990 hay 1000 năm, làm gì thì làm nhưng một xu cũng không được lãng phí

16/07/2018 06:24
DU THIÊN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Sự kiện rơi vào năm chẵn thì tổ chức quy mô hơn, còn sự kiện năm lẻ thì tổ chức như ngày giỗ ông bà mình thôi", ông Phương nói.

LTS: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, các cơ quan có liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa phù hợp với điều kiện của tỉnh, đảm bảo thiết thực, ý nghĩa, an toàn và tiết kiệm.

Xoay quanh vấn đề kinh phí tổ chức chuỗi sự kiện hướng tới lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, hôm 6/7 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Thưa ông, có nguồn tin cho biết, kinh phí để tổ chức một số sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm hướng tới 990 năm danh xưng Thanh Hóa có mức khái toán cao hơn một số năm trước. Vì sao vậy?

Ông Phạm Duy Phương: Mọi so sánh đều là khập khiễng. Năm ngoái, một số sự kiện diễn ra có tính chất thường niên thì tổ chức khác so với những sự kiện rơi vào năm chẵn.

Đảng, Nhà nước quy định, những sự kiện rơi vào năm chẵn thì tổ chức quy mô hơn, còn sự kiện rơi vào những năm lẻ thì tổ chức như ngày giỗ ông bà mình. Cho nên quy mô tổ chức cũng phải khác để phù hợp với quy định.

Ví dụ, sự kiện hướng tới kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn sẽ tổ chức lớn hơn về quy mô so với lễ kỷ niệm rơi vào năm lẻ.

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Ảnh tư liệu của Quốc Toản.
Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Ảnh tư liệu của Quốc Toản.

Còn con số khái toán để tổ chức các sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa chỉ là số liệu tổng hợp nhu cầu của những đơn vị có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch tổ chức. Trên cơ sở đó, cơ quan tài chính sẽ tham mưu cân đối nguồn kinh phí cho phù hợp.

Còn các hoạt động khác không có trong lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, nhưng chúng tôi vẫn tổng hợp chung, đưa vào kế hoạch tổ chức thực hiện để tạo động lực cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Có ý kiến cho rằng, người dân Thanh Hóa nhiều nơi còn nghèo, do đó cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc tổ chức lễ kỷ niệm tiết kiệm. Quan điểm của ông thế nào về nhận định trên?

Ông Phạm Duy Phương: Tôi cho rằng, người dân nghĩ như vậy là hợp lý. Nhưng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh người ta còn tổ chức được không lẽ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa lại không tổ chức được à?

Vậy thì đặt lại câu hỏi, có (nên) tổ chức 990 năm danh xưng không? Vấn đề nằm ở chỗ đó.

Theo nhận định của một số Đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, Thanh Hóa nên lồng ghép một số hoạt động trong chuỗi sự kiện trong để tổ chức cùng một thời điểm nhằm tiết kiệm ngân sách. Cơ quan có thẩm quyền có nghĩ tới phương án này?

Ông Phạm Duy Phương: Về quan điểm, điều này là đúng, nhưng không phải cái gì cũng ghép được. Nếu lồng ghép để tổ chức nhiều sự kiện vào một thời điểm cũng cũng phải đảm bảo tính hợp lý và lo-gic.

Tái hiện cảnh Lê Lai cứu chúa trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh tư liệu của Quốc Toản.
Tái hiện cảnh Lê Lai cứu chúa trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh tư liệu của Quốc Toản.

Ví dụ, sự kiện tổng kết đánh giá 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm lại đi ghép với việc triển khai công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ thì không phù hợp. Nó chỉ phù hợp nếu việc tổng kết, đánh giá gắn với việc tôn vinh những người làm công tác du lịch.

Tôi cho rằng, việc thực hiện tổ chức lễ kỷ niệm 990 danh xưng Thanh Hóa không ghép được vào lễ nào khác, bởi về mặt bản chất, đây là một sự kiện lớn có tầm vóc, quy mô, ý nghĩa.

Một sự kiện lớn như vậy mà ghép với một sự kiện tầm thường thì tự nhiên nó sẽ trở nên lạc lõng, buồn cười, khiên cưỡng, thậm chí có thể làm mất đi ý nghĩa chương trình.

Đặc biệtviệc dự kiến bỏ ra hơn 2 tỷ đồng thiết kế mẫu và tặng quà cho đại biểu liệu có quá lớn không, thưa ông?

Ông Phạm Duy Phương: Đây là khoản nằm trong số tiền khái toán được các đơn vị báo cáo lên. Mà nhu cầu thì nó vô cùng lắm!

990 hay 1000 năm, làm gì thì làm nhưng một xu cũng không được lãng phí ảnh 3

Thanh Hóa khái toán 104 tỷ đồng kỷ niệm 990 năm gồm những việc gì?

Dư luận chỉ nhìn thấy số tiền khái toán ban đầu lớn quá mà không hình dung được quy trình về việc thẩm định, sử dụng ngân sách như thế nào?

Sau khi thẩm định kinh phí tổ chức, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo với Tỉnh ủy và đưa ra Hội đồng nhân dân bàn bạc, quyết nghị.

Cho nên chưa thể nói chuyện tổ chức này là lãng phí hay không lãng phí.

Thu, chi ngân sách là cả một vấn đề đòi hỏi tính nguyên tắc, chặt chẽ về quy trình, không thể tùy tiện theo kiểu thích bao nhiêu là chi bấy nhiêu. Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là tổ chức lễ kỷ niệm tiết kiệm, hiệu quả.

Còn việc xã hội hóa để lấy kinh phí thực hiện chuỗi sự kiện hướng tới 990 năm danh xưng Thanh Hóa thì sao, thưa ông?

Ông Phạm Duy Phương: Mục tiêu xã hội hóa nguồn vốn để tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là vấn đề quan trọng, nhưng có những thứ không thể xã hội hóa được.

Một doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra vài tỷ để đầu tư cho lễ kỷ niệm và đổi lấy họ phải được treo lo-go thương hiệu trên băng-rôn để quảng cáo.

Nhưng nếu là quảng cáo “nhạy cảm” mà đính trên băng-rôn trong một lễ kỷ niệm lớn thì anh thấy thế nào? Thậm chí nó còn phi chính trị, phản cảm ấy chứ.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tổ chức chuỗi hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa phải phù hợp với điều kiện

Tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) khai mạc sáng 9/7, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có tờ trình về ngày kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa, nhận định "hồ sơ về ngày tổ chức lễ kỷ niệm 990 xuất hiện danh xưng Thanh Hóa đảm bảo tính khoa học và lịch sử".

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết việc lựa chọn thời điểm để tổ chức kỷ niệm về sự ra đời của danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương sẽ căn cứ trên cơ sở nghiên cứu về cứ liệu lịch sử trực tiếp về sự kiện mà sử sách ghi chép.

"Việc tiến hành kỷ niệm sự kiện trọng đại này cần đặt trong bối cảnh lịch sử của tỉnh; ngày kỷ niệm không trùng với ngày, tháng diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh. Việc tổ chức sự kiện này đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước", tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh nêu.

Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trình Hội đồng nhân dân tỉnh ra nghị quyết lấy Ngày kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa là ngày 8/5 Dương lịch hàng năm; ngày tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029-2019) là ngày 8/5/2019 (tức ngày 4 tháng Tư Âm lịch).

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: "Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa - xã hội.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa phù hợp với điều kiện của tỉnh ta, đảm bảo thiết thực, ý nghĩa, an toàn và tiết kiệm".

DU THIÊN (THỰC HIỆN)