74% vụ khiếu nại tiêu dùng liên quan đến truyền hình, viễn thông

28/10/2014 14:05
Mai Anh
(GDVN) - Trong số nhóm hàng hóa bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất là viễn thông, truyền hình (chiếm 74%), tiếp đến nhóm hàng hóa dịch vụ thường ngày (7,4%)...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, tuy nhiên theo ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu cùng (Cục Quản lý cạnh tranh), giai đoạn 2011-2012, với vai trò là cơ quan phụ trách vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng tuyên truyền, vì vậy giai đoạn này Cục chỉ nhận 7 – 8 vụ việc khiếu nại/năm.

Hội thảo nhìn lại 3 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hội thảo nhìn lại 3 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bước sang năm 2013 cùng với hoạt động của hệ thống tổng đài (0439387846) và trang tin, Cục đã đẩy mạnh hơn công tác tiếp nhận và xử lý khiến nại của người tiêu dùng. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận xử lý 790 vụ khiếu nại từ người tiêu dùng, trong đó kênh tiếp nhận nhiều phán ánh khiếu nại nhất là điện thoại tiếp đến qua website, qua đường văn thư.

Trong số nhóm hàng hóa bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất là viễn thông, truyền hình (chiếm 74%), tiếp đến nhóm hàng hóa dịch vụ thường ngày (7,4%), hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng (6%)…

Riêng vấn đề giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo Cục Quản lý cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Cụ thể theo Cục phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu hiện nay là hòa giải (chiếm trên 80% số vụ). Trong khi phương thức trọng tài và tòa án không được người tiêu dùng lựa chọn nhiều do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết lâu, chi phí cao.

Chính yếu tố thủ tục phức tạp người tiêu dùng tâm lý e ngại dẫn đến việc những vi phạm về quyền lợi người tiêu dùng hầu hết giải quyết hòa giải, doanh nghiệp không bị xử lý dẫn đến có luật nhưng chưa có tính răn đe.

Cũng đánh giá 3 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Vinastas) cho biết: Từ khi Luật có hiệu lực đến tháng 6/2014, Vinastas đã tiếp nhận 3.210 vụ khiếu nại, tư vấn giải quyết thành công 2.604 vụ chiếm tỷ lệ 80%. Lý giải việc tư vấn giải quyết khiếu nại của Vinastas gặp khó, ông Hùng cho rằng do thiếu cán bộ, thiếu nguồn kinh phí. 

“Hiện nay hoạt động tư vấn khiếu nại của Vianastas đều là hoạt động thiện nguyện không thu phí, trong khi lực lượng cán bộ mỏng nguồn kinh phí ít, không có nguồn tài chính hỗ trợ. Cán bộ hưu đã vậy, các cháu sinh viên chưa có việc làm đến với Hội, Hội không có nguồn trợ cấp vì vậy không thể đòi hỏi các cháu cống hiện lâu dài”, ông Hùng nói.

Bên cạnh khó khăn tài chính, Tổng thư ký Vinastas cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong văn bản Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ trong Điều 41 quy định Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản khi có đủ các điều kiện. Tuy nhiên thực tế Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự s00s 65/2011/QH12 ngày 29/3/2011 vẫn chưa quy định chi tiết về điều này.

Tương tự Điều 46 quy định “Tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện, vì lợi ích cộng đồng được thực hiện theo bản án, quyết định của tòa”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, trong trường hợp khi thắng kiện thì khoản tiền bồi thường sẽ được xử lý thế nào khi không xác định được địa chỉ thiệt hại của từng đối tượng cụ thể. Ngược lại khi thua kiện thì Hội không có chi phí để chi trả.

Qua những khó khăn tồn tại, ông Hùng mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện các văn bản luật góp phần đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi sâu vào đời sống. Riêng Vinastas, ông Hùng mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo các ban ngành với Vinastas để đáp ứng nhu cầu tư vấn khiếu nại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

Mai Anh