Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh: Từng bước loại bỏ con dấu doanh nghiệp

01/12/2014 07:28
Mai Anh
(GDVN) - Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần thúc đẩy sử dụng chữ ký là giá trị pháp lý, nhất là chữ ký điện tử, từng bước tiến tới loại bỏ con dấu trong doanh nghiệp

Luật Đầu tư và Kinh doanh đã "lột xác"

Đăng đàn trả lời về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá nội dung cơ bản nhất trong Luật Đầu tư là thay đổi phương pháp tiếp cận. Phương pháp tiếp cận trước đây của chúng ta là "chọn cho", có nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực, ngành nghề nào được phép đầu tư kinh doanh thì doanh nghiệp được làm. Nhưng lần này, chúng ta đã minh bạch hơn và rõ ràng hơn, đó là dùng phương pháp "chọn bỏ". 

Phương pháp “chọn bỏ” rất khó, trên thế giới không phải nước nào cũng dám áp dụng, nhưng Quốc hội đã quyết định áp dụng phương pháp này. Theo đó, cái gì cấm, cái gì hạn chế thì ghi vào trong luật. Việc này cũng là để thể hiện đúng Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, những gì luật pháp không cấm thì người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời

Một vấn đề nữa trong lần sửa đổi luật lần này là tất cả các doanh nghiệp trong nước không cần cấp giấy chứng nhận đầu tư. Họ được phép kinh doanh những lĩnh vực mà luật pháp cho phép, nếu kinh doanh ở những lĩnh vực có điều kiện thì họ cần đủ điều kiện. Các cơ quan quản lý nhà nước đi kiểm tra sau và nếu phát hiện chưa đúng yêu cầu chỉnh sửa, nếu đến mức vi phạm quá lớn có thể dừng. Đấy là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rất minh bạch, thông thoáng, bớt chi phí cho người dân. Riêng các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), khi nhà đầu tư lần đầu tiên vào Việt Nam phải được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được sửa đổi lần này gần như "lột xác". Nó khắc phục những điểm yếu, khiếm khuyết trong hơn chục năm qua chúng ta triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Những nội dung cơ bản nhất của Luật Đầu tư là thay đổi phương pháp tiếp cận. Trước đây chúng ta áp dụng phương pháp chọn “cho”, có nghĩa trong luật quy định những lĩnh vực ngành nghề nào được phép đầu tư kinh doanh. Còn lần này chúng ta thay cách tiếp cận bằng cách minh bạch hơn, rõ ràng hơn, đó là chọn bỏ", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó lý giải số lượng lĩnh vực kinh doanh có điều kiện còn nhiều, lên tới 267 lĩnh vực, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhiều hay ít không phải là hạn chế về thủ tục. Đối với những đất nước càng phát triển, người ta càng có nhiều điều kiện trong kinh doanh để ngành đó phục vụ sự phát triển con người, ví dụ sức khỏe, an ninh, môi trường… Cho nên những điều kiện kinh doanh này là để phục vụ tốt hơn cho con người, chứ không phải là thêm thủ tục. Do đó, trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quyết định lĩnh vực, ngành nghề nào cần phải được cấp phép. Những lĩnh vực này sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu.

Từng bước loại bỏ con dấu doanh nghiệp

Mặc dù các doanh nghiệp vui mừng khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã gỡ nhiều rào cản về thủ tục. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng còn những băn khoăn khi rào cản còn ở trong các luật chuyên ngành khác, như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

Bộ trưởng Vinh cũng chia sẻ với những băn khoăn này của doanh nghiệp và cho rằng, Luật Doanh  nghiệp và Luật Đầu tư là những luật mang tính cơ bản, quy định những cái chung nhất cho lĩnh vực đầu tư, thành lập, quản trị doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp thành lập, trừ một vài doanh nghiệp trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... thì có luật riêng, nhưng còn lại tuyệt đại đa số đều phải chấp hành theo Luật Doanh nghiệp, nhưng đúng là luật này không thể chế tài hết mọi lĩnh vực.

Bộ trưởng Vinh tái khẳng định, 2 luật sửa đổi lần này là luật cơ bản, đổi mới được rồi thì có thể tin rằng, sức ép của xã hội cũng như quá trình thực hiện các luật chuyên ngành nếu thấy không còn phù hợp thì Quốc hội cũng như Chính phủ sẽ phải xem xét để sửa lại cho phù hợp.

Việc sửa đổi 2 luật này cũng kỳ vọng một làn sóng thành lập doanh nghiệp mới, vì khi chi phí lập doanh nghiệp ít đi, minh bạch hơn, thời gian tiết kiệm hơn, thời cơ có thể không bị bỏ lỡ sẽ tạo sự khuyến khích cho người dân không đem tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, mua vàng, ngoại tệ. Thay vào đó, họ sẽ bỏ vào kinh doanh để đem lại lợi nhuận cao hơn, đồng thời tạo nhiều việc làm và giá trị cho đất nước.

Vấn đề bỏ con  dấu doanh nghiệp được dư luận quan tâm thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng hầu hết các nước trên thế giới bỏ con dấu, họ chỉ sử dụng chữ ký. Nhưng ở Việt Nam và một số ít nước còn sử dụng con dấu, thậm chí người ta coi con dấu có giá trị hơn chữ ký. Đó là điều cần thay đổi.

Thủ tục cấp con dấu cũng mất nhiều thời gian và chi phí cùng nhiều phiền toái cho doanh nghiệp. Chúng ta mong muốn sửa đổi theo hướng bỏ con dấu, tuy nhiên trong điều kiện thực tế Việt Nam, chưa thể ngay lập tức bỏ con dấu doanh nghiệp. Cho nên Luật Doanh nghiệp lần này cho phép doanh nghiệp được tự quyết định nội dung cũng như hình thức con dấu và chịu trách nhiệm trước con dấu của mình. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng chữ ký là giá trị pháp lý, nhất là chữ ký điện tử, từng bước tiến tới loại bỏ con dấu.

Trước lo ngại việc thông thoáng và đơn giản hóa các thủ tục có thể phát sinh một số hệ lụy như doanh nghiệp bỏ trốn, hay thành lập doanh nghiệp ma để mua bán hóa đơn. Bộ trưởng Vinh cho biết, xã hội nào dù chặt chẽ đến đâu cũng có những hành động mang tính chất lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh trái phép. Việc đó các cơ quan có trách nhiệm sẽ xử lý các vi phạm này. 

"Nhưng trong nguyên tắc làm luật, cái gì có lợi ích cho đại thể thì chúng ta phải áp dụng, không thể lấy cái vi phạm của một vài cá nhân, tập thể để bắt tất cả đại thể phải đi theo. Cho nên số ít vi phạm thì chúng ta sẽ có biện pháp, chế tài để xử lý, kiểm soát", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Mai Anh