Báo cáo 7 trang của Cục Hàng không nói gì về sân bay Tân Sơn Nhất?

03/12/2015 11:06
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo dài 7 trang gửi Bộ GTVT về tình trạng dịch vụ cũng như hạ tầng xuống cấp của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, dịch vụ kém

Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vân tải, Cục Hàng không đánh giá sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã khai thác vượt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, năm 2015 lượng khách là 26 triệu người.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, trong những năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải “chịu đựng” công suất 30 triệu hành khách/năm.

"Mức tối đa có thể khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất có thể là 32 triệu lượt hành khách/năm, chúng tôi đang mong có thể lên được 35 triệu lượt khách/năm. Đây là sức ép rất lớn đối với hoạt động khai thác dịch vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất", Báo cáo của Cục Hàng không nhận định.

Từ vấn đề quá tải dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, Cục Hàng không đánh giá Tân Sơn Nhất còn nhiều tồn tại, như hệ thống wifi miễn phí tốc độ quá yếu, chất lượng sóng còn thấp và gần như không sử dụng được; tần suất phát thanh trong các nhà ga hành khách còn cao, gây ô nhiễm tiếng ồn; chất lượng nhà vệ sinh trong các khung giờ cao điểm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất lọt vào top 10 sân bay tệ nhất châu Á do trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports bình chọn. Ảnh minh họa.
Năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất lọt vào top 10 sân bay tệ nhất châu Á do trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports bình chọn. Ảnh minh họa. 

Thông tin trên chinhphu.vn cho biết thêm, báo cáo nêu rõ, nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất không đáp ứng các yêu cầu về diện tích mặt bằng đối với khu vực làm thủ tục, không gian lưu thông tối thiểu, khu vực chờ tại cửa ra tàu bay cho hành khách vào giờ cao điểm theo thực tế khai thác của nhà ga.

Có hiện tượng ùn ứ hành khách tại khu vực làm thủ tục hành khách đi của hãng VietJet Air vào giờ cao điểm. Nguyên nhân được Cục Hàng không chỉ ra là do khu vực làm thủ tục an ninh hàng không cho hãng VietJet Air chỉ có 3 cửa soi chiếu an ninh (trong đó có 1 cửa dành cho hành khách diện ưu tiên), hệ thống chỉ dẫn chưa phù hợp và diện tích dành cho hành khách xếp hàng tại khu vực làm thủ tục an ninh hàng không nhỏ, bố trí chưa hợp lý.

Khu vực cách ly ga đi trong nước có nhiều ghế ngồi bị bong rách đệm gây mất mỹ quan và ảnh hưởng chất lượng dịch vụ hành khách, cần được khắc phục.

Tại nhà ga hành khách quốc tế, hiện chưa có quầy nước uống miễn phí, chưa có sóng wifi, thiếu dịch vụ ăn uống thiết yếu tại khu vực khách chờ nối chuyến tại sảnh đến nhà ga hành khách quốc tế. Khoảng cách giữa khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh và an ninh hàng không tương đối hẹp, không đủ diện tích cho hành khách xếp hàng tại khu vực thủ tục an ninh hàng không vào giờ cao điểm.

Thiếu sự nghiên cứu, cập nhật, học hỏi

Ngoài vấn đề quá tải trong nhà ga, các khu vực bay cũng quá tải trong các khung giờ cao điểm tại đầu đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ, thiếu sân cho tàu bay đỗ lại qua đêm.

Cùng với đó tình trạng lộn xộn ở khu vực đậu xe của nhà ga nội địa đặc biết khâu tổ chức điều hành dịch vụ taxi tại Tân Sơn Nhất chưa hợp lý cũng được Cục Hàng không nêu ra.

Tình trạng dừng đỗ tùy tiện của xe ưu tiên tại làn ưu tiên cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc trước cửa nhà ga nội địa. Việc không chấp hành quy định dừng đỗ xe không quá 3 phút của xe thuộc các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng do thiếu chế tài xử lý.

Cũng trong báo cáo, Cục Hàng không đưa ra vấn đề Tân Sơn Nhất đang trải qua quá trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng như các dự án cải tạo mở rộng nhà ga hành khách quốc nội, mở rộng và xây dựng mới các vị trí đỗ tàu bay…, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác phục vụ hành khách; tình trạng ùn tắc trên đường lăn khiến máy bay chậm cất, hạ cánh cũng như ùn tắc khi làm thủ tục hàng không.

Cục Hàng không cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất thiếu sự nghiên cứu, cập nhật, học hỏi và áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiên tiến trên thế giới trong công tác quản lý, vận hành, khai thác; chưa có bộ phận chuyên trách và chưa có quy trình, quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát nội bộ đối với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Để cải thiện chất lượng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không đề nghị sân bay này cần khảo sát đánh giá sự hài lòng của hành khách sử dụng dịch vụ tại đây theo hình thức lấy ý kiến trực tiếp của hành khách; nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ tại sân bay.

Mai Anh (Tổng hợp)