Bầu Đức: Nông dân đổ sữa không phản ánh được cục diện thị trường sữa

24/01/2015 08:22
Hoàng Lực
(GDVN) - Tin tưởng đầu tư vào nông nghiệp trong đó có trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, Bầu Đức khẳng định việc nông dân đổ sữa ra đường vừa qua chỉ là hiện tượng cục bộ....

"Hiện tượng cục bộ"

Gần đây, người nuôi bò sữa tại một số địa phương như Sóc Trăng, Long An, Lâm Đồng, Hà Nội gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nguồn sữa. Điều này khiến nhiều nông dân phải chạy vạy ngược xuôi, thậm chí ở Gia Lâm, Hà Nội đã có cảnh nông dân ra quốc lộ bán sữa với giá rẻ để vớt vát phần nào vốn.

Không chỉ thế, nông dân tại một số xã như Tu Tra và Đạ Ròn (Huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đem sữa bò đổ ngay trạm thu mua của Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để phản đối vì cho rằng đơn vị này ép người chăn nuôi khi hạn chế lượng mua và giảm giá.

Nông dân đổ sữa bò trước cửa Công ty Dalat Milk. Ảnh: QD
Nông dân đổ sữa bò trước cửa Công ty Dalat Milk. Ảnh: QD

Nhưng nếu nhìn sự việc này dưới nhiều góc độ, “mổ xẻ” vấn đề có thể thấy rõ dù Việt Nam đang phải nhập sữa, doanh nghiệp đang thiếu sữa nguyên liệu nhưng câu chuyện cung cầu chưa gặp nhau, chuyện nông dân tự phát chăn nuôi bò, chuyện người nuôi bò bị ép giá đang đặt ra vấn đề lớn cho người chăn nuôi bò.

Tuy nhiên, đánh giá hiện tượng người nông dân một số nơi đổ sữa ra đường do không tìm được đầu ra sản phẩm, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đơn vị đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò và bò sữa cho rằng đó chỉ là hiện tượng cục bộ.

“Đó là hiện tượng rất cục bộ có thể vì lý do nào đó, còn hiện tại Vinamilk vừa tuyên bố không có hàng mà mua, vì vậy không có lý do gì dư sữa đổ. Hơn nữa Đà Lạt không phải vùng chủ lực sữa, đây hiện tượng cục bộ không phản ánh đúng thị trường”, ông Đức cho hay.

“Qua thông tin trên báo chí chúng ta thấy Vinamilk tuyên bố mua sữa không hạn chế số lượng với giá cao, do vậy rõ ràng đầu ra sữa rất lớn”, Bầu Đức nhận định. 

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hiện Việt Nam đang nhập 70 – 80% sữa, trẻ em đang thiếu sữa vì thế nhu cầu thị trường sữa còn rất lớn.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư 6.300 tỉ đồng vào lĩnh vực trồng cỏ, chăn nuôi bò... được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai trong 2 năm 2014 và 2015 với mức đầu tư 3.150 tỉ đồng. 

Giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỉ đồng. Dự kiến tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con, trong đó 120.000 con bò sữa, 116.000 con bò thịt. Diện tích đất sử dụng ban đầu khoảng 4.000 ha, trong đó diện tích trồng cỏ 3.400 ha và 600 ha xây dựng hạ tầng phục vụ chăn nuôi.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với hai đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (Công ty Nutifood) và Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) tổ chức ký hợp tác đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với hai đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (Công ty Nutifood) và Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) tổ chức ký hợp tác đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức (người thường được biết đến với tên gọi Bầu Đức) khẳng định, Hoàng Anh Gia Lai không lo vấn đề tìm đầu ra cho sữa. Theo thỏa thuận ký với Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (Công ty NutiFood) thì Hoàng Anh Gia Lai trồng cỏ nuôi bò còn Công ty NutiFood sẽ đầu tư nhà máy sữa trong giai đoạn 1 với quy mô sản xuất là 290 triệu lít sữa tươi/năm, sau đó nâng quy mô lên 500 triệu lít sữa tươi năm. Nói cách khác NutiFood sẽ lo đầu ra cho sản phẩm

Bí quyết thành công trong đầu tư nông nghiệp

Có thể nói hơn hai năm qua, giới đầu tư chứng kiến bước chuyển mình trong đường hướng phát triển và đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai với trọng tâm là nông nghiệp. Từ đầu tư trồng mía, xây dựng nhà máy mía đường tại Lào, đến kế hoạch trồng bắp, cọ dầu, trồng cỏ nuôi bò...

Chia sẻ về quyết định đầu tư vào nông nghiệp, người đứng đầu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết Việt Nam hiện không có nhiều người đầu tư nông nghiệp lớn, trong khi Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiêp. Chính vì vậy Hoàng Anh Gia Lai muốn tiên phong đầu tư, đi trước để thành công.

Nói về bí quyết giúp doanh nghiệp thành công khi đầu tư vào nông nghiệp, Bầu Đức cho rằng sẽ rất khó để có một công thức chung vì mỗi người có cách làm riêng, mỗi doanh nghiệp có cách làm riêng quan trọng xem kết quả cuối cùng. Riêng với Hoàng Anh Gia Lai, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tự động hóa giảm chi phí sản xuất cùng với nhiều yếu tố khác.

Về định hướng phát triển trong năm 2015 ông Đức cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung vào nông nghiệp chuyển đổi cây trồng giảm diện tích trồng mía đường để dành trồng bắp và trồng cỏ chăn nuôi bò. Bên cạnh đó với lĩnh vực bất động sản Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai các dự án theo kế hoạch.

Hoàng Lực