Báo cáo Thủ tướng phương án giải quyết bất cập tại BOT Cai Lậy

31/01/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Bộ Giao thông Vận tải phải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

Trước đó, ngày 19/1/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo về chỉ đạo xử lý tại Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT Cai Lậy.

Để sớm triển khai hoạt động thu giá tại trạm thu giá BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các phương án giải quyết bất cập tại trạm thu giá BOT Cai Lậy theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 23/1/2018.

Trước đó, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành yêu cầu chủ đầu tư lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí BOT và phải hoàn thành trước ngày 25/1.

Báo cáo Thủ tướng phương án giải quyết bất cập tại BOT Cai Lậy ảnh 1Bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT

Theo đó, các Cục Quản lý đường bộ khu vực, các Sở Giao thông Vận tải trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung các camera ở khu vực trạm thu phí BOT, thu thập số liệu, trích xuất các file dữ liệu hình ảnh, thống kê các tình huống cố tình gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thông, gửi về Tổng cục để gửi Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh xử lý.

Trước mắt, các nhà đầu tư gửi các thông tin đã thu thập trước đó xảy ra ở trạm gửi về Tổng cục Đường bộ trước ngày 25/1.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh tăng cường Thanh tra phối hợp với các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự cùng với nhà đầu tư hướng dẫn, điều tiết giao thông và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Ngày 25/1 là hạn cuối Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông Vận tải hoàn thành việc cắm biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" tại trạm thu phí BOT để xử lý hành vi vi phạm gây cản trở giao thông.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy thời gian qua gây ra nhiều diễn biến phức tạp, có thời điểm phải xả trạm vì tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Ảnh: TTXVN.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy thời gian qua gây ra nhiều diễn biến phức tạp, có thời điểm phải xả trạm vì tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Ảnh: TTXVN. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.

Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP (Hợp đồng đối tác công tư), trong đó có hợp đồng BOT, hệ thống hạ tầng giao thông đã có nhiều thay đổi tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới, được nhân dân ủng hộ.

Việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả nhiều mặt, quá trình triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư BOT đã có một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này.

Báo cáo Thủ tướng phương án giải quyết bất cập tại BOT Cai Lậy ảnh 3Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt?

Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.

Đặc biệt, sự việc xảy ra tại Trạm thu giá Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang và một số trạm thu giá BOT đang có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của vấn đề kẻ xấu lợi dụng việc này và chỉ coi là nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải

Tình hình phức tạp tại các trạm thu giá xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự;

Kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thông qua việc phá hoại hình thức đầu tư BOT.

Vũ Phương