50% thẻ ATM "ngủ đông: Ngân hàng quá nôn nóng chiếm lĩnh thị trường

02/10/2014 11:22
Hoàng Lực
(GDVN) - TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng việc 50% số thẻ ATM không phát sinh giao dịch gây lãng phí lớn cho xã hội.

Tổ chức banknet.vn vừa đưa ra thống kê cho biết, có tới 50% số thẻ thanh toán đang lưu hành tại Việt Nam không hề phát sinh giao dịch. Banknet.vn cũng cho biết việc các ngân hàng thường đưa ra nhiều ưu đãi như miễn phí phát hành, miễn phí thường niên năm đầu trong cuộc đua để mở rộng thị phần.

Trong khi đó với những thẻ trong thời gian dài không giao dịch nhưng khách hàng không phải bận tâm vì thông tin này sẽ không bị các ngân hàng gửi đến Trung tâm thông tin Tín dụng. Và đó chính là lý do khiến cho số lượng thẻ ATM tại Việt Nam tiếp tục tăng lên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng tình với đánh giá của banknet.vn, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ rõ có hai nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ phát hành thẻ nhanh nhưng khả năng sử dụng hạn chế: Thứ nhất bản thân các ngân hàng muốn nhanh chóng mở rộng thanh toán qua gửi tiền mặt và muốn phát huy công năng của thẻ ATM do vậy muốn phát hành càng nhiều càng tốt.

Các ngân hàng mở rộng thanh toán của mình, chiếm lĩnh thị trường nên đôi khi cũng giao chỉ tiêu cho các chi nhánh, các nhân viên đi phát triển thẻ với mục tiêu số lượng càng nhiều càng tốt.

Thứ hai khách hàng cũng muốn mở nhiều thẻ ATM để có sự lựa chọn, cho phù hợp. Đôi khi khách hàng muốn so sánh xem thẻ nào tiện dụng hơn, trong khi chi phí làm thẻ nhiều khi các ngân hàng miễn phí hoặc mức phí thấp.

Việc thẻ ATM phát hành nhiều nhưng không xuất hiện giao dịch làm giảm đi tài nguyên thẻ, giảm dư địa để có thể phát triển thẻ sau này.

TS Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam.
TS Cao Sỹ Kiêm nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam.

"Lãng phí ở đây không chỉ là chi phí làm thẻ. Để thẻ ATM phát huy tối đa công năng phải phát triển một hệ thống theo chiều rộng như hệ thống kỹ thuật như máy ATM, đội ngũ kỹ thuật theo dõi bảo trì, nâng cấp máy, thiết kế hệ thống lắp đặt, sơ đồ lắp đặt, phân bố nguồn tiền, vấn đề an ninh… Tất cả đều là của cải vật chất xã hội, nếu thẻ không giao dịch, không hoạt động sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội”, TS Kiêm nói. 

Để tránh lãng phí, theo TS Kiêm cần đưa ra tiêu chí chặt chẽ cho việc phát hành thẻ, quy định cá nhân được sử dụng số lượng thẻ… Bên cạnh đó cần kiểm tra đưa ra đánh giá ở thời kỳ, từng địa phương về lượng thẻ ATM, số điểm giao dịch, số máy ATM… từ đó đưa ra giải pháp cụ thể dựa trên cơ sở phản ánh của khách hàng.

Theo đánh giá, trong hơn 10 năm qua, các ngân hàng Việt Nam thường thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thẻ nội địa như phí phát hành, phí thường niên, phí giao dịch ATM cho khách hàng.... Tuy nhiên, gần đây một số ngân hàng mới thực hiện thu gián tiếp phí thường niên qua hình thức thu phí quản lý tài khoản thẻ, mức thu này được cho không đáng kể nếu so với mức đầu tư của ngân hàng.

Nhìn chung, công tác đầu tư, duy trì mạng lưới ATM là hoạt động rất tốn kém. Theo thống kê của NHNN, trong năm 2012, tổng chi phí liên quan đến đầu tư, vận hành hệ thống ATM là gần 3,7 nghìn tỷ đồng; tổng thu (đã bao gồm lợi ích thu được từ số dư tiền gửi không kỳ hạn tài khoản thẻ nội địa) là xấp xỉ 1,7 nghìn tỷ đồng; chênh lệch thu-chi chưa cân đối được là 2 nghìn tỷ đồng.

Hoàng Lực