Bêu xấu DN trên webtretho, lamchame giống như “thư nặc danh”

24/06/2013 07:15
Hà An
(GDVN) - Nếu các thành viên viết những bài phê phán không công bố tên tuổi, số CMND, địa chỉ cho quản trị diễn đàn trước khi các thông tin được đăng tải thì các bài phê phán hoàn toàn giống những lá thư nặc danh trong pháp luật khi không biết tác giả thật sự là ai – ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam khẳng định.
Mình không muốn, sao bắt người khác cũng như mình?
Từng là một trong rất nhiều những tên tuổi bị bêu xấu trên diễn đàn của Webtretho, một doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng: Mức độ ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt từ Webtretho hay Lamchame tùy thuộc vào từng lĩnh vực. 
“Nếu thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống, khách sạn, vui chơi giải trí thì những thông tin thất thiệt đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định. Còn các lĩnh vực khác thì tôi nghĩ, nó cũng ảnh hưởng đến tình cảm của người đọc vào thời điểm đó mặc dù không ảnh hưởng đến quyết định của họ” - Bà T., đại diện của doanh nghiệp trên nhấn mạnh.

Doanh nghiệp như "đỉa phải vôi" khi bị bêu xấu một cách vô căn cứ trên Lamchame hoặc Webtretho (Ảnh chụp màn hình của Lamchame)
Doanh nghiệp như "đỉa phải vôi" khi bị bêu xấu một cách vô căn cứ trên Lamchame hoặc Webtretho (Ảnh chụp màn hình của Lamchame)
Riêng đứng ở góc độ người đọc hay người tiêu dùng, bà T. thừa nhận: Bà cũng rất dễ bị ảnh hưởng, bị cuốn theo những nhận xét đầy cảm tính này.

“Đôi khi chính mình cũng phải vào diễn đàn để tìm hiều thông tin về một quán ăn, một địa điểm vui chơi để rồi chắt lọc thông tin từ đó. Có đôi khi mình cũng thấy phẫn nộ, bức xúc với một số lời bình luận hay quan điểm cực đoan của ai đó trước một vấn đề. Còn ở góc độ DN thì khỏi phải bàn, phẫn nộ vô cùng, có thể nói như “đỉa phải vôi”. Hơn nữa, người đưa ra topic thì muốn nâng quan điểm lên, chưa kể đến chuyện đối thủ tạo ra một trải nghiệm ảo để đưa ra topic mang tính cạnh tranh không lành mạnh để lợi dụng tâm lý dễ bị cuốn theo của bạn đọc”.
Sức ảnh hưởng của các diễn đàn Lamchame hay Webtretho ghê gớm như vậy (xem chi tiết tại đây) nhưng theo bà T., “khó có thể ngăn chặn được tình trạng này bởi diễn đàn là nơi để mọi người tự do thể hiện quan điểm và nhất là bình luận thì khỏi phải bàn”.

Tâm lý người đưa ra topic bao giờ cũng muốn topic của mình thu hút được sự quan tâm của nhiều người, nên khi tường thuật phải thêm “mắm thêm muối” cho nó ly kỳ một chút và cố chứng minh để mọi người tin rằng đây là một trải nghiệm thật, một “kinh nghiệm xương máu của tôi”! Hơn nữa, người viết ẩn danh nên tha hồ nói mà không sợ gì”. 
Do vậy, bà T. khuyên người đọc hãy là người thông thái trước những thông tin này và người đăng thông tin hãy là người có trách nhiệm với thông tin mình đăng lên. Hãy đăng với nhã ý “cảnh báo” hay “triển khai ngang” để mọi người biết chứ đừng mang tính kêu gọi “tẩy chay”,…vì mình không thích sao lại bắt người khác cũng không thích như mình – bà T. nói.
Bêu xấu DN trên Webtretho, lamchame chẳng khác nào “thư nặc danh”

Trong xã hội văn minh và phát triển, mọi cá nhân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải chịu trách nhiệm những gì mình nói, viết và truyền thông. Các vụ việc tranh cãi giữa doanh nghiệp và các mạng xã hộ/diễn đàn như Lamchame, Webtretho, theo chuyên gia Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý VN đã thể hiện một lỗ hổng pháp lý quan trọng đó là chịu trách nhiệm. 

Chúng ta hãy nhìn lại quy trình của các mạng xã hội/diễn đàn, thành viên đăng ký qua email không cần biết email đấy là thật hay “ảo”, thành viên viết bài với bất kỳ nội dung nào và hoàn toàn không bất kỳ sự kiểm soát nào sau đó bài viết vất thẳng ra xã hội. 

Ông Vũ Tuấn Anh, GĐ Viện Quản lý VN
Ông Vũ Tuấn Anh, GĐ Viện Quản lý VN
“Ở đây chúng ta nhìn lại rõ ràng đã có một sự vô trách nhiệm hoàn toàn trong qui trình này. Người viết – thành viên, mạng xã hội/diễn đàn – công cụ truyền thông tin hoàn toàn không có một căn cứ nào để qui trách nhiệm. Việc diễn đàn nói rằng cần phải đối chứng, so sánh và trao đổi giữa doanh nghiệp và người viết hoàn toàn vô lý. Công việc xác định đúng hay sai phải nằm hoàn toàn về phía diễn đàn/thành viên chứ không phải nằm ở phía doanh nghiệp” – chuyên gia Vũ Tuấn Anh trình bày.

Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng nêu rõ: “Một chuyện tế nhị ở đây đó là các diễn đàn vin vào cớ không có người để kiểm soát nội dung là không thuyết phục. Trên thực tế, các diễn đàn có nguồn sống chính là các quảng cáo từ công ty vì vậy họ kiểm soát 100% các bài viết nếu các thành viên lồng quảng cáo vào trong tin đăng, phần chữ ký dưới tin đăng. Các diễn đàn sẽ xóa và khóa nick sau vài lần vi phạm”.

Câu chuyện tại đây đó chính là làm thế nào để các diễn đàn kiểm soát được trách nhiệm các thành viên. Theo ông Tuấn Anh: Bản thân các doanh nghiệp và cá nhân điều hành diễn đàn cần nhận thức truyền thông chính xác, không vụ lợi và bình đẳng là tôn chỉ cao nhất cho hoạt động của doanh nghiệp mình. Chắc chắn sau những vụ làm việc thiếu nghiêm túc như thế này, các doanh nghiệp lớn sẽ rất cân nhắc việc sử dụng dịch vụ quảng cáo trên các diễn đàn dính dáng tới pháp luật và kiện tụng.

Điều thứ hai rất quan trọng đó chính là các diễn đàn cần phải có các biện pháp kiểm soát trách nhiệm của các thành viên. Không thể vin vào cớ phát triển quá nhanh để trốn tránh các biện pháp này. Ví dụ có thể yêu cầu các thành viên viết những bài phê phán cần phải công bố tên tuổi, số CMND, địa chỉ cho quản trị diễn đàn trước khi diễn đàn cho phép các thông tin được đăng tải ra. 

“Thiếu những thông tin này thì các bài phê phán hoàn toàn giống những lá thư nặc danh trong pháp luật khi không biết tác giả thật sự là ai” – ông Tuấn Anh nói.
Khi những thông tin này được cung cấp sẽ cho phép doanh nghiệp/diễn đàn/thành viên có thể nhanh chóng gặp nhau và xử lý tốt các vấn đề xảy ra. 

Vấn đề thứ ba đó là các mạng xã hội/diễn đàn cần phải có qui trình và phòng ban xử lý những rủi ro về pháp lý. Vấn đề này cực kỳ quan trọng để cho các mạng xã hội/diễn đàn phát triển chuyên nghiệp và hội nhập với thế giới. 

Vấn đề thứ tư quan trọng đó chính là các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng đưa loại hình mạng xã hội/diễn đàn vào trong hành lang pháp lý của luật báo chí vì suy ra từ bản chất, mạng xã hội/diễn đàn hoàn toàn giống như một tờ báo online. 
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hà An