20% số cơ sở bị kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm

16/11/2016 09:37
Mai Anh
(GDVN) - Từ năm 2011 – 2015 cả nước thực hiện 3 triệu lượt thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm, 20% trong số đó có hành vi vi phạm và bị xử phạt.

An toàn thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng, ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm. 

Đặc biệt, hoạt động thanh, kiểm tra luôn có sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành y tế, nông nghiệp, công thương, công an và UBND các cấp, do vậy hiệu quả của hoạt động này ngày càng được tăng cường.

Chính công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm góp phần thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn trong nước - ảnh nguồn Cục An toàn thực phẩm.
Chính công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm góp phần thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn trong nước - ảnh nguồn Cục An toàn thực phẩm.

Điền hình việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu, phủ tạng động vật không đảm bảo chất lượng, xử lý các cơ sở sử dụng phụ gia ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi... 

Bên cạnh thực hiện thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm thời gian qua công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, thực hành về an toàn thực phẩm cũng được nâng cao. Theo kết quả điều tra kiến thức hàng năm, cùng bộ câu hỏi, cùng đối tượng, kết quả năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2015 so với năm 2012, kiến thức của người sản xuất tăng từ 76% lên 81,9%, kiến thức của người kinh doanh tăng từ 73% lên 84,6%; kiến thức của người tiêu dùng tăng từ 65,8% lên 82,5%;

Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm bước đầu đã được hình thành từ trung ương đến địa phương (trong ngành y tế có Cục An toàn thực phẩm, các Chi cục, các Khoa An toàn thực phẩm tuyến huyện; trong ngành nông nghiệp có các Cục chuyên ngành ở trung ương, tuyến tỉnh có các chi cục; trong ngành công thương có các Vụ, Cục chuyên ngành và các Sở chuyên ngành ở tuyến tỉnh);

Hệ thống kiểm nghiệm bước đầu đã đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý với 1 Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - là cơ quan trọng tài trong lĩnh vực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm;

3 Trung tâm Kiểm nghiệm khu vực, 14 Cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm các tỉnh/thành phố. Đến nay, 42/63 tỉnh/thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO/IEC 17025.

Chính công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn trong nước.

Gặp khó vì nhân lực và kinh phí ít

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Cục An toàn thực phẩm cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác an toàn thực phẩm hiện nay vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể mặc dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao. 

20% số cơ sở bị kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm ảnh 2

Tăng mức phạt tiền về xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

20% số cơ sở bị kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm ảnh 3

Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm

20% số cơ sở bị kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm ảnh 4

Thủ tướng thăm Dự án sản xuất rau công nghệ cao VinEco Hải Phòng

Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao.

Hàng năm, qua các chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền khác nhau, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3 - 5%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2%, riêng 10 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lên đến trên 10%, bên cạnh đó còn xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi.

Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. 
Điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống không bảo đảm.

Việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý.

Theo Cục An toàn thực phẩm những tồn tại trong công tác an toàn thực phẩm xuất phát từ nguyên nhân khách quan như: Rủi ro do sử dụng thực phẩm là rất khó tránh, ngay cả các nước phát triển có hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống pháp luật đồng bộ, đời sống của người dân cao,... nhưng các sự cố về an toàn thực phẩm vẫn xảy ra.

Điển hình như tại Mỹ mỗi năm vẫn có 48 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, ở Anh là 190 ca/100.000 dân, ở Úc là 4,2 triệu ca ngộ độc thực phẩm/năm, riêng Việt Nam là 6,2 ca/100.000 dân. 

Cùng với đó nguyên nhân khách quan dẫn đến công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp kho khi các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, cả nước có gần 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm thì 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế). 

Mặt khác trong nhân dân còn tồn tại nhiều tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: Ăn tiết canh, ăn gỏi cá,... Những hành vi này không thể dùng biện pháp hành chính để thay đổi thói quen mà phải vận động, tuyên truyền, phải cần có thời gian.

Cùng với đó một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn thấp (nhất là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa) nên họ không có điều kiện kinh tế để mua và sử dụng thực phẩm chất lượng cao mà vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Ngoài yếu tố khách quan, theo Cục An toàn thực phẩm dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn rất thấp (giai đoạn 2001 – 2005 chỉ bằng 1/25 của Thái Lan.

Cụ thể, Thái Lan đầu tư kinh phí 1USD/người/năm cho công tác an toàn thực phẩm thì Việt Nam là 780 đồng/người/năm; giai đoạn 2006 - 2010 kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm, năm 2014 kinh phí lại bị cắt giảm 60% so với năm 2013, do vậy giai đoạn 2011- 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm thành phố chi trên 100.000 đồng/người).

Lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn (năm 2009 các chi cục an toàn thực phẩm ở các tỉnh mới được thành lập, mỗi tỉnh bình quân có khoảng 15 cán bộ, vì mới thành lập nên cần phải đào tạo nâng cao nghiệp vụ). Lực lượng thanh tra hiện còn quá mỏng.

Trước tồn tại trên Cục An toàn thực phẩm đề nghị cần đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. 

Cụ thể, bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến, nếu chỉ tập trung phê phán những tồn tại, yếu kém mà không phản ánh những thành tựu đã đạt được thì không phản ánh đúng bức tranh về an toàn thực phẩm ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Chính phủ cấp thêm kinh phí để nâng cao hiệu quả công tác an toàn thực phẩm, đề nghị các địa phương phối hợp tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Mai Anh