Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Samsung không phải thương hiệu Việt

02/10/2015 16:10
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn: “Cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc mới là thương hiệu Việt Nam, còn Samsung thì không”.

Trước đó, trong khuôn khổ chương trình nhận diện hàng Việt ngày 23/9, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu quan điểm hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.

Trước ý kiến trên khi phân tích về trường hợp của Samsung sản xuất tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều được coi là hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Quang Vnh thẳng thắn cho rằng Samsung không phải thương hiệu Việt. (Ảnh: Buổi lễ khởi công dự án của Samsung tại Thái Nguyên - nguồn VTV).
Bộ trưởng Bùi Quang Vnh thẳng thắn cho rằng Samsung không phải thương hiệu Việt. (Ảnh: Buổi lễ khởi công dự án của Samsung tại Thái Nguyên - nguồn VTV).

Theo vị lãnh đạo Vụ thị trường, Samsung hay bất luận doanh nghiệp FDI nào, hợp tác xã hay công ty TNHH được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì là hàng Việt Nam.

Quan điểm hàng hóa của doanh nghiệp FDI sản xuất tại Việt Nam là hàng Việt Nam tiếp tục được đưa ra trong cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Euromoney mới đây. 

Tại Diễn đàn, ông Lê Phước Vũ thẳng thắn nêu quan điểm cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gặp khó bởi tiềm lực vốn ít, đóng thuế đầy đủ trong khi doanh nghiệp FDI có tình trạng chuyển giá trốn thuế.

Theo ông Lê Phước Vũ với chính sách hiện nay, Việt Nam sẽ trở thành một nơi để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tối đa lợi thế. Như doanh nghiệp ngành thép đã không còn dư địa phát triển và các ngành khác cũng vậy. Về trung hạn và dài hạn, chính sách nhà nước cần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.

Ông Vũ cho rằng, tỷ trọng doanh nghiệp FDI quá lớn khiến doanh nghiệp Việt mất luôn cơ hội. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam rất trăn trở. Nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi những tập đoàn Việt Nam mới đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài.

Trước quan điểm của ông Vũ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, nền kinh tế phát triển bền vững cần đi bằng hai chân vừa có sự đóng góp doanh nghiệp trong nước vừa có sự đóng góp doanh nghiệp FDI. 

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, phải phát triển doanh nghiệp trong nước, tạo ra thương hiệu sản phẩm của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên hay nước mắm Phú Quốc chứ không phải Samsung, nhưng cũng cần thu hút FDI để tạo ra sự cạnh tranh, thay đổi công nghệ, nếu ta đóng chặt cửa như thời bao cấp… sẽ rất trì trệ.

Vấn đề coi hàng hóa doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là hàng Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh chúng ta đang kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặt giả thiết, hai hàng hóa cùng chủng loại, mẫu mã của một doanh nghiệp Việt và một doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam theo quan điểm trên đều là hàng Việt nhưng người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn hàng doanh nghiệp FDI bởi mẫu mã và giá thành thường rẻ hơn.

Hồng Minh (Tổng hợp)