Bao giờ Việt Nam lên hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu?

20/03/2017 09:52
TS.Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Việt Nam đang có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới nhưng về tổng thể thì tư duy vẫn manh mún, phát triển bề rộng và hạn chế chiều sâu.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn để đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Vậy đâu là những nút thắt để hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi tới quy độc giả bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, nêu ra thực trạng và giải pháp phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Xóa bỏ tư duy tiểu nông, manh mún 

Với hàng chục triệu hộ nông dân, khoảng 10.500 Hợp tác xã nông nghiệp và hơn 33 nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp trên 70 triệu mảnh ruộng, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện thu hút trên 50% lực lượng lao động, tạo ra khoảng 20% GDP và khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ hai, cao su đứng thứ tư, thủy - hải sản đứng thứ năm, chè đứng thứ bẩy thế giới…

Tuy nhiên, về tổng thể, nền nông nghiệp vẫn đậm tính tiểu nông, manh mún, quy mô sản xuất nhỏ và khai thác chủ yếu các động lực phát triển bề rộng, từ sự cởi trói về  tâm lý tính; còn nhiều hạn chế về hạn điền; về quy hoạch, kế hoạch, chất lượng nguồn nhân lực, về nguồn vốn và hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, năng lực dự báo cung cầu thị trường.

Thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thị trường, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra; còn sử dụng nhiều phân bón, hóa chất khác tác động xấu đến môi trường, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Khu vực kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các Hợp tác xã, hầu hết có quy mô hoạt động nhỏ, vốn điều lệ thấp, trình độ nhân lực, tài chính, quản trị, điều hành còn hạn chế; thiếu phương án và mô hình sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả…

Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành;  mới thu hút dưới 2% số doanh  nghiệp và dưới 20% tổng đầu tư xã hội.

Liên kết “bốn nhà” trong chuỗi giá trị còn chưa chặt chẽ, đầu tư công – tư mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ nên doanh nghiệp chưa mặn mà.

Cơ cấu và công nghệ sản xuất nông nghiệp còn tiêu tốn nhiều tài nguyên, bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, năng suất và hiệu quả, đời sống của người nông dân còn thấp.

Đặc biệt, nông nghiệp nước ta vẫn đang đối diện với nút thắt cần tháo gỡ nổi bật là nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực.

Việc chậm trễ ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ bảo quản đã, đang và sẽ còn gây thiệt hại tài chính cho nông dân, tổn thất chung nhiều mặt cho xã hội, suy giảm động lực phát triển nông nghiệp và cả nền kinh tế.

Thực tế đặt ra và đòi hỏi cần nhiều hơn nữa những đột phá trong cách nghĩ, cách làm và các chính sách cần thiết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tăng liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng hiện đại, văn minh và phát triển bền vững.

Tại hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam ngày 18/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ ra tăng tốc trên toàn cầu, Việt Nam có 3 thế mạnh quan trọng cần phát huy là công nghệ thông tin, du lịch và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…

Ngày 2/2)/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch do Tập đoàn Vingroup - đơn vị đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp sạch tại Hà Nam diện tích 180 ha.

Đây sẽ là nông trường ứng dụng công nghệ cao về cơ giới hóa, tự động hóa. Sản phẩm là các loại rau củ quả trong nhà màng, nhà có mái che cùng các loại rau an toàn khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam có một nền nông nghiệp thông minh. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam có một nền nông nghiệp thông minh. ảnh: VGP.

Ngoài sản xuất, dự án dành 5 ha đất để khảo nghiệm các loại giống mới chất lượng, phù hợp thổ nhưỡng đồng bằng sông Hồng với mục đích cung ứng ra thị trường sản phẩm an toàn, từng bước xuất khẩu, đánh dấu vị trí nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Từ dự án khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, nhiều tỉnh khác sẽ tiếp tục triển khai chủ trương này.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cả thiết bị, máy móc, cũng như công nghệ thông tin, mạng xã hội, các phương thức kết nối phi truyền thống vào lĩnh vực nông nghiệp để sản xuất nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

Liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân

Giải bài toán nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam cần có sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân; trong đó liên kết giữa nhà nông và nhà đầu tư là nòng cốt.

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho các khu nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát huy lợi thế địa phương và bảo đảm mọi nông dân ở mọi vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bao giờ Việt Nam lên hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu? ảnh 2

Không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau"

Chủ động xây dựng cho được chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản trong nước, cũng như tích cực tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Thứ hai, quy hoạch đất nông nghiệp cần đồng bộ giữa đất sản xuất với hệ thống nước tưới, kênh mương, đường, điện...

Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trước mắt, cần xem xét sửa điều 193 Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đất đai để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.

Nghiên cứu thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất.

Thứ ba, điểm đặc biệt là cần có đột phá trong cơ chế đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

Ngân hàng Nhà nước cần sớm hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về gói tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất; không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này, mà cho nhiều ngân hàng thương mại cùng cạnh tranh tham gia nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức; Tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại.

Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi của chính sách như các  đơn vị thụ hưởng, được hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất; cách tính các hệ số an toàn, chính sách thuế, cơ chế xử lý rủi ro cần linh hoạt hơn.

Không hình sự hóa các quan hệ tín dụng, xác định đến cùng trách nhiệm trả nợ của người vay, ngăn chặn sự lạm dung, rủi ro đạo đức và giảm tâm lý lo ngại của cán bộ tín dụng khi thực hiện cho vay khách hàng.

Các luống rau hữu cơ được chứng nhận tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ tại trang trại FVF của TH (Nghĩa Đàn, Nghệ An) - ảnh Hùng Phạm.
Các luống rau hữu cơ được chứng nhận tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ tại trang trại FVF của TH (Nghĩa Đàn, Nghệ An) - ảnh Hùng Phạm.

Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích thành lập một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cũng như coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ.

Phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản;

Bao giờ Việt Nam lên hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu? ảnh 4

Dành khoảng 60 nghìn tỷ đồng đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao

Xây dựng và duy trì hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông nghiệp trong nước; Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc làm hồ, đập thủy lợi nhỏ và có chính sách tín dụng cho vay vốn để thay đổi công nghệ trong sản xuất, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cả trong nước và quốc tế, tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản chất lượng cao có giá trị.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế xã hội.

Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc kiểm soát quy chuẩn chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được minh bạch, tin cậy và khuyến khích đầu tư, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch với đặc thù giá thành cao; xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật;.

Coi trọng dự báo và cung cấp thông tin thường xuyên về cung - cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá để tạo thương hiệu quốc gia thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các địa phương thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hỗ trợ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, nước; nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới; thành lập và phát triển các Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao các cấp với quy mô và nội dung hoạt động phù hợp ở các địa phương có sự kết nối toàn quốc và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp.

Coi trọng hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu không áp phích, poster giới thiệu… để tạo động lực mới và mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho phát triển  và hiện đại hóa bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

TS.Nguyễn Minh Phong