Ấn Độ chuẩn bị đầu tư nhà máy nhiệt điện 1,8 tỷ USD tại Việt Nam

28/10/2014 07:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng.

Trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, chiều 27/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp riêng lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế lớn của nước này là TATA, ESSAR và ILFS và Hãng hàng không Jet Airways đến chào. Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những đóng góp tích cực của các công ty, doanh nghiệp Ấn Độ đối với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Ấn Độ đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực năng lượng, dệt may, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, dược phẩm, chế biến nông sản, hàng không, du lịch... đồng thời khẳng định ủng hộ các tập đoàn và công ty nói trên mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, với tư cách là những nhà đầu tư tiên phong của Ấn Độ vào Việt Nam, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm hiểu và hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước nói riêng và quan hệ hợp tác song phương nói chung.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp của Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ảnh: VGP.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp của Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ảnh: VGP.

Ngay trong tối ngày 27/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Ấn Độ, thu hút đại diện 300 doanh nghiệp hai nước tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo: Tập đoàn TATA và Bộ Công thương Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II trị giá 1,8 tỷ USD. Đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam hiện nay và là tín hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Ấn Độ đến thị trường Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, các thế hệ lãnh đạo tiếp theo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Ngày nay hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị-quốc phòng-an ninh; hợp tác kinh tế; hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa, khoa học công nghệ...

Để nâng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước lên một tầm cao mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần phát huy tối đa các cơ chế song phương và đa phương sẵn có để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư. Đó là triển khai có hiệu quả các Hiệp định hợp tác mà hai bên đã ký kết, như: Hiệp định thương mại, Tránh đánh thuế hai lần, Khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Lãnh sự, du lịch, hàng hải thương mại, dịch vụ hàng không… Đồng thời, hai nước cần phối hợp lợi ích chung trên các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế như WTO, thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Ấn Độ, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, hình thành một thị trường chung với dân số 600 triệu người, có GDP gần 2.500 tỷ USD, có tự do di chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập thị trường ASEAN. Bên cạnh việc thực hiện 8 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam đang đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu EU (EVFTA); với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA); với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA); với Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (có sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản…).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng nền kinh tế hai nước có nhiều nét tương đồng, đồng thời có những thế mạnh riêng, có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau cùng phát triển, cụ thể: Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam trong các ngành như dệt may, da giày, chế tạo máy…, đồng thời đề nghị Ấn Độ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường của Ấn Độ như hàng tiêu dùng, hàng điện tử, nông thủy sản, sản phẩm gỗ... Doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hai bên có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện, dầu khí, chế biến nông thủy sản.

"Việt Nam mong muốn các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ như TATA, IL&FS, ESSAR, GMR tham gia phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác du lịch song phương, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh và du lịch văn hóa…Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ tới kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các bạn", Thủ tướng hẳng định.

Ngọc Quang