8 chiêu "chặt chém" khiến NTD "vừa sợ vừa run"

25/10/2011 14:05
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Không chỉ những dịch vụ nhỏ lẻ mới sử dụng những chiêu chặt chém này mà ngay những thương hiệu lớn cũng lợi dụng sự cả tin của khách hàng để trục lợi.
1. Gửi xe “chặt chém”
Từ ngày 27/5/2011, TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận - huyện, phường - xã tăng cường quản lý các điểm trông, giữ xe. Thế nhưng, bất chấp yêu cầu, nhiều điểm trông, giữ xe tại TP.Hà Nội vẫn giữ nguyên mức giá vượt nhiều lần so với mức phí Sở Tài chính Hà Nội quy định.
Điểm trông, giữ xe số 73 phố Cầu Gỗ "chặt chém" khách phí 10.000 đồng/lần (gửi vào ban ngày) và 30.000 đồng/lần (gửi vào buổi tối) đối với xe máy nhưng vẫn hoạt động bình thường từ nhiều năm nay (Ảnh 24h)
Điểm trông, giữ xe số 73 phố Cầu Gỗ "chặt chém" khách phí 10.000 đồng/lần (gửi vào ban ngày) và 30.000 đồng/lần (gửi vào buổi tối) đối với xe máy nhưng vẫn hoạt động bình thường từ nhiều năm nay (Ảnh 24h)
Theo ghi nhận của phóng viên 24h: Tại điểm trông, giữ xe máy số 73 phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm), nếu người dân gửi xe máy tại đây phải mất phí 10.000 đồng/lần (gửi vào ban ngày) và 30.000 đồng/lần (gửi vào buổi tối). Có điều lạ là cho tới tận bây giờ điểm trông, giữ xe này vẫn tồn tại và vẫn thu mức phí như trên mà không bị cơ quan chức năng nào "sờ gáy".

Tại bãi trông, giữ xe số 120 Lê Duẩn thuộc ga Hà Nội quản lý, khách gửi xe máy đều mất 5.000 đồng/lượt. Trong khi đó, trước cổng vào bãi trông, giữ xe của ga Hà Nội đã treo biển 2.000 đồng/lượt gửi ban ngày và 3.000 đồng/lượt gửi ban đêm.

Khi pv thắc mắc việc thu phí không đúng quy định, nhân viên của bãi xe này thản nhiên: "Giỏi đi mà kiện... Gửi thì gửi, không thì biến...".

Xe máy là thế, còn với ô tô, mức thu còn cao hơn nhiều.

2. Thực phẩm giảm giá, hàng ăn vẫn "chém đẹp"

Có một nghịch lý tồn tại "bất thành văn" là khi giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà tăng, các mặt hàng liên quan như phở, bún, thức ăn nhanh… đồng loạt tăng giá mạnh. Song thời điểm những loại thực phẩm này đã giảm giá thì hầu hết các hàng quán kinh doanh ăn uống vẫn "án binh bất động", thậm chí có nơi vẫn tăng cao.

Đáng tiếc hiện nay không ai quản lý giá ở những loại hình kinh doanh này, đặc biệt là thức ăn đường phố, để họ thả cửa "lên nhưng không xuống".
Giá thực phẩm đã giảm, nhưng nhiều hàng ăn vẫn chưa chịu giảm giá.
Giá thực phẩm đã giảm, nhưng nhiều hàng ăn vẫn chưa chịu giảm giá.
Không dừng lại ở đấy, cửa hàng còn "chém" khách bằng những loại phí rất vô lý. Kiểu "ép" khách phải chấp nhận loại phí phục vụ, phí rót rượu khi mang rượu tới quán... Nhiều thực khách đã phải "mắt tròn mắt dẹt" khi thanh toán những loại phụ phí này. Như tại một số cửa hàng gắn mác "quý tộc", trong một bữa ăn, chỉ có 2 xô ngâm đá cho 2 chai rượu khách mang đến, mấy cốc nước lọc chanh mà khách vẫn phải trả 400.000 đồng tiền phí phục vụ.

3. Khan hàng, siêu thị nâng giá bán

Mùa nóng năm 2011, nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng đột biến khiến các siêu thị điện máy tỏ ra sốt ruột, "đứng ngồi không yên". Giá bán cứ tăng dần lên  tùy thuộc vào... nhiệt độ.

Đầu mùa, các siêu thị còn đua nhau giảm giá, khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng mua sắm máy lạnh nhưng đến giai đoạn đỉnh điểm của nắng nóng, nhiều nơi đã bỏ hẳn các chương trình khuyến mãi ưu đãi. Không những thế, các đơn vị nhìn nhau nâng giá bán từ 500.000-700.000 đồng/chiếc máy điều hòa, thậm chí có máy tăng đến cả triệu đồng/chiếc, tùy thuộc vào loại máy đó hút hàng đến mức nào.
 
4. Đi chợ “vừa sợ vừa run”

Quy định niêm yết giá đã được ban hành từ năm 2007 nhưng ở hầu hết các chợ truyền thống... không ai thực hiện. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc "chặt", "chém" hay ép khách hàng.
Tại Hà Nội, có thể điểm mặt rất nhiều khu chợ nổi tiếng “chặt, chém” khách như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Viên, Mơ... nhưng “tai tiếng” nhất vẫn là chợ Ngã Tư Sở. Với những chị em yếu bóng vía, vào một lần không dám quay lại.

Nguyễn Thanh Tâm (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn Hà Nội) kể: “Có lần, tôi mua giày ở chợ Ngã Tư Sở. Vừa gặp khách, cô bán hàng đã đon đả mời chào, giới thiệu hàng xịn rồi “hét” giá 500.000 đồng/đôi. Thấy đắt, tôi bỏ qua hàng khác. Ngay lập tức, cô ta thay đổi thái độ, lên giọng “chợ búa”, tay châm lửa “đốt vía” ép phải mua. Không muốn dây dưa, chị em tôi đành rút hầu bao trả cho đôi giày với giá 200.000 đồng/đôi. Vừa bị mất tiền, vừa bị đối xử chẳng ra gì, đi chợ mà phải căng thẳng thần kinh, đấu trí với người bán hàng thì thà mua ở siêu thị đắt, nhưng ít ra còn được thư giãn và tôn trọng”, cô bạn này chia sẻ với Vnexpress.

5. Nhà thuốc: Nhập nhèm niêm yết giá "móc túi" khách hàng

Thời gian qua, kinh doanh thuốc chữa bệnh được xem là mặt hàng siêu lợi nhuận vì giá thuốc tăng liên tục, trong khi đó ngoài mức giá trần, giá sàn được ngành y tế quy định thì rất khó có mức giá cụ thể để người tiêu dùng lựa chọn.

Tuy nhiên tên thực tế, rất nhiều nhà thuốc lại phớt lờ các quy định về niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng mập mờ nhằm "chặt chém" người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của PV Đời sống Pháp luật, các nhà thuốc gần khu vực các bệnh viện Nhi Trung ương, Thanh Nhàn, Bạch Mai... có niêm yết giá bán lẻ khá chi tiết nhưng mức giá thì lại chênh nhau. Cùng một loại thuốc Augrmentin - 250mg, nhà thuốc Thọ An (đường Nguyễn An Ninh) bán giá 96.000 đồng (12 gói), nhưng nhà thuốc N.A trên đường Trương Định có giá niêm yết 105.000 đđồng.

Dạo qua 3 cửa hàng khác trên địa bàn quận Hà Đông đều có niêm yết giá, nhưng khi bán lại không bán theo giá đã niêm yết. Thuốc Neo-codion, giá niêm yết là 69.000 đồng, còn giá bán thực tế lại là 84.000 đồng.

Trước thực trạng trên Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế kiểm tra, siết lại giá bán ở các nhà thuốc, nhưng trên thực tế người dân vẫn phải mua thuốc với giá cao.

6. Hàng quán bệnh viện "cắt cổ" người dân

Lợi dụng tình thế khó khăn trong sinh hoạt của các bệnh nhân và người thân đi cùng, một số hàng quán kinh doanh xung quanh và trong khu vực nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã thi nhau “chặt chém” với nhiều mức giá… trên trời.
 
Chị Xuân (Bắc Ninh) có chồng nằm viện hơn một tháng chia sẻ với Vietnamplus: "Mua hàng ở bên trong bệnh viện cái gì cũng phải đắt gấp rưỡi. Như một túi sữa Ba Vì, bình thường chỉ 4.000 đồng nhưng ở đây toàn lấy 6.000 đồng. Đó là chưa kể những mặt hàng có giá cả cao hơn".

Dịch vụ điện thoại cũng là một nơi “chặt chém” khách khá mạnh tay. Khuôn mặt thất thần, cô Cúc ở Hưng Yên kể: “Vào gọi điện về nhà chưa đầy 5 phút mà ở đây tính những 40 nghìn đồng. Không hiểu họ lấy giá kiểu gì nữa…”

Trong bệnh viện cũng có hẳn một siêu thị loại nhỏ để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân, tuy nhiên giá cả hàng hóa ở đây cũng không “dễ chịu” chút nào. Chính vì giá ở cả ở siêu thị không khác ngoài là bao nhiêu, thậm chí là đắt hơn nên có khá ít bệnh nhân và người thân vào đây mua hàng.

7. Đi du lịch, bị “hành hạ” khó tin
 

Một thành viên trên diễn đàn tttvnol chia sẻ câu chuyện đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) của mình như sau: “Tôi mua dừa tươi, họ nói 100.000 đồng/quả, tôi mặc cả xuống còn 30.000 đồng/quả và họ đồng ý bán. Khi thanh toán tiền cho 2 quả dừa, họ nói 130.000 đồng khiến tôi tưởng họ nhầm, Nhưng không phải, vì họ nói tôi mới mặc cả cho quả thứ nhất, quả thứ hai chưa đả động gì đến. Tôi hoảng quá, không mua nữa thì họ chửi đến phát ngại, mà mua thì ấm ức không chịu nổi”.
Đi du lịch hay đi hành xác?
Đi du lịch hay đi hành xác?
Có du khách cho biết còn bị "móc túi" ở Sầm Sơn theo cách rất bất ngờ: “Biết là khu này hay chặt chém, chúng tôi đã ngã giá rất kỹ từng món ăn rồi ghi ra giấy, bắt chủ quán ký vào, sau đó mới ngồi xuống ghế.

Ăn uống xong đứng dậy thanh toán, cả hội gần chục người choáng nặng khi nhân viên cho biết nhà hàng thu thêm 20.000 đồng tiền ghế ngồi/khách; 20.000 đồng tiền gia vị, chanh ớt cho cả nhóm; 100.000 đồng tiền phục vụ; 50.000 đồng tiền vệ sinh, dọn dẹp rác rưởi, vv… Chúng tôi đôi co một hồi thì họ bảo quy định ở đây là thế. Vì không muốn lằng nhằng, cãi nhau mất vui, chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán, trong lòng bức xúc khôn tả”.

Từ các địa điểm du lịch nổi tiếng ở như Hạ Long, Cát Bà, Chùa Hương, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu đến các khu vực nổi tiếng “vừa vừa” trong cả nước đều từng khiến du khách hoảng hốt vì mức độ 'chặt chém', nhất là vào cao điểm mùa du lịch, và đặc biệt xảy ra nhiều ở các khu du lịch miền Bắc và miền Trung.

Nhiều khách du lịch đi chơi cuối cùng mua thêm cái bực vào thân vì khách sạn quảng cáo là 3 sao, giá cũng 3 sao nhưng thực tế thì chất lượng chưa nổi 1 sao!

Chưa hết, hiện nay ở các khu du lịch cứ ra đến cửa là có “ma cô”, “cò mồi”. Đã có không ít bậc phụ huynh khốn đốn vì những đối tượng này sẽ lừa dắt trẻ con ra chỗ kín cho ăn kẹo, trong khi đó một kẻ khác sẽ chạy ra thông báo cho bố mẹ chúng biết là lũ trẻ đang ở đâu. Sau đó, hai “kẻ cướp” đường hoàng “xin được bồi dưỡng”, ít nhất cũng phải 200.000 đồng!

Dịch vụ cưới "chặt, chém" cô dâu, chú rể không thương tiếc

"Trăm năm mới có một lần" nên cặp uyên ương nào cũng mong muốn chuẩn bị ngày trọng đại của mình  chu đáo nhất. Dịch vụ cưới hỏi cũng mọc lên như nấm sau mưa và việc "chặt chém" khách hàng cũng không thương tiếc.

Theo khảo sát của phóng viên báo ĐS &PL, so với đầu năm, dịch vụ đồ ăn hỏi thời điểm này đều tăng giá từ 20 - 25%. Nhiều chủ cửa hàng cho rằng, thời điểm tới, những buổi lễ thành hôn sẽ bước vào giai đoạn nước rút, chắc chắn giá cả sẽ tăng cao hơn nữa.

Chị Nguyễn Thu Thủy (Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết: "Nhà mình đặt lễ ăn hỏi trước đó khoảng một tháng. Cửa hàng yêu cầu đặt cược 50% số tiền. Lúc cửa hàng đưa lễ đến mình thực sự bị choáng bởi giá mỗi tráp tăng lên 100 nghìn đồng, riêng tráp trầu cau họ lấy hơn 1 triệu đồng... Mình thắc mắc được họ giải thích, từ thời điểm đó đến nay, giá các mặt hàng ăn hỏi đều tăng, phải tăng giá cửa hàng mới đủ vốn. Mình rất bức xúc, nhưng chẳng lẽ lại cãi nhau vì sát giờ ăn hỏi rồi, lúc này họ hét giá trên trời thì mình cũng phải chịu".

Bên cạnh dịch vụ sính lễ ăn hỏi, các ảnh viện, áo cưới cũng tranh thủ "cắt cổ" khách. Nhiều hình thức khuyến mại và hậu mãi hấp dẫn được tung ra khiến nhiều khách hàng như bị rơi vào "ma trận" của các ảnh viện này. Kết cục là chi phí khiến không ít bạn trẻ chóng mặt: 5 đến 8 triệu đồng/album bình dân.

Bên cạnh đó, nhiều cô dâu sính ngoại sẵn sàng bỏ 3 - 6 triệu đồng để thuê váy cưới mác Hong Kong, Hàn Quốc nhưng hình thức thì chẳng khác hàng trong nước sản xuất là bao. Có người còn trót thuê chiếc áo cưới lung linh được giới thiệu là hàng "độc" của tiệm với mức thuê 10 triệu/ngày; nhưng sau đó mới ngã ngửa cũng chiếc áo ấy, có người bạn chỉ thuê bằng nửa giá...

Mặc dù biết bị mất tiền oan nhưng đa số nạn nhân vẫn giữ thói quen “thà chịu thiệt chứ không… phiền toái”. Vì thế, lời khuyên cho các khách hàng bị "chặt chém" là trước khi các cơ quan quản lý vào cuộc, "hãy là những người tiêu dùng thông minh". Hãy "tẩy chay" những hàng quán bán giá quá đắt, hay không chịu hạ giá. Bởi chính người tiêu dùng là người biết rõ nhất mình đang bị "chặt chém" thế nào.
Hải Hà (tổng hợp)