Bản lĩnh của nữ doanh nhân Mai Kiều Liên

21/02/2018 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Hơn 30 năm qua, mỗi bước đi của Vinamilk từ gian khó rồi trở thành người khổng lồ của ngành sữa đều có dấu ấn rất đậm của nữ doanh nhân Mai Kiều Liên.

Khi bà Mai Kiều Liên về làm việc tại Vinamilk vào tháng 8/1976, công ty còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thiếu thốn về máy móc thiết bị, công nhân kỹ thuật, nguyên liệu…

Sau nhiều năm không ngừng nỗ lực, bà Mai Kiều Liên được tín nhiệm ở vị trí Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc. Nhưng trong suốt giai đoạn ấy, từ những năm 80 cho tới đầu những năm 90 thế kỷ XX, tình hình sản xuất của Vinamilk gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn bộ hệ thống dây chuyền, máy móc cũ kỹ lạc hậu, phụ tùng thiếu thốn, nguyên liệu sản xuất không có, sữa sản xuất ra không thể cạnh tranh được với sữa nhập khẩu.

Đứng trước những khó khăn đó, Vinamilk chủ động tìm lối đi cho mình. Để phát huy sức mạnh tập thể ở vai trò “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk đã đi đầu phát động phong trào thi đua sáng tạo.

Thông qua nhiều con đường, từ năm 1990 Vinamilk đã tiến hành mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn lan trên thị trường.

Thời điểm đó ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đứng trước một khó khăn lớn là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập của nước ngoài. Đó là điều mà bà Mai Kiều Liên luôn day dứt và quyết tâm phải tháo gỡ - đó là tiền đề để Vinamilk tạo nên “cuộc cách mạng trắng” từ năm 1991.

Vinamilk đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước.

Như bà Liên từng chia sẻ: "Cơ hội kinh doanh luôn hiện diện, nếu thị trường đã đầy đủ thì tìm ngách mà đi, tức là né những cái đối thủ đang có. Nếu những cái họ có mà mình làm tốt hơn thì vẫn có cơ hội".

Bà Mai Kiều Liên - Thuyền trưởng xuất sắc đưa Vinamilk vượt qua nhiều gian khó, trở thành người khổng lồ của ngành sữa Việt Nam.
Bà Mai Kiều Liên - Thuyền trưởng xuất sắc đưa Vinamilk vượt qua nhiều gian khó, trở thành người khổng lồ của ngành sữa Việt Nam.

Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015), cho sản lượng sữa 200.000 tấn/năm, chủ động được 50% nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng.

Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá, nhưng không có tiền mua, Vinamilk đã bảo lãnh cho vay vốn để mua. Tính nhân văn thể hiện ngay trong chiến lược phát triển của Vinamilk.

Hệ quả là suốt quá trình đổi mới từ 1991 cho đến trước cổ phần hóa 2003, với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua “Cuộc cách mạng trắng” kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Vinamilk đã chiếm thị phần trong nước 45%, trong đó sữa đặc chiếm 75%; sữa tươi 53%; sữa chua các loại 90% và sữa bột 25%.

Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thắng thầu nhiều lần bằng các lợi thế của chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thực hiện hợp đồng cho các đối tác.

Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm Vinamilk, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia đã góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 200 triệu USD/năm, tăng gấp 2 lần  so năm 2014.

Đến nay Vinamilk đã có 13 nhà máy trên khắp Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia, 02 văn phòng tại Ba Lan và Thái Lan, 10 trang trại bò sữa quy mô công nghiệp, xây dựng nên một thương hiệu vững mạnh tại Việt Nam và đặt những dấu ấn đầu tiên trên thị trường thế giới. Năm 2017 vừa qua, Vinamilk đạt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 4.200 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn ngành sữa nước của Vinamilk vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường toàn quốc với hơn 50% thị phần và sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong phân khúc nhóm các nhãn hiệu sữa tươi từ năm 2015 đến nay (Nielsen 8/2017).

Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Hệ thống bán hàng của Vinamilk tỏa rộng khắp cả nước trong cả 3 hình thức phân phối là bán buôn, bán lẻ (240.000 điểm bán lẻ) và cửa hàng phân phối trực tiếp (575 cửa hàng). Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị lớn nhỏ và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Với thành tích kinh doanh nổi trội, trong năm 2017 Vinamilk đã vinh dự được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 2.000 công ty niêm yết xuất sắc nhất thế giới (GLOBAL2000) và là công ty duy nhất trong lĩnh vực Thực phẩm và đồ uống của châu Á ghi tên vào TOP10 của danh sách ASIA 300 của tạp chí tài chính Nikkei Nhật Bản. Giá trị thương hiệu của Vinamilk được Forbes Việt Nam định giá hơn 1,7 tỷ đô la Mỹ, đứng đầu danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong hai năm liên tiếp 2016, 2017.

Nếu trong các năm trước Vinamilk đẩy mạnh đầu tư, tìm kiếm các cơ hội mở rộng tại nước ngoài như mua lại nhà máy sữa Driftwood tại Mỹ, đầu tư vào nhà máy Miraka tại New Zealand, xây dựng nhà máy sữa Angkormilk tại Campuchia thì năm 2017 Vinamilk bất ngờ đầu tư vào ngành đường và dừa trong nước.

Vinamilk đã mua lại 65% cổ phần của công ty cổ phần đường Khánh Hòa và đổi tên thành công ty cổ phần đường Việt Nam nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình, chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Nhiều người cho đây là một quyết định táo bạo bởi thời gian vừa qua ngành đường vốn làm ăn chẳng khấm khá gì, nhưng theo chia sẻ của bà Mai Kiều Liên: “Vinamilk từ mấy chục năm nay đã muốn tham gia vào ngành đường. Giống như nguồn nguyên liệu sữa tươi của bà con chăn nuôi bò sữa, đường cũng là nguyên liệu đầu vào có số lượng lớn của Vinamilk”.

Đây không chỉ được xem là cái bắt tay đầy tính chiến lược giữa hai doanh nghiệp lâu đời trong ngành thực phẩm Việt Nam mà với sự đầu tư và kinh nghiệm quản trị tiên tiến của Vinamilk, sự hợp tác này còn mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, từng bước giúp cho người nông dân trồng mía nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

Nếu như thương vụ đầu tư vào Đường Khánh Hòa được cho là để đảm bảo khâu cung ứng, hỗ trợ ngành sữa thì việc đầu tư mua lại 25% công ty cồ phần chế biến Dừa Á Châu vào tháng 12/2017 lại nằm trong chiến lược mở rộng sản phẩm của Vinamilk, giúp công ty chủ động cà đầu vào lẫn đầu ra và liên tục cung cấp cho người tiêu dùng trong, ngoài nước các sản phẩm dinh dưỡng, chất lượng quốc tế.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Sữa Việt Nam của Vinamilk – một trong những siêu nhà máy hiện đại nhất thế giới.
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Sữa Việt Nam của Vinamilk – một trong những siêu nhà máy hiện đại nhất thế giới.

Tiếp tục dẫn đầu xu hướng organic trong ngành sữa

Sau khi ra mắt dòng sữa tươi Vinamilk organic cao cấp vào cuối năm 2016 và được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao, vào tháng 3/2017, Vinamilk đã khánh thành trang trại bò sữa hữu cơ tại Đà Lạt, đây cũng là trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu do tổ chức Control Union (Hà Lan) khảo sát và chứng nhận. Trang trại có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, với quy mô đàn ban đầu hơn 500 con và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Gần đây nhất, Vinamilk tiếp tục cho ra sản phẩm sữa chua Organic cao cấp ít đường được lên men tự nhiên từ chủng men Bulgaricus nổi tiếng và được sản xuất từ nguồn sữa tươi organic “3 không”: không biến đổi gen; không sử dụng hormone tăng trưởng; không dư lượng kháng sinh.

Đúng như lời khẳng định của bà Mai Kiều Liên: “Nâng cao chất lượng dinh dưỡng của người Việt với các sản phẩm organic cao cấp từ thiên nhiên là chiến lược đầu tư nghiêm túc và tư duy lâu dài của Vinamilk”.

Trang trại organic tại Lâm Đồng, Đà Lạt – Trang trại Organic tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam.
Trang trại organic tại Lâm Đồng, Đà Lạt – Trang trại Organic tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam.

Luôn luôn kiên trì định hướng đột phá và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, Vinamilk đã vượt qua các vòng kiểm tra chất lượng gắt gao, vinh dự là thương hiệu quốc gia được lựa chọn để cung cấp các sản phẩm sữa, sữa chua và đồ uống phục vụ cho Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam.

Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty (bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết) lên tới hơn 120.000 con, với sản lượng khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi.

Mỗi năm có khoảng 8 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhà máy sữa bột Việt Nam mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột còn nhà máy sữa Việt Nam (Mega factory) thì có công suất 400 triệu lít sữa nước/năm và đang trong giai đoạn mở rộng qua giai đoạn 2 với công suất nâng lên gấp đôi, đạt 800 triệu lít sữa/năm.

Chia sẻ thành công với cộng đồng

Trong 41 năm phát triển, Vinamilk luôn đặt tâm huyết vào các hoạt động phát triển cộng đồng, đóng góp cho xã hội bên cạnh việc tâp trung kinh doanh, sản xuất.

Trong số ấy phải kể tới chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc - Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” được thành lập từ năm 2008, Vinamilk đã trao tặng hàng chục triệu ly sữa bổ dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước, góp phần giúp các em có được cơ hội phát triển toàn diện hơn về thể chất và trí tuệ để có một tương lai tươi sáng hơn.

Riêng năm 2017, Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đã trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cả nước1,4 triệu ly sữa trị giá 9 tỷ đồng. Như vậy, sau gần 10 năm, đã có khoảng 31,5 triệu ly sữa, tương đương gần 130 tỷ đồng được trao cho 400.000 trẻ em nghèo trên toàn quốc.

Vinamilk tặng hàng chục triệu ly sữa cho trẻ em nghèo trên cả suốt trong suốt 10 năm qua.
Vinamilk tặng hàng chục triệu ly sữa cho trẻ em nghèo trên cả suốt trong suốt 10 năm qua.

Bên cạnh chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, Vinamilk còn là đơn vị tiên phong và thường xuyên triển khai các chương trình Sữa học đường tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hoà, Đà Nẵng… với tổng số lượng học sinh được thụ hưởng từ chương trình là khoảng 500 ngàn học sinh, tương đương 100 tỷ đồng trong suốt 10 năm tính từ năm học 2006-2007 đến nay.

Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đầu tiên thực hiện chương trình Sữa học đường trên cả nước, đã thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc trẻ em của tỉnh. Tiêu biểu như tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ mức 25% (2006) xuống còn 4,6% (2016); trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 10,6% (2012) xuống còn 2,8% (2016).

Bên cạnh đó, Vinamilk còn tham gia Quỹ 1 triệu cây xanh dành cho Việt Nam, mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các tỉnh, thành phố, cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam. Trong vòng 5 năm tính từ năm 2012 đến nay, chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã tổ chức trồng cây tại hơn 20 tỉnh thành trên toàn quốc với tổng số gần 480.722 cây xanh các loại có giá trị gần 7 tỷ đồng.

Đặc biệt, hơn 10 năm nay, Vinamilk còn ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo gần 5 tỷ đồng để thực hiện các ca mổ tim bẩm sinh cho trẻ em. Năm 2017, Vinamilk còn ủng hộ người dân vùng lũ lụt miền Trung và miền Bắc 3,4 tỷ đồng, phụng dưỡng nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam, Bến Tre…

Vinamilk cũng đã thành lập các trung tâm tư vấn dinh dưỡng sức khỏe trên cả nước, khám và cung cấp sữa miễn phí hàng năm cho hàng ngàn lượt trẻ em, học sinh tiểu học và đối tượng suy dinh dưỡng…

Với những gì đã cống hiến đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn hàng đầu Việt Nam, thật dễ hiểu khi bà Mai Kiều Liên được rất nhiều các tổ chức uy tín trong và ngoài nước vinh danh. Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ CNBC đã ví von, ca ngợi CEO Vinamilk Mai Kiều Liên là “nữ hoàng sữa” và “Margaret Thatcher của Việt Nam”.

Còn Tạp chí Forbes thì vinh danh bà là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Ngọc Quang