Bầu Đức: "Nếu không dùng chuyên cơ, tôi khó hoàn thành tốt công việc"

10/06/2013 07:39
Theo Vnexpress
Xây khách sạn, làm sân bay tại Lào, đổ tiền sang Myanmar dựng cao ốc, giải trình cáo buộc của Global Witness về phá rừng... Chủ tịch HAGL thừa nhận tần suất công việc của ông đang gia tăng đáng kể so với mọi năm.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: "So với những năm trước, nửa năm 2013 bận rộn và nhiều thách thức hơn. Tôi phải di chuyển liên tục, thậm chí không có thời gian theo dõi các trận đấu của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai, điều mà tôi rất thích".

"Nếu không di chuyển bằng chuyên cơ riêng, có lẽ tôi khó hoàn thành tốt công việc phủ rộng khắp Việt Nam và các nước như hiện nay", Chủ tịch HAGL giãi bày.
Năm bận bịu và "đau đầu" của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) - Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bắt đầu sớm hơn rất nhiều trước khi bị cáo buộc phá rừng trồng cao su tại Lào và Campuchia từ tổ chức phi chính phủ Global Witness. Giữa tháng một, trong một thông báo ngắn, HAGL cho biết, ông Lê Hùng sẽ thay thế ông Đoàn Nguyên Đức giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) - một công ty con của HAGL. Theo lý giải của HAGL, việc thay đổi nhân sự này nhằm giúp tập đoàn tập trung vào dự án bất động sản ở Myanmar. Ông Hùng, theo đó, là người phụ trách dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam Myanmar Center.
Nửa năm tất bật của Chủ tịch HAGL - Đoàn Nguyên Đức
Nửa năm tất bật của Chủ tịch HAGL - Đoàn Nguyên Đức
Một ngày sau tin thay đổi nhân sự, bầu Đức đón nhận tin vui từ dự án triệu USD tại Lào. Ngày 16/1, Giám đốc Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu (trực thuộc HAGL), Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, Nhà máy mía đường ra mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên, công suất 7.000 tấn mía mỗi ngày. Đồng thời, trung tâm nhiệt điện 30 MW đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia Lào thông qua việc đốt bã mía. Đây là dự án mà HAGL đã đầu tư 100 triệu USD, được coi là cụm công nghiệp hiện đại và lớn nhất Nam
Lào. Tổ hợp gồm các nhà máy đường, nhiệt điện, Ethanol và nhà máy phân bón. Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng có nguồn thu lớn từ Cụm công nghiệp này khi đi vào hoạt động. Tin vui từ Lào vừa dứt, tháng 2, bầu Đức bắt đầu tất bật mang máy móc sang, vật tư sang Myanmar để xây cao ốc. Theo thông báo, ngày 4/2, HAGL bắt đầu đưa 1.300 tấn máy móc, trang thiết bị xây dựng chuyên dụng từ Việt Nam sang Thành phố Yangon để phục vụ dự án phức hợp 300 triệu USD tại Myanmar. Đây là đợt xuất hàng đầu tiên của HAGL sang Myanmar để phục vụ dự án khu phức hợp này. Theo ông Đoàn Nguyên Đức: "Ngoài máy móc, năm nay tập đoàn sẽ xuất siêu sang Myanmar một khối lượng vật tư khủng. Vì vật liệu xây dựng trong nước chưa tiêu thụ được còn rất lớn nên HAGL sẽ ưu tiên xuất hàng Việt, góp phần giúp cho doanh nghiệp Việt Nam giải quyết hàng tồn kho". Bầu Đức cũng cho hay, dự kiến sẽ có 30.000 tấn sắt, 200.000 tấn xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác: gỗ, đá, kính, nhôm, gạch... thậm chí là thiết bị hoàn thiện công trình như cơ điện đều từ Việt Nam vận chuyển sang Myanmar bằng đường thủy. Chưa xong dự án, để lấy vốn đầu tư, Chủ tịch HAGL tiếp tục chộn rộn với kế hoạch tăng vốn nghìn tỷ bằng cách phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu đợt tăng vốn này thành công, vốn chủ của HAGL sẽ tăng thêm 2.650 tỷ đồng, lên 12.400 tỷ đồng, rút ngắn khoảng cách so với nợ vay hiện tại (14.556 tỷ đồng). Lào tiếp tục là nơi nhận được sự quan tâm của bầu Đức. Tháng 3, sau Myanmar, HAGL lại chi 80 triệu USD xây sân bay thứ 2 tại Lào. Dự án được thực hiện tại tỉnh Huaphanh, phía đông bắc Lào và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Vốn đầu tư xây sân bay sẽ được Hoàng Anh Gia Lai ứng trước, sau khấu trừ vào các loại thuế, phí mà doanh nghiệp phải nộp tại Lào. Cũng trong 3 tháng đầu năm, báo cáo tài chính HAGL cho biết, tổng doanh thu giảm 17% so với cùng kỳ, còn 722 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh nên lãi trước thuế vẫn đạt 107 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Tháng 2, Bầu Đức bắt đầu đem vật tư sang Myanam xây cao ốc. Ảnh: Vũ Lê
Tháng 2, Bầu Đức bắt đầu đem vật tư sang Myanam xây cao ốc. Ảnh: Vũ Lê
Quay lại Việt Nam để chủ trì cuộc họp quan trọng nhất trong năm của tập đoàn, ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố buông bất động sản Việt Nam. Tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4, chủ tịch HAGL cho biết, năm 2013 "sẽ dồn toàn lực xây khu phức hợp ở Myanmar và kỳ vọng vào thị trường mới nổi này chứ không phải Việt Nam". Khoản đầu tư của HAGL vào bất động sản, theo đó giảm từ 2.829 tỷ đồng xuống còn 518 tỷ đồng. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam dự báo khu phức hợp tại Myanmar sẽ cứu ngành bất động sản của HAGL. Nếu không có dự án này, mảng địa ốc của tập đoàn phải "dựa hơi" cao su, thủy điện để tồn tại trong nhiều năm nữa vì thị trường trong nước chưa thoát khỏi khó khăn. Theo kế hoạch đầu tư năm 2013, tập đoàn này sẽ đặt nông nghiệp lên hàng đầu với việc trồng thêm 7.000 ha cao su và 4.470 ha mía. Song song đó, HAGL sẽ xây dựng nhà máy phân vi sinh 50.000 tấn một năm sử dụng phế phẩm của nhà máy đường. Xếp sau nông nghiệp là thủy điện, bầu Đức tiếp tục thi công 3 dự án Đăksrông, Nậm Kông và Bá Thước 1. Trong tháng 5, trước khi dính cáo buộc của Global Witness về việc phá rừng để trồng cao su, bầu Đức tiếp tục phê duyệt thêm một dự án xây khách sạn triệu USD tại Lào. Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai - Vientiane có tiêu chuẩn 4 sao, cao 12 tầng, dự kiến hoàn thành trong 15 tháng với mức đầu tư 16,5 triệu USD. Đây là khách sạn thứ hai mà bầu Đức xây dựng tại "Đất nước triệu voi". Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: "So với những năm trước, nửa năm 2013 bận rộn và nhiều thách thức hơn. Tôi phải di chuyển liên tục, thậm chí không có thời gian theo dõi các trận đấu của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai, điều mà tôi rất thích". Trao đổi với pv, bầu Đức cho hay, do khối lượng công việc tăng, phạm vi tập đoàn đầu tư ngày càng mở rộng ra nước ngoài nên ông đi về liên tục các tỉnh Bắc - Trung - Nam và cả ở các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Ngoài ra ông còn dành thời gian thăm dò thêm một số thị trường khác để tìm cơ hội đầu tư mới cho tập đoàn. Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cho biết thách thức cũng song hành cùng với khối lượng công việc. Điển hình là giữa tháng 5, ngay khi cáo buộc của Global Witness tung lên trang web của tổ chức này, ông phải gác lại mọi công việc bên ngoài, tức tốc có mặt tại Việt Nam triệu tập những cuộc họp quan trọng để giải quyết sự việc. "Nếu không di chuyển bằng chuyên cơ riêng, có lẽ tôi khó hoàn thành tốt công việc phủ rộng khắp Việt Nam và các nước như hiện nay", Chủ tịch HAGL giãi bày. Tính đến ngày 31/5, tổng tài sản của HAGL đạt 1,8 tỷ USD nhưng hơn 80% là đầu tư ra nước ngoài nên tần suất di chuyển tăng lên là bình thường, bầu Đức nhận xét. Tập đoàn đã đổ vào Lào 800 triệu USD, vào Campuchia 234 triệu USD, Thái Lan 10 triệu USD, dự án tại Myanmar lên đến 440 triệu USD và sắp tới không loại trừ HAGL sẽ còn tiếp tục mở rộng thị trường mới. "Với tình hình này, từ nay đến cuối năm lịch làm việc càng dày đặc hơn", ông Đức bộc bạch.
Theo Vnexpress