Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đồng bào vùng ven biển

10/09/2012 14:12
Diện Hứa
(GDVN) -Thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong vòng 10 năm (1998-2008) tại các tỉnh Bắc Trung bộ, bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 1.090 người và gây thiệt hại lớn về kinh tế.


Đất đai bị nước biển xâm lấn, kinh tế suy giảm

Nước biển dâng cao sẽ làm thay đổi môi trường sống nhiều loài sinh vật biển, trước hết là tôm cá tự nhiên. Các mô hình nuôi thủy sản truyền thống có nguy cơ bị phá sản. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ sâu hơn, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và nước ngọt sẽ khan hiếm nhiều hơn. Bờ biển, bờ sông sẽ bị xâm thực mạnh hơn, sản xuất nông nghiệp có nguy cơ suy thoái, nhất là cây lúa, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng lớn. Đời sống của hàng triệu dân sẽ bị xáo trộn.

An Giang là một trong bốn tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau) thuộc vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, đang chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Đất đai bị bạc màu, đa dạng sinh học bị giảm mạnh, diện tích đất bị xâm nhập mặn, khô hạn, nhiễm phèn ngày càng tăng, nhiệt độ tăng cao và hạn hán bất thường, lũ lụt không theo quy luật, nhiều dịch bệnh mới hình thành...đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, đe doạ đến đời sống và hoạt động của người dân trong tỉnh.

Đất đai bị nước biển xâm lấn nặng nề. Ảnh minh họa (Internet).
Đất đai bị nước biển xâm lấn nặng nề. Ảnh minh họa (Internet).
   
Vấn đề biến đổi khí hậu vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, quốc gia và toàn cầu. Cho nên, để thực hiện được mục tiêu ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tỉnh và khu vực, các cấp, các ngành và mọi người phải có trách nhiệm thực hiện bảo vệ tài nguyên nước, đất, hệ sinh thái và môi trường tốt hơn. Với chủ đề này, chỉ đề cập đến bảo vệ môi trường nước trong điều kiện biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu ( BĐKH), nước biển dâng do Bộ Tài nguyên-Môi trường xây dựng năm 2010, khu vực Bắc Trung bộ nhiệt độ trung bình/năm tăng từ 1,9oC, mưa có xu thế giảm trong mùa khô tới 13% và tăng trong mùa mưa từ 12-10% làm cho nguồn nước bị khủng hoảng đây là nguyên nhân gây thêm tình trạng hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng ở những vùng xung quanh các lưu vực sông.  
      
Cùng với lượng mưa biến đổi thất thường sẽ là tình trạng nước biển dâng dự báo sẽ tăng từ 28-33cm vào năm 2050, 42-57cm vào năm 2070 và 65-100cm vào cuối thế kỉ 21 và có tác động mạnh đến các hoạt động tưới tiêu, chống lũ của các lưu vực sông.

Vấn đề ở chỗ tại thời điểm này, hầu hết các quy hoạch vùng, quy hoạch lưu vực sông đã lập tại khu vực miền Trung đều chưa xét đến yếu tố BĐKH và nước biển dâng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ứng phó, hậu quả sẽ khốc liệt hơn nhiều.

Ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người


Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa người dân miền Trung và đồng bào ven biển lại lo đối phó với lũ lụt. Điều mà nó ảnh hưởng  trực tiếp và rất lớn đến người dân chính là sức khỏe và tính mạng của con người.

Theo thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi), năm 2010 lũ lụt bất thường xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình làm 111 người chết, 17 người mất tích, 357.076 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng, thiệt hại về kinh tế nặng nề. Ngoài thiệt hại do lũ bão gây nên, người dân ở khu vực Bắc Trung bộ phải hứng chịu gió cát, gió khô nóng và hạn hán trên diện rộng.

Riêng năm 2010, hơn 30.000ha vụ Đông Xuân của tỉnh Thanh Hóa bị khô hạn trắng đất, Nghệ An 20.000ha, Hà Tĩnh 12.000ha và hàng trăm hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước chết.

Một cô giáo không may bị lũ cuốn trôi trong đợt lũ 2010 (Xã Hương Thủy - Hương Khê - Hà Tĩnh)
Một cô giáo không may bị lũ cuốn trôi trong đợt lũ 2010 (Xã Hương Thủy - Hương Khê - Hà Tĩnh)

Đối với các lưu vực cửa sông, vào mùa khô, nước mặn ảnh hưởng sâu từ 20-40km gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu cũng làm các tỉnh thuộc Nam Trung bộ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng, do địa hình đồi núi dốc, thấp dần từ Tây sang Đông, lại bị chia cắt bởi triền núi dãy Trường Sơn vươn ra biển, mặt khác do lượng mưa phân bố không đều trong năm đã gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, hạn hán kéo dài vào mùa khô gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Diện Hứa