BTC Ngày hội mua nhà giá gốc đã “quỵt nợ” như thế nào?

23/09/2011 11:02
Khởi Sự
(GDVN) - Báo điện tử GDVN điểm lại một số vụ việc BTC "Ngày hội mua nhà giá gốc" gây bức xúc cho nhiều chủ đầu tư và khách hàng trong thời gian qua.
Từ hàng loạt đơn thư tố cáo những sai phạm của BTC chương trình "Ngày hội mua nhà giá gốc" gần đây, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam xin điểm lại một số vụ việc do chính những người đại diện tổ chức sự kiện này gây bức xúc cho các chủ đầu tư và cả khách hàng trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị CP truyền thông Asean C&C (đơn vị tổ chức "Ngày hội mua nhà giá gốc". (Ảnh: Đức Kế)
Ông Nguyễn Trung Thành  - Chủ tịch Hội đồng quản trị CP truyền thông Asean C&C (đơn vị tổ chức "Ngày hội mua nhà giá gốc". (Ảnh: Đức Kế)
1. Điệp khúc “hẹn, hẹn và hẹn”

“Cách làm việc thông thường của họ là cứ hẹn và hẹn. Sau nhiều lần đi lại, có lần họ chỉ thanh toán cho chúng tôi 5 (năm) triệu đồng”, ông Nguyễn Văn Phóng - PGĐ Công ty TNHH Bách Phương bức xúc khi nhắc về việc nợ tiền mua máy tính của Công ty CP NTC Việt Nam do ông Nguyễn Trung Thành  - Chủ tịch Hội đồng quản trị CP truyền thông Asean C&C (đơn vị tổ chức "Ngày hội mua nhà giá gốc") - làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ông Phóng cho biết: Tháng 8/2008, Công ty CP NTC Việt Nam (gọi tắt là NTC) ký hợp đồng mua lô hàng máy tính xách tay trị giá 203,900,000 đồng của Công ty TNHH Bách Phương. Theo điều khoản hợp đồng, phía NTC phải thanh toán nốt số tiền 80% còn lại của hợp đồng sau 05 ngày kể từ ngày bàn giao hàng hóa.
Ảnh chụp màn hình trang web www.ntcvietnam.net thời điểm năm 2009, trong ảnh là ông Nguyễn Trung Thành, hiện nay trang web www.ntcvietnam.net đã đóng cửa. (Ảnh gửi kèm đơn tố cáo).
Ảnh chụp màn hình trang web www.ntcvietnam.net thời điểm năm 2009, trong ảnh là ông Nguyễn Trung Thành, hiện nay trang web www.ntcvietnam.net đã đóng cửa. (Ảnh gửi kèm đơn tố cáo).

Tuy nhiên, ngày 21/8/2008, Công ty Bách Phương giao hàng và hai bên đã ký biên bản giao nhận hàng nhưng NTC lại không thanh toán đúng như cam kết. “Họ cũng không nói không trả, mà cứ hẹn và hẹn. Sau nhiều lần đi lại, có lần họ chỉ thanh toán cho chúng tôi chỉ 5 (năm) triệu đồng” – ông Phóng nói.

Đến tháng 6/2009, xét thấy không thể thương lượng với NTC, đại diện Công ty Bách Phương gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm (Hà Nội) với mong muốn đòi nốt số tiền còn lại (tính cả lãi là 60,123,000 đồng).

Tiếp đó, ngày 14/8/2009, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 04/2009/QĐST-DS, theo đó phía NTC (do ông Nguyễn Huy Du làm đại diện ủy quyền) phải trả cho Công ty Bách Phương số tiền trên vào ngày 15/12/2009.

Mặc dù vậy, theo đại diện của Công ty Bách Phương: Phía NTC vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyết định.



“Qua cơ quan thi hành án chúng tôi được biết, rất khó để thi hành quyết định trên vì khó xác định được tài sản của NTC. Chúng tôi cũng đã cùng cơ quan thi hành án thu nợ bằng tài sản của NTC gồm một số ghế ngồi nhân viên, một số CPU máy tính cũ, trị giá của đợt thu hồi nợ khoảng 20 triệu đồng. Đến nay, số tiền phía NTC còn nợ chúng tôi khoảng 40 triệu đồng vẫn chưa thể thu hồi được”, ông Phóng lắc đầu nói.

2. “Cảnh giác với những ông chủ Công ty CP NTC Việt Nam"

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra – Bộ Công An, anh Dương Xuân Chung - hiện đang làm việc cho Công ty TNHH Dịch vụ băng đĩa Tín Nghĩa cho biết: “Mặc dù đã nhờ nhiều người, nhiều đơn vị đứng ra thu hồi nợ nhưng ông Thành, ông Du, ông Thắng rất liều lĩnh nên công ty chúng tôi quyết định không tìm mọi cách để thu hồi mà chỉ tiến hành thông báo trên một số diễn đàn và bạn bè để mọi người cảnh giác với hoạt động của những người này”.
Nhiều đơn thư nhắc nhở mọi người cảnh giác với các ông Thành - Du - Thắng (trong ảnh là Nguyễn Trung Thành (bên trái), và Nguyễn Huy Du (giữa) - Ảnh gửi kèm đơn tố cáo).
Nhiều đơn thư nhắc nhở mọi người cảnh giác với các ông Thành - Du - Thắng (trong ảnh là Nguyễn Trung Thành (bên trái), và Nguyễn Huy Du (giữa) - Ảnh gửi kèm đơn tố cáo).
Theo đơn trình báo của anh Chung, vào ngày 10/6/2010, Công ty CP NTC Việt Nam do ông Nguyễn Trung Thành làm Tổng giám đốc, ông Tạ Văn Thắng là giám đốc, ông Nguyễn Huy Du là kế toán, có ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ băng đĩa Tín Nghĩa khi đặt mua đĩa CD với tổng giá trị hợp đồng là 27 triệu đồng. Trong đó, NTC tạm ứng trước 7 triệu đồng.

“Sau khi công ty tôi bàn giao hàng hóa đầy đủ vào ngày 23/6/2010, Công ty CP NTC nhận hàng và hẹn 1 tuần sau sẽ thanh toán số tiền còn lại là 20 triệu đồng. Sau 1 tuần, ngày 30/6/2010, tôi có đến làm thủ tục thanh toán số tiền còn lại thì Công ty CP NTC, đại diện ký hợp đồng là ông Tạ Văn Thắng đã tránh mặt, không gặp tôi trong suốt 1 tháng”, anh Chung bày tỏ.

Cũng theo thông tin từ anh Chung, sau đó anh đã liên hệ và gặp ông Nguyễn Huy Du (tự nhận là CEO tiếp quản công việc của ông Thắng, đồng thời là kế toán quản lý tài chính của công ty), ông Du hứa sẽ thanh toán số tiền này sau 1 tháng. Mặc dù vậy, đến thời gian thanh toán, ông Du lại biến mất, “gọi điện thoại không liên lạc được, đến công ty thì đóng cửa, không ai tiếp”.
Đơn tố cáo ủa anh Chung gửi các cơ quan chức năng về hành vi gian dối trong làm ăn của Công ty CP NTC.
Đơn tố cáo ủa anh Chung gửi các cơ quan chức năng  về hành vi gian dối trong làm ăn của Công ty CP NTC.

“Từ đó đến nay, dù đã nhiều lần liên hệ và gặp ông Thắng, ông Du nhưng không ai chịu trả tiền, mỗi lần gặp đều có ý hăm dọa, đe không trả tiền, thách công ty tôi làm gì được” – anh Chung cho biết.

Do đó, dù đã nhờ nhiều người, nhiều đơn vị đứng ra thu hồi nợ nhưng cho tới nay, Công ty băng đĩa Tín Nghĩa cũng chỉ “dám” tiến hành thông báo trên một số diễn đàn và bạn bè để mọi người cảnh giác, chứ không dám thu hồi tiền bằng mọi giá.

3. Đi đòi nợ bị dọa chém

Theo đơn tố cáo của ông Trần Khắc Tiến - Giám đốc Công ty CP sản xuất TM & Đầu tư Hương Việt: Ngày 17/12/2008, Công ty CP NTC do ông Nguyễn Trung Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ) đứng tên chủ tài khoản cùng ông Tạ Văn Thắng (Phó GĐ) ký hợp đồng mua của Công ty Hương Việt lô hàng máy tính trị giá 142.500.000 đồng.
Ông Trần Khắc Tiến, Giám đốc Công ty CP sản xuất TM & Đầu tư Hương Việt - người đã từng bị BTC "Ngày hội mua nhà giá gốc" dọa chém bằng một thanh kiếm dài (Ảnh: Khởi Sự).
Ông Trần Khắc Tiến, Giám đốc Công ty CP sản xuất TM & Đầu tư Hương Việt - người đã từng bị BTC "Ngày hội mua nhà giá gốc" dọa chém bằng một thanh kiếm dài (Ảnh: Khởi Sự).

Trong hợp đồng ghi rõ ngày thanh toán chậm nhất là 15/01/2009, tuy nhiên khi đến hạn thanh toán, Công ty NTC đã không thanh toán.

“Công ty chúng tôi cũng đã nhiều lần đi lại tiến hành đòi nợ, tuy nhiên, sau rất nhiều lần lẩn tránh và sử dụng bảo vệ vận quần áo rằn ri dằn mặt nhân viên của tôi, ông Thành và ông Thắng cương quyết không trả mà còn vác thanh kiếm dài khoảng 1m dọa chém tôi và nhân viên… Mặt khác, ông Thành còn nói: Bây giờ tao không còn tiền, chỉ có máu thôi, mắt nó long lên đe dọa, nên tôi và nhân viên sợ quá không dám đe dọa nữa” – trong đơn thư, ông Tiến đghi rõ.

Tính tới thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm ròng rã đòi nợ, ông Nguyễn Trung Thành vẫn chưa thanh toán cho Công ty Hương Việt số tiền nợ còn lại.

“Vì vậy, tôi viết đơn này tố cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền chức năng phải tiến hành điều tra và xử lý nghiêm minh, ngăn chặn hành vi lừa đảo có hệ thống của tên Thành và đồng bọn", ông Tiến nhấn mạnh.

4.  Lừa học sinh miền núi mở lớp''thanh tra xây dựng''

Năm 2004, trong lúc thí sinh cả nước bước vào kỳ thi ĐH, một số người miền núi chắt chiu số tiền ít ỏi đã đóng học phí theo lời mời chào đăng ký thi tuyển vào ngành “thanh tra xây dựng” của Công ty CPTM và công nghệ Thành Phát (sau này là Công ty cổ phần điện tử viễn thông Quốc gia NTC).

Trong lá đơn thống thiết, tập thể lớp Xây dựng 1, khóa 22 của trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị (CĐXĐCTĐT, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) ký tên gửi đến báo điện tử Vietnamnet có viết: “Chúng em phần lớn là con em dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, nông thôn... đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ tháng 1- 3/2004, chúng em có nhận được thông báo tuyển sinh đào tạo lớp thanh tra kỹ thuật xây dựng của Công ty cổ phần thương mại và công nghệ Thành Phát (sau này là Công ty cổ phần điện tử viễn thông Quốc gia NTC, địa chỉ tại phòng 203 nhà CT4B chung cư Bắc Linh Đàm, Hà Nội).

Đến khi tới trường nhập học, chúng em mới biết là trường không đào tạo ngành Thanh tra xây dựng mà chỉ có công nhân xây dựng”.
Đơn kiến nghị, tài liệu chiêu sinh và danh sách 31 học sinh đang mỏi mòn với ước mơ thành "thanh tra xây dựng" không có thực (Ảnh: VNN).
Đơn kiến nghị, tài liệu chiêu sinh và danh sách 31 học sinh đang mỏi mòn với ước mơ thành "thanh tra xây dựng" không có thực (Ảnh: VNN).

Trước đó, các học viên tin tưởng vào lời hứa của Thành Phát “đảm bảo sắp xếp việc làm cho học viên với mức lương tối thiểu từ 1,5 - 3,5 triệu đồng”. Nội dung đào tạo theo thông báo nhằm “Thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo số 79 HĐNT-LKĐT” giữa Công ty Thành Phát và Trường Trung học Kỹ thuật xây dựng Hà Nội, chương trình đào tạo "theo giáo trình mới nhất" của Bộ Lao động thương binh xã hội.

Trước ngày 12/3/2004, hàng chục em học sinh đã “dắt díu” nhau đến văn phòng Công ty Thành Phát nộp tiền nhập học khóa đào tạo “Thanh tra xây dựng”. Mỗi em phải đóng  từ 2.200.000 - 2.974.000 đồng, trong đó học phí công ty quy định 220.000 đồng/tháng, kèm các khoản tiền khác. Nhiều gia đình đã phải vay mượn, bán trâu, bán lợn đi để lấy tiền cho con theo học ở Hà Nội.

Nhưng ngay sau khi khai giảng, nhà trường đã có công văn chính thức thông báo với các học viên và một số địa phương, khẳng định: Trường không có chức năng đào tạo “nghiệp vụ Thanh tra xây dựng”.

Chán ngán, nhiều học sinh đã bỏ về quê, đề nghị công ty trả lại số tiền đã nộp. Tuy nhiên, có trường hợp công ty hẹn sau 1 tháng quay lại sẽ trả. Đến khi từ quê ra Hà Nội “đòi” tiền thì công ty lại “hẹn lần khác”.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Như Bình trường CĐXĐCTĐT cho biết: “Chúng tôi chỉ ký kết hợp đồng với Công ty NTC đào tạo công nhân kỹ thuật xây dựng… Họ đã lợi dụng danh nghĩa trường chúng tôi. Trường CĐXDCTĐT không có chức năng đào tạo nghiệp vụ Thanh tra xây dựng”.

5. Đấu giá bộ tứ linh, từ 20 triệu thổi giá thành triệu USD

Trong cuộc đấu giá từ thiện hướng về miền Trung đêm 11/11/2010 diễn ra tại TP.HCM, có 4 hiện vật là bức tranh đá quý, chiếc trống đồng, viên đá ruby nặng 10kg và bộ Tứ linh hội tụ... đều lần lượt được đấu giá. Nhưng cả 4 vật quý trên đều không được người trúng đấu giá bỏ tiền ra mua từ sau khi đêm hội kết thúc.

Trong đó, Công ty gốm sứ Bảo Long đấu trúng bộ Tứ linh với giá 47,9 tỷ đồng nhưng cũng từ chối bỏ tiền ra mua món hàng trên!

Ông Võ Ngọc Hà - chủ nhân bộ Tứ linh cho rằng, trước khi Công ty CP Truyền thông Asean C&C quản lý bộ Tứ linh, giữa ông và đơn vị này đã có bản sao hợp đồng và giá gốc của bộ Tứ linh là 1 triệu USD. Sau đó, trong cuộc họp báo và trong đêm đấu giá, nó được hô khởi điểm là 2 triệu USD, tương đương 40 tỷ đồng.
Bộ tứ linh được thổi giá triệu đô, đấu giá làm từ thiện nhưng tiền chênh lệch rơi vào túi ai? (Ảnh: TP0)
Bộ tứ linh được thổi giá triệu đô, đấu giá làm từ thiện nhưng tiền chênh lệch rơi vào túi ai? (Ảnh: TP0)
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông ASEAN C&C khẳng định với Vietnamnet: “Mục đích của việc đấu giá này là làm từ thiện, quảng bá hình ảnh đơn vị chứ không phải để làm kinh tế”.

Nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi: Khoản chênh 1 triệu USD (giữa giá gốc của chủ sở hữu và giá khởi điểm của công ty ông Thành) rơi vào túi ai?

Ông giải thích: “2 triệu USD là giá khởi điểm đưa ra khi chúng tôi được thông báo rằng đêm hội có rất nhiều doanh nhân tham dự, chúng tôi muốn số tiền thu về dành cho đồng bào vùng lũ được nhiều hơn".

Thế nhưng, không thấy ông Thành cộng khoản chênh lệch 1 triệu USD này (tương đương 20 tỷ đồng) sẽ “san sẻ” cho miền Trung như thế nào?

Bên cạnh đó, dư luận lại bùng lên những thông tin mới về giá trị thực của bộ Tứ linh. Đang được mặc định 2 triệu USD, bỗng nhiên có người lại thông tin rằng: Nó chỉ được chủ nhân mua lại 20 triệu đồng, sau đó tút sửa lại cho ra hình dáng Long- Ly- Quy- Phụng mà thôi.

Như vậy, có thể thấy, ở thương vụ đấu giá này vật phẩm ít giá trị gặp phải những doanh nghiệp không coi trọng giá trị của chữ tín.

Từ hàng loạt vụ việc tố cáo lần này, khách hàng và nhà đầu tư có thêm cái  nhìn đa chiều hơn về những người  đứng ra tổ chức chương trình "Ngày hội mua nhà giá gốc"  đang rất được dư luận quan tâm.




Trong cuộc điện thoại ngoài lề với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, một thành viên của BTC “Ngày hội mua nhà giá gốc” cho rằng: Trên đây chỉ là những thiếu sót không thể tránh trong quá trình kinh doanh. Hiện tại, phóng viên giaoduc.net.vn đã liên hệ với người đại diện của BTC “Ngày hội mua nhà giá gốc” mong muốn được lắng nghe những giải thích chính thức liên quan tới những đơn thư tố cáo này. Thông tin phản hồi sẽ được gửi tới độc giả trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!

Khởi Sự