Bạn có tôn trọng con mình?

03/05/2011 08:43
Chúng ta đều rất yêu quý con cái của mình, đó là một điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng thực tế, nhiều người cũng quá “coi thường” con mình.

Ở bài viết này, người viết xin phép các vị phụ huynh bàn luận một chút về chuyện nuôi dạy con cái Việt Nam, cách chúng ta trò chuyện và ứng xử với các bé trong cuộc sống hàng ngày.

>>Mẹ đã sai khi nói xấu bố với con!
>>Mẹ bảo tôi: "Mày không phải con tao!"

Chuyện thứ nhất

Một lần, cô bé hàng xóm bốn tuổi trong khi chơi trò đèn xanh đèn đỏ với cậu nhóc nhà tôi và một vài bé hàng xóm khác, đã nói một câu làm cả nhà tôi giật mình: “Đèn đỏ vẫn được đi, không phải dừng lại như cô giáo bảo đâu!” Hỏi lý do tại sao, bé hồn nhiên nói: “Ba con đi như vậy mà, ba có dừng đèn đỏ đâu!” Dù tôi có ra sức giải thích đến đâu, cô bé vẫn nhất định không nghe vì rõ ràng cô bé đã thấy ba nhiều lần đi như vậy.

Chuyện thứ hai


Cô cháu gái bốn tuổi rưỡi con chị chồng tôi đang ở độ tuổi rất hay hỏi, bé thắc mắc rất nhiều điều, hỏi rất nhiều câu hỏi khó giải thích. Có lúc câu hỏi khá buồn cười: “Tại sao ba con và chú Giang được cởi trần khi trời nóng mà con lại không được?”, nhưng có lúc, câu hỏi của bé cũng thử thách bộ não của cả nhà, ví dụ như: “Khi nào con và em Minh lớn lên (Minh là con trai tôi, kém cô bé hai tuổi) như cô và chú Giang, cô cho con và em Minh cưới nhau nhé?” Đề nghị này thực sự làm cả nhà tôi choáng. Tôi, bà ngoại và mẹ của bé còn đang nghĩ cách giải thích, thì chồng tôi đã gạt phăng đi và quát: “Con nói năng vớ vẩn gì đấy, lần sau cấm được hỏi như thế nữa!” Cô bé rất ấm ức vì bé nghĩ đó là một đề nghị hay và chắc chắn cả nhà sẽ ủng hộ.

 

Chuyện thứ ba

Cô giáo người Thuỵ Điển dạy tôi trong một khoá học nâng cao nghiệp vụ có một cô con gái năm tuổi người Việt. Cô nhận nuôi bé từ khi bé bốn tháng tuổi và là một “single mom” (người mẹ đơn thân) rất điển hình. Trong lần cả lớp liên hoan, cô cho bé đi cùng, rất nhiều người trong lớp học của tôi cũng cho con cái đi theo. Trong khi một vài người mẹ khác vất vả ép con ăn món này món kia, hết quát mắng rồi lại ngon ngọt dỗ dành, thì cô gần như không hề quan tâm nhiều đến việc ăn uống của con. Chỉ có một lần duy nhất bé hỏi cô cách ăn con tôm hấp khá to, cô quay ra chỉ bảo cặn kẽ cho bé cách bóc tôm, sau đó cô quay lại tiếp tục nói chuyện với chúng tôi và kệ cho con muốn ăn kiểu gì cũng được. Một vài bà mẹ ngồi đó lắc đầu cho rằng cô chẳng quan tâm gì đến con mình, và thì thầm với nhau: Con nuôi mà, có phải con đẻ đâu nên mới kệ như vậy đó!

....

Nếu bạn là phụ huynh và gặp những trường hợp như trên, bạn sẽ xử trí thế nào? Với câu chuyện thứ nhất, sẽ có không ít người chẳng cần hỏi lại lý do tại sao cô bé nói như vậy, và cho rằng cô bé hàng xóm nhà tôi quá hư, thậm chí cấm con mình chơi với những bé đó. Và thực tế, đó cũng là cách phản ứng của cô bạn hàng xóm khác của tôi đang ngồi chơi cùng các bé. Thật may, ba mẹ của chính bé đó lại phản ứng khá tích cực, ba của bé không ngại nhận lỗi và xin lỗi bé ngay trước mặt tôi. Một tuần sau nhắc lại chuyện đó, bé nói rất vui vẻ: “Ba con không vượt đèn đỏ nữa rồi cô ạ, vì ba nói như vậy là sai, dễ bị tai nạn lắm!”

Ở câu chuyện thứ hai, chỉ với một câu hỏi nhẹ nhàng được chị chồng tôi đặt lại cho bé kiểu như: “Con có thấy mẹ và bà ngoại cởi trần khi trời nóng bao giờ không?” đã gần như giải quyết được thắc mắc của bé khá triệt để, bé không bao giờ đòi cởi trần khi trời nóng nữa. Còn với câu hỏi về chuyện bé muốn cưới cậu em họ của mình trong tương lai. Quả thực không dễ dàng gì để bé hiểu đó là điều không thể, mẹ chồng tôi đã cố gắng giải thích cho bé hiểu chị em thì mãi là chị em, không thể là vợ chồng. Cuối cùng thì bé cũng hiểu rằng chị em thì không thể cưới nhau, nhưng lại quay ra ấm ức rằng không biết sau này em Minh (con tôi) sẽ cưới ai.

Câu chuyện thứ ba lại là về cách cho con ăn, một đề tài muôn thủa của các bà mẹ. Không thể nói cô giáo người Thuỵ Điển của tôi không chăm sóc con, vì sau đó, có lần bé bị ốm, mà cô thì không thể nghỉ dạy, thay vì gửi con tới trường hay nhờ người trông, cô đã bế con đến lớp và xin phép chúng tôi được vừa bế con vừa dạy học. Một vài người trong lớp có vẻ hơi khó chịu nhưng sau buổi học, chẳng ai phàn nàn lấy nửa câu vì quá khâm phục cô, chất lượng buổi học không có gì thay đổi và bé nhà cô dù ốm vẫn quá ngoan và rất nghe lời mẹ. Sau này, cô có chia sẻ với chúng tôi về việc cho con ăn, cô rất ngạc nhiên khi thấy các bà mẹ Việt Nam quá khổ sở trong việc ép con ăn trong khi ăn uống phải là một việc đáng để hưởng thụ. Với con gái cô, không ép bé ăn bất cứ thứ gì mà con không thích, thậm chí có lúc bé bỏ bữa, cô cũng đồng ý. Bù lại, bé rất vui vẻ với chuyện ăn uống và cô chưa bao giờ vất vả với việc ăn uống của con.

Kết

Chúng ta đều rất yêu quý con cái của mình, đó là một điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng thực tế, nhiều người cũng quá “coi thường” con mình, họ đèo con và vượt đèn đỏ một cách vô tư mà không nghĩ rằng bé sẽ có thể thắc mắc, thậm chí có lúc họ chửi thề trước mặt con mà không hề để ý, mắng con khi bé vứt đồ lung tung trong khi chính họ lại xả rác ra đường phố, ép bé ăn món nọ món kia dù bé không hề thích, trong khi không ai có thể ép người lớn ăn món ăn họ không thích. Tại sao người dân Nhật Bản được cả thế giới ngả mũ kính phục vì không hề có tình trạng hôi của, cướp bóc hay bạo loạn sau trận động đất hồi tháng 3. Đơn giản vì họ có một nền giáo dục quá tốt, kỷ luật tốt, họ được giáo dục về ý thức xã hội ngay từ khi còn rất bé, họ đặt con cái ngang hàng với người lớn, không làm những việc trái với những gì con được dạy ở trường, con cái cũng phải chịu trách nhiệm với những gì thuộc về mình và những việc mình gây ra. Nếu như chúng ta ý thức hơn với chính những việc chúng ta làm hàng ngày, tôn trọng con cái chúng ta hơn, dẹp bỏ suy nghĩ chúng chỉ là những đứa trẻ con chẳng biết gì, chắc chắn xã hội của chúng ta sẽ ngày càng văn minh hơn.

Theo SGTT

Hãy chia sẻ những câu chuyện, quan điểm trong việc nuôi dạy con cái của bạn và người thân với Giáo dục Việt Nam vào email: toasoan@giaoduc.net.vn. Xin chân thành cảm ơn!

>>Mẹ đã sai khi nói xấu bố với con!
>>Mẹ bảo tôi: "Mày không phải con tao!"