Bà Bùi Thị An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải quyết dứt điểm các sự cố BOT

17/01/2018 06:24
Lại Cường
(GDVN) - Với điệp khúc thu – xả - thu rồi lại xả tại một số trạm BOT thời gian qua cho thấy Bộ Giao thông Vận tải chưa tìm được giải pháp xử lý tận gốc vấn đề này.

Không chỉ BOT Cai Lậy, từ đầu tháng 1 năm 2018 đến nay, một số trạm BOT trên dọc tuyến quốc lộ 1 liên tục xảy ra việc phản ứng của các tài xế.

Một số trạm BOT như Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh An, Cầu Rác, Quảng Bình, Tam Kỳ, Bình Định đến Đồng Nai, Bình Thuận... liên tục xảy ra những căng thẳng leo thang, tình hình trật tự an ninh xã hội tại các trạm này có diễn biến phức tạp.

Thiệt hại do ùn tắc nhiều giờ tại các trạm BOT này rõ ràng không hề nhỏ.

Các cơ quan chức năng của ngành Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc.

Tuy nhiên, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, rất nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp nhằm xoa dịu từ chính quyền, chủ đầu tư như giảm giá vé, miễn phí cho dân quanh trạm ở BOT Sóc Trăng hay BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang... đều không phải là giải pháp căn cơ.

Trạm BOT Phụng Hiệp -Cần Thơ cũng bị tài xế phản ứng. ảnh: TTXVN.
Trạm BOT Phụng Hiệp -Cần Thơ cũng bị tài xế phản ứng. ảnh: TTXVN.

Sự phản kháng của cánh tài xế và cả một bộ phận người dân đang có xu hướng lan truyền từ trạm này sang trạm khác cho thấy Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư và chính quyền địa phương đang lúng túng trong việc giải quyết dứt điểm hiện trạng trên.

Cần cái nhìn thấu đáo

Bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội Việt Nam khoá 13 cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá lại những giải pháp đã áp dụng. Vì sao đã có biện pháp rồi nhưng tình hình vẫn không thể cải thiện?

Trước hết phải khẳng định BOT là cần thiết, thực tế là hệ thống cơ sở hạ tần của chúng ta đã có những tiến bộ khi chủ trương này đi vào cuộc sống.

Thế nhưng cách quản lý cũng cần phải xem xét kỹ. Theo bà An, việc quản lý phải đạt được sự hài hòa giữa người dân, nhà đầu tư và nhà nước.

Để tình trạng các trạm BOT xảy ra liên tục sự phải đối như vừa qua, rõ ràng các giải pháp mà bộ Giao thông Vận tải đưa ra chưa đi vào cuộc sống của người dân.

Bà Bùi Thị An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải quyết dứt điểm các sự cố BOT ảnh 2Cái gì đã độc quyền như chỉ định thầu đều dễ dẫn đến sai lầm

“Cá nhân tôi không ủng hộ những người đấu tranh tại BOT mà vi luật, vô nguyên tắc nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng cần xem lại, nếu người dân vẫn phản đối thì rõ ràng giải pháp đó không hợp lý.

Nếu giải pháp đưa ra chỉ nhấn mạnh một phía thì rõ ràng khó nhận được sự đồng thuận”, bà  An nhấn mạnh.

Bà An cho rằng: “Như đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về vấn đề Chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải cần hành động quyết liệt hơn, những giải pháp đưa ra như thời gian vừa không giải quyết được triệt để vấn đề.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ quản lý trong lĩnh vực Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm đưa ra giải pháp tổng thể giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại hơn là cứ đi đối phó với tình thế.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và ngành Giao thông Vận tải nhìn nhận thấu đáo để có một giải pháp tổng thể, khắc phục triệt để câu chuyện BOT, thay vì cứ giải quyết như một số giải pháp không mang lại hiệu quả như vừa qua", bà An nói.

Nên xem lại về vai trò của quỹ bảo trì đường bộ

Bày tỏ quan điểm với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn QuangToản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường Bộ, Trường Đại Học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần một giải pháp căn cơ hơn là xử lý từng trạm một như vừa qua.

Theo ông Toản, trước tiên, cần nói về quỹ bảo trì đường bộ và tuyên bố của Bộ Giao thông Vận tải thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng. Lúc đó Bộ Giao thông Vận tải tuyên bố những gì làm bằng ngân sách thì sẽ không thu phí.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn QuangToản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường Bộ, Trường Đại Học Giao thông vận tải Hà Nội (Ảnh: Giaoduc.net.vn)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn QuangToản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường Bộ, Trường Đại Học Giao thông vận tải Hà Nội (Ảnh: Giaoduc.net.vn)

Lúc đó, ông Thăng cũng lên truyền hình với tư cách Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã cho rằng phí bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện dùng để bảo trì cho quốc lộ, đường địa phương do ngân sách nhà nước đầu tư. Còn phí thu qua trạm BOT dùng để hoàn vốn và bảo trì toàn bộ phần đường thuộc dự án BOT đó.

Như vậy, một số dự án BOT nằm trên đường quốc lộ 1, đây là con đường nhà nước đã làm bằng ngân sách nên việc các tài xế phản ứng và cho rằng có họ đã đóng phí thì họ cũng có cái lý của họ.

Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải đã từng dỡ một số trạm BOT khi có quỹ bảo trì đường bộ. Những giải pháp này lúc đó người dân không hề có ý kiến gì.

Tuy nhiên, với việc thực hiện tràn lan các dự án BOT giao thông đường bộ trong khi chưa có cơ sở pháp lý, chưa có các khâu duyệt, đánh giá, đấu thầu… dẫn tới sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở nhiều nơi.

Thực tế những cảnh báo về sự cố trong đầu tư BOT giao thông đã được nêu ra nhiều năm trước nhưng không được Bộ Giao thông Vận tải xử lý dứt điểm, và cho đến tận bây giờ khi có phản ứng của người dân thì vẫn đang áp dụng giải pháp tình thế như xả trạm, giảm giá vé...

Nếu cư như vậy, Tiến sĩ Toản cho rằng không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của BOT.

Theo Tiến sĩ Toản: "Vấn đề cốt lõi vẫn phải làm minh bạch, cụ thể, nghĩa là thu cái nào của BOT thôi, còn cái nào mà dùng quỹ bảo trì để chữa đường thì nhất định không thu.

Nếu một số điểm bức xúc khó giải tỏa, các nhà đầu tư chỉ sửa chữa đường chứ không xây mới, Bộ Giao thông Vận tải cần sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ mua lại BOT đó.

Đó cũng coi như việc huy động sức dân một lần nữa để sửa chữa đường xá, phục vụ chính lợi ích của người dân".

Lại Cường