7 NH xiết nợ DN Trường Ngân: Xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật?

05/12/2013 09:19
Hồng Anh (Nguồn VTV)
(GDVN) - 3.360 tấn cà phê xô được Công ty Trường Ngân thế chấp để vay vốn cùng lúc tại 7 ngân hàng với số tiền khoảng 700 tỷ đồng. Công ty Trường Ngân mất khả năng trả nợ, Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhanh chóng đưa sự việc ra tòa án dân sự quận 4 và Tòa dân sự đã ra những phán quyết có lợi cho ngân hàng này (!).
Theo đó, ngày 3/12, các cơ quan thi hành án Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bất ngờ tuyên bố cưỡng chế kho hàng theo bản án có hiệu lực của tòa án nhân dân quận 4, TP.HCM. Buộc Công ty Trường Ngân trả nợ cho OCB số tiền 93 tỷ đồng trong sự ngỡ ngàng của 6 ngân hàng còn lại.

Tờ Lao động cho biết, vào ngày 5/6, tòa án dân sự quận 4, TPHCM ra Quyết định số 24/2013/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và bị đơn là Công ty Trường Ngân với nội dung: “Công ty Trường Ngân cam kết tài sản bảo đảm là 3.360 tấn cà phê nhân xô còn đúng đủ số lượng đã nêu trong hợp đồng cầm cố số 0183/2012/BĐ ngày 21/9/2012… Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Công ty chúng tôi cam kết đảm bảo đủ số lượng hàng đã cầm cố cho OCB, tại kho riêng của OCB theo các hợp đồng cầm cố và biên bản có liên quan… Đồng thời, OCB có quyền yêu cầu phát mãi đối với toàn bộ tài sản bảo đảm nêu trên để thu hồi nợ”.

7 ngân hàng tranh chấp, nhưng tòa phán quyết giao cho 1 ngân hàng “hưởng”, điều này dẫn tới tranh chấp, khiếu nại.

Kho hàng của Công ty Trường Ngân bị cưỡng chế, cà phê được chuyển lên xe tải đưa ra khỏi kho ngày 3/12.
Kho hàng của Công ty Trường Ngân bị cưỡng chế, cà phê được chuyển lên xe tải đưa ra khỏi kho ngày 3/12.

Ông Hồ Quý Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho biết: “Sau khi chi cục thi hành án dân sự thị xã Dĩ An thụ lý, thi hành theo đúng trình tự, quy định pháp luật, trong thời gian tự nguyện, doanh nghiệp Trường Ngân không thực hiện đúng theo nội dung quyết định của tòa án và hai bên cam kết với nhau. Do đó, ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo hợp đồng tín dụng giữa Trường Ngân và ngân hàng OCB đã ký kết”.

Đại diện pháp chế các ngân hàng còn lại cho rằng, lượng cà phê trong kho là tài sản đang trong diện tranh chấp, phải được xử lý trên nguyên tắc đăng ký tài sản đảm bảo với Bộ Tư pháp. Việc ngân hàng OCB đơn phương cùng với Trường Ngân đem vụ việc ra thỏa thuận tại tòa dân sự ngay khi Trường Ngân mất khả năng trả nợ đã ảnh hưởng tới lợi ích của các ngân hàng khác. Vì thực tế là cùng một lượng cà phê nhưng có sự chồng lấn khi đem ra thế chấp tại các ngân hàng.

Theo một phát biểu trước đó của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Ngân, giá trị cà phê còn lại trong kho vào khoảng 100 tỷ, trong khi tổng số nợ của 7 ngân hàng ước tính lên tới 700 tỷ đồng.

Nhiều bao cà phê trong kho của công ty Trường Ngân phát hiện chứa vỏ và rác.
Nhiều bao cà phê trong kho của công ty Trường Ngân phát hiện chứa vỏ và rác.

Bên cạnh đó, trong quá trình cưỡng chế thi hành án, công ty thẩm định chất lượng cà phê do cơ quan thi hành án của thị xã Dĩ An (Bình Dương) mời đến đã phát hiện trong rất nhiều bao cà phê trong kho của Trường Ngân chỉ toàn vỏ và rác. Một lần nữa, vấn đề thẩm định chất lượng khi cho vay của các ngân hàng lại được đặt ra.

Trong khi đó, đại diện các ngân hàng còn lại tỏ ra bất bình trước phán quyết của tòa án nhân dân quận 4, TP,HCM. Các ngân hàng này cho biết, họ sẽ tiếp tục khởi kiện và chuyển thông tin vụ việc tới các cơ quan có thẩm quyền./.
Hồng Anh (Nguồn VTV)