Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Quản lý kinh tế gia đình, vợ tôi làm tốt hơn!

25/01/2012 09:17
Nguyễn Hoàng (ghi)
(GDVN) - "Đối với phụ nữ VN nói chung cũng như đối với bà vợ yêu quý tôi nói riêng, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ gia đình tốt hơn cánh đàn ông…", Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận.

Trong cuộc trả lời các câu hỏi của độc giả cả nước vào những ngày cuối năm về những vấn đề nóng của nền kinh tết như giá điện, giá xăng dầu, tăng lương... Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lần đầu tiên “phá lệ" trả lời những câu hỏi vui của độc giả: "Làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi hiểu nôm na là quản lý chi tiêu của một đất nước. Vậy xin hỏi vui Bộ trưởng là ở nhà Bộ trưởng có quản lý chi tiêu luôn không?

Sau khi nghe câu hỏi, Bộ trưởng Huệ cười rất tươi: “Về vấn đề này, tôi nghĩ phụ nữ thích hợp hơn. Ở cơ quan, anh em chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì là “Phó” hết. Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với bà vợ yêu quý tôi nói riêng, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu cho gia đình như thế nào, lo chuyện học hành cho các cháu ra sao, tốt hơn cánh đàn ông. Một là có thời gian nhiều hơn, hai là chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Có lẽ, tôi cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa”.

Bộ trưởng Huệ nói vui: Ở cơ quan là trưởng, nhưng ở nhà là phó
Bộ trưởng Huệ nói vui: Ở cơ quan là trưởng, nhưng ở nhà là phó

Trả lời một câu hỏi vui khác của độc giả: "Bộ trưởng có thường xuyên vào mạng internet và sử dụng mạng facebook như một kênh để tiếp cận thông tin, các phản hồi chính sách hay không?". Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, Internet là một công cụ mà tất cả mọi người dân và lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đều sử dụng phổ biến.

“Tôi cũng sử dụng máy tính bảng iPad và truy nhập Internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ô tô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ vào khoảng 12h đêm, 6h sáng… Về kỹ năng sử dụng mạng xã facebook thì chắc là tôi không thạo bằng con gái của tôi, nhưng tiếp thu ý kiến độc giả, tôi sẽ sử dụng công cụ này để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân”, Bộ trưởng Huệ chia sẻ.

Bộ trưởng Huệ cũng cho hay, nhờ các thông tin cập nhật nhanh qua internet mà ông đã chỉ đạo tạm ứng 30 tỷ đồng (căn cứ trên đề nghị chi 47,3 tỷ đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để thưởng cho các vận động viên vào những ngày cuối năm.

Đối với vấn đề giá hàng hóa thường bị thổi lên trước và sau khi có quyết định tăng lương cho công chức, viên chức nhà nước diễn ra nhiều năm qua, Bộ trưởng Huệ thừa nhận, đây là một vấn đề trăn trở của các cơ quan quản lý, của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng Huệ: “Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì. Tôi rất chia sẻ với độc giả cũng như những người làm công ăn lương. Theo tôi, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý té nước theo mưa… Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương”.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định, nguồn tăng lương hàng năm của chúng ta hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Thí dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ. Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát.

Đáp ứng câu hỏi “xoáy” của một độc giả: "Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt tại Bộ Tài chính là chưa phù hợp, đề nghị chuyển về cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ trưởng thấy thế nào là hợp lý hơn?". Bộ trưởng Vương Đình Huệ thẳng thắn: Về địa vị pháp lý của ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì không phải bây giờ chúng ta mới đề cập tới, mà đã được bàn trong khi xây dựng Luật về chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2006.

Ngành Ngân hàng làm chức năng điều hành, quản lý chính sách về tiền tệ, còn Bộ Tài chính thì quản lý, điều hành về chính sách tài khóa và chính sách về thị trường vốn, chứng khoán. Có 2 thị trường khác nhau là thị trường tiền tệ và vốn. Trong thị trường vốn có thị trường chứng khoán. Chính phủ đề nghị và Quốc hội đồng ý để Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính.

Tôi xin nói về các mô hình trên thế giới. Ở các nước có 2 mô hình cơ bản là Ủy ban chứng khoán là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính như ở Việt Nam chúng ta và Ủy ban chứng khoán là cơ quan có tính độc lập tương đối, điều hành theo cơ chế hội đồng hay gọi là ủy ban nhưng chịu trách nhiệm báo cáo với Bộ Tài chính. Tôi chưa thấy mô hình nào mà cơ quan chứng khoán lại trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhất là mô hình các nước thành lập ngân hàng trung ương. Vì chính sách tiền tệ, thị trường vốn và thị trường tài chính là khác nhau.

Một vấn đề nữa, chúng tôi cũng đang xem xét lại các công ty chứng khoán tồn tại trong các NHTM. Nếu chúng ta không khéo thì không phân tách được vốn tín dụng và vốn thông qua công ty chứng khoán, đôi khi thị trường của chúng ta sẽ rất khó kiểm soát và trở nên méo mó.

Một số các NHTM đầu tư và cho vay nhưng thực chất là ủy thác đầu tư qua các công ty chứng khoán của mình. Điều đó cũng làm cho nền kinh tế của chúng ta bị méo mó. Vì vậy, 2 kênh thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường vốn phải song hành, có mối quan hệ chặt chẽ nhưng được phân định một cách rõ ràng và phải kiểm soát minh bạch, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và sắp tới với chức năng thị trường trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế và thích hợp với đầu tư rủi ro và với việc hạn chế mức tín dụng, đây là cơ hội lý tưởng cho thị trường chứng khoán của chúng ta phát triển.

Nguyễn Hoàng (ghi)