Biến đổi khí hậu: Tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam

16/09/2012 07:06
Bình An
(GDVN) - Theo số liệu thống kê, xu hướng tăng nhiệt độ ở cả 3 miền, với mức tăng từ 0,5 đến 1°C trong vòng 1 thế kỷ qua. Nhiệt độ tăng kèm theo lượng mưa cũng tăng cao và liên tục thay đổi theo hướng tiêu cực. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam đã tăng 0,7 độ C, mực nước biển dâng 20cm. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh tới khí hậu và nền kinh tế của Việt Nam.


Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến từng ngành kinh tế

Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt hạn hán đã diễn rnửa khốc liệt hơn trước. Nhiệt độ sẽ tăng đáng kể ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và cao nguyên Trung Bộ.

Trong mùa mưa, lượng mưa sẽ tăng đáng kể ở các khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Vào nửa sau thế kỷ XXI, đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và khốc liệt do nước biển dâng.

Hạn hán làm nhiều nơi mất mùa. Ảnh minh họa (Interet).
Hạn hán làm nhiều nơi mất mùa. Ảnh minh họa (Interet).

Về nhiệt độ: Trên các khu vực, nhiệt độ Trung Bình Năm có thể tăng lên 2 độ C vào năm 2050. Dự tính đến năm 2100 nhiệt độ nước ta sẽ tăng lên 3 độ C.

Về lượng mưa: Lượng mưa mùa mưa ở các khu vực, trừ Trung Bộ, đều tăng 0-5% vào năm 2050, riêng Trung Bộ là 0-10%. Lượng mưa mùa khô ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ có thể tăng hay giảm 5%, riêng ở Bắc và Trung Trung Bộ tăng 0-5%.

Đáng chú ý là ở những vùng thường xảy ra hạn hán vào mùa khô, hạn hán có nhiều khả năng tăng lên cả về cường độ và diện tích.

Về mực nước biển: Trung bình trên toàn dải bờ biển Việt Nam, mực nước biển có thể tăng lên 40cm vào năm 2050 và ước tính có thể tăng lên 100cm vào năm 2100.

Nhiệt độ tăng lên ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và hệ sinh thái nước ngọt, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng, một số loài có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới có thể bị mất đi dẫn đến suy giảm tính đa dạng.

Những khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Phát động phong trào trồng cây xanh chống xói mòn và nước biển xâm thực. Ảnh minh họa (Internet).
Phát động phong trào trồng cây xanh chống xói mòn và nước biển xâm thực. Ảnh minh họa (Internet).
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm dẫn đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Do nhiệt độ tăng cao, vùng trồng cây nhiệt đới có xu hướng di chuyển về phía Bắc. Vùng trồng cây ôn đới có xu hướng giảm về diện tích. Hạn hán và lũ lụt góp phần ảnh hưởng đến diện tích canh tác.

Ngành lâm nghiệp bị ảnh hưởng do diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp bởi nước biển dâng. Đa dạng sinh học giảm do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt có xu hướng bị tuyệt chủng, các loài có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt sẽ phát triển. Bên cạnh đó cháy rừng và sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến ngành lâm nghiệp.
 
Các ngành khác cũng chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau: Vận tải và năng lượng; Dầu khí và kinh tế biển; Sức khỏe cộng đồng; Thủy sản... và tình trạng khô hạn và khan hiếm nguồn nước sẽ ngày càng khắc nghiệt.

Các chỉ số kinh tế ngày càng giảm sút

Dự kiến đến năm 2050, nhiệt độ của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 1,5 đến 2 độ C. Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới kinh tế. Đó là kết quả của nghiên cứu về "Tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam" do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Đại học Copenhaghen và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển Thế giới công bố mới đây tại Hà Nội.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Ảnh minh họa (Internet).
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Ảnh minh họa (Internet).
Theo giả định của GS. Channing Arndt, Đại học Copenhaghen, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm trong giai đoạn 2007-2050 với đóng góp của nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 16% xuống còn 7,6%. Còn trong giai đoạn 2046 – 2050, tỷ trọng nông nghiệp đóng góp cho nền kinh tế chỉ 7-8% nên tác động của biến đổi khí hậu là không đáng kể.

Tuy nhiên, việc tăng lượng mưa hoặc tăng cường độ mưa sẽ làm hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, làm tăng chi phí duy tu bảo dưỡng, hoặc giảm lưu thông. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng lên cũng sẽ làm đường trải nhựa vốn được thiết kế để chịu được ngưỡng nhiệt độ thấp sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, khiến nguồn lực để đầu tư mới vào đường giao thông, hoặc bảo dưỡng đường cũ bị giảm đi. Và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến năng suất của khu vực sản xuất theo thời gian.

Hơn nữa, sự gia tăng của các cơn bão cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,4% hàng năm thì tốc độ tăng trưởng khi bị tác động bởi bão có thể vào khoảng 5,32% - 5,39%. Còn kịch bản nước biển dâng cho thấy tác động nhẹ nhất nhưng cũng khiến GDP giai đoạn 2046 - 2050 giảm từ 0 - 2,5%.

Trong khi đó, vì GDP đến năm 2050 của Việt Nam dự báo lớn hơn khoảng 500 tỷ USD nên giá trị thiệt hại do biến đổi khí hậu lên đến khoảng 40 tỷ USD. Thiệt hại này tương đối lớn và có thể hạn chế được tối đa nếu có chính sách thích ứng phù hợp.

Để đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng: Nhà nước cần tiến hành một loạt các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư vào hệ thống thông tin để giám sát tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cải tiến hệ thống thông tin địa lý, tập trung vào hệ thống dữ liệu độ cao so với mặt nước biển cho các tỉnh thấp, dòng sông và theo dõi chặt chẽ dự báo về mức nước biển dâng toàn cầu; Phát triển đa dạng cây trồng có khả năng chịu nhiệt cao; Cải thiện hiệu quả sử dụng nước; Thay đổi thiết kế tiêu chuẩn của hệ thống kết cấu hạ tầng như đường giao thông phù hợp với điều kiện khí hậu nóng hơn và thay đổi nhiều hơn.
 
Bình An