Vua Khải Định muốn con kết thân với các đại gia

26/05/2011 09:10
Khải Định phán bảo thị thần đi hầu thái tử ở Pháp cần để ý cho vị vua tương lai kết thân, giao du với các gia đình đại gia ở Pháp.

Vua Khải Định muốn con kết thân với các đại gia, Lý Thái Tông có tôn hiệu dài kỷ lục, Lê Tương Dực từng bị hoạn quan khống chế và nhiều điều lý thú khác về các vị vua Việt Nam...
 
Năm Nhâm Tuất (1922) trong một buổi thiết triều, vua Khải Định phán bảo thị thần, nhất là những người đi theo hầu thái tử ở Pháp cần lưu ý không để vị vua tương lai nhiễm các tư tưởng dân chủ tự do và cần tích cực kết thân, giao du với các gia đình đại gia ở Pháp.
        
Vua Khải Định    

Sách Khải Định chính yếu sơ tập cho hay Khải Định truyền rằng: “An Nam đường đường là một đế quốc, đưa Hoàng thái tử nay sang du học chính là muốn cho học hành trưởng thành để về bảo vệ, giữ gìn đế quốc đó. Vì vậy trong khi hướng dẫn mở mang kiến thức phải cẩn thận tuyệt không được để cho một chút tư tưởng dân chủ nào in hằn vào đầu óc Thái tử… Những nhà đại gia thuộc hoàng tộc hoặc quan lại truyền thống ở nước Pháp, trong gia đình của họ vẫn giữ lại những luân lý vốn có. Hoàng thái tử nay đang học tập tại nước Pháp, vào những ngày nghỉ rỗi nên giao du với những gia đình đại gia đó cho hợp với luân thường nước Nam, chứ đừng để cho Thái tử tập quen với đầu óc tư tưởng tự do thì thật khó cho sau này”.

Lý Thái Tông có tôn hiệu dài kỷ lục

Là vị vua thứ 2 của nhà Lý, trong 26 năm ở trên ngôi báu, Lý Thái Tông Là vị vua thứ 2 của nhà Lý, đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc gia, củng cố bộ máy nhà nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá ông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.

Lý Thái Tông còn là vị vua có tôn hiệu dài nhất. Ngay sau khi lên ngôi, tôn hiệu của ông là: Khai thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế. Tất cả có 50 chữ.

Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục. Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) ông lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ. Như vậy tôn hiệu của vị vua này có tổng cộng 66 chữ.

Lê Tương Dực từng bị hoạn quan khống chế


Lê Tương Dực tên thật là Lê Oanh, còn có tên khác là Lê Trừ; vị vua thứ 9 của nhà Lê sơ, lên ngôi năm Kỉ Tị (1509). Ông là hoàng đế thông minh, giỏi giang nhưng sau “ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đặc biệt vua quá say đắm nữ sắc nên bị gán cho biệt danh “vua Lợn”.

Nếu như lịch sử Trung Quốc có những vương triều từng bị khuynh đảo bởi hoạn quan thì ở Việt Nam điều này hầu như không có, tuy nhiên có một chuyện ít người biết liên quan đến việc Lê Tương Dực bị bọn hoạn quan khống chế định mưu đồ phế lập ngai vàng.

Lê Tương Dực lên ngôi chưa lâu, đến cuối tháng 4 năm Canh Ngọ (1510) đã gặp ngay một biến động cung đình. Sách Đại Việt thông sử chép: “Nguyễn Khắc Hài không rõ quê quán ở đâu, được vào cung làm thái giám, hơi được vua Tương Dực thân qúy khi mới lên ngôi. Lúc đó lòng người chưa yên, Khắc Hài ngầm có chí khác.

Vào canh 3 đêm 25 tháng 4 năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) Khắc Hài đem đồng đảng làm loạn, bắt ép vua đến cung Trùng Hoa, lại đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên. Nhà vua tỏ ý muốn nhàn hạ để cho y yên chí bèn làm thơ quốc ngữ, đại thần văn võ vào hầu hoạ thơ. Đêm khuya có nội thần là Nguyễn Lĩnh rước vua ra hồ sen. Khắc Hài lẻn ra ngoài, lấy cái xe riêng của vua đi đón Hoa Khê Vương lập làm vua giả. Vua sai Thọ quận công Trịnh Hựu đem quân đuổi đến Đông Hà (tức Đông Hà môn, một cửa ô của Thăng Long xưa, sau được gọi là ô Quan Chưởng) bắt giết quá nửa đồng bọn của Hài, bắt được cả Hài, dư đảng của y trốn lên núi Tam Đảo, quan quân đuổi đánh dẹp được”.

Vua Khải Định
Vua Khải Định

Vua Kiến Phúc cho chế tạo súng theo kiểu của Mỹ

Khi nói về Kiến Phúc, thường người ta chỉ nghĩ đến thời kỳ đầy biến động của vương triều Nguyễn sau khi vua Tự Đức băng hà ngày 16 tháng 6 năm Qúy Mùi (1883) dẫn đến chuyện “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua).

Kiến Phúc là vị vua ở ngôi lâu nhất (hơn 5 tháng) so với các vua ở giai đoạn “tứ nguyệt tam vương” là Dục Đức (ở ngôi 3 ngày), Hiệp Hòa (gần 4 tháng). Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của mình, có một việc làm đáng nhớcủa vua Kiến Phúc, đó là vào đầu tháng giêng năm Giáp Thân (1884) triều đình đã cho chế tạo thử loại súng theo kiểu của Mỹ và của Đức, đồng thời cho dệt thử các loại vải hoa, vải thô của phương Tây.

Vua đã giao cho ông Nguyễn Xuân Phiếu phụ trách việc này cùng với 3 thợ máy, 15 thợ dệt, 20 biền binh. Những người này đều được phái đi học tập, thí nghiệm. Sau khi đã thành thục đều được phong thưởng: Nguyễn Xuân Phiếu, từ chức Đốc công tòng cửu phẩm thừa phái, được thưởng chức Tư vụ; những người kia đều được thăng trật hoặc được thưởng tiền bạc.

Vua Đồng Khánh cũng có một bài thơ “Nam quốc sơn hà”

“Nam quốc sơn hà” được coi là bài thơ “thần”, là bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên ra đời trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược thời nhà Lý. Còn bài thơ “Nam quốc sơn hà” của ông vua bù nhìn Đồng Khánh thời Pháp thuộc được viết vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1887) có nội dung thể hiện lo lắng trước thời cuộc, nhắc nhở quan lại phải hoàn thành chức phận.

Nội dung của bài thơ gồm 20 khổ 80 câu thơ còn dành phần lớn để ca ngợi công lao sáng nghiệp của vua Gia Long, công tích của triều Nguyễn với dân chúng và chỉ trích các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường phế lập ngôi vua, gây hấn với Pháp nên khiến đất nước binh họa binh đao, các cuộc nổi dậy “phản loạn” khiến cho triều đình và quân Pháp phải cùng hợp sức đánh dẹp “bọn ngông cuồng”. Bài thơ còn có đoạn nói rằng vì có ơn đức thấm lòng dân, được Pháp giúp đỡ mà Đồng Khánh được làm vua…

Bài thơ của vua Đồng Khánh được mở đầu bằng hai câu: “Nam quốc sơn hà Nam đế đô/Thần truyền thánh kế tráng hoàng đồ” (Sông núi nước Nam vua Nam trị/Thần truyền Thánh nối rộng cơ đồ).

Theo Lê Thái Dũng (Bee.net.vn)