng dấu vết ghè đẽo thô vẫn còn sót lại trên thân cuốc. Những dấu vết để lại cho thấy chúng đã được buộc cán và đã qua sử dụng bởi hầu hết phần rìa lưỡi có vết sứt mẻ.
Hùng vĩ cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Văn Phát/TTXVN)
Hùng vĩ cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: Văn Phát/TTXVN)

Đến nay, việc khảo sát xung quanh nơi phát hiện bộ sưu tập này nhằm tìm kiếm những dấu vết cư trú cổ vẫn đang được tiến hành.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung khẳng định đây là những di vật thuộc thời hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, có niên đại cách ngày nay từ 3.500-4.000 năm. Sự có mặt của loại cuốc đá này chứng tỏ đến giai đoạn này, nền nông nghiệp dùng cuốc đã ra đời. Đây là bộ công cụ lao động rất thích ứng với hình thức nông nghiệp nương rẫy ở vùng đồi núi cao như cao nguyên đá Đồng Văn.
Ngoài ra, tại hang Khố Mỷ, xã Tùng Vân, huyện Quản Bạ, các nhà khoa học cũng đã phát hiện được những hình vẽ cổ trên vách đá với những hình người có hai chiếc sừng dài trên đầu đang dang tay nhảy múa. Các hình vẽ được thể hiện trên vách đá thẳng đứng nằm sâu cách cửa hang chừng 30m, trong tầm với của người lớn. 
Nghiên cứu cho thấy người xưa đã nghiền đá thổ hoàng trộn với nhựa thực vật và hòa với nước để vẽ. Đây là phát hiện có giá trị khoa học và có ý nghĩa lớn đối với ngành khảo cổ học Việt Nam. Việc nghiên cứu nội dung, niên đại cũng như chủ nhân của những hình nham họa nói trên đang được tiếp tục nghiên cứu.
Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang bao gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. 
Những phát hiện khảo cổ học mới đây trên cao nguyên đá Đồng Văn càng làm giàu có thêm di sản văn hóa của vùng đất này, bao gồm di chỉ hang Động Nguyệt; công cụ đá cũ; di chỉ Suối Sính Hồ, các công cụ đá ghè đẽo; bộ sưu tập cuốc đá...

Theo Vietnamplus