Bộ trưởng Công thương thừa nhận lãng phí từ thủy điện Đồng Nai

14/11/2013 07:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại phiên thảo luận quy hoạch tổng thể thủy điện tại Quốc hội chiều qua, ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận có sự lãng phí từ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khoảng 12 tỷ đồng.
Là người luôn có những tiếng nói mạnh mẽ với các dự án thủy điện, ĐBQH Trương Văn Vở tiếp tục nêu ý kiến, đồng tình với Nghị quyết của Quốc hội trong việc loại bỏ 6 dự án thủy điện bậc thang, 424 dự án thủy điện nhỏ, song ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), cũng đề nghị làm rõ diện tích đất rừng được chuyển đổi cho các công trình.

Vấn đề này thời gian qua được làm thiếu chặt chẽ và cần rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó cũng cần xác định rõ một số bộ, ngành, địa phương liên quan khi chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, chưa đảm bảo được tính liên kết với các quy hoạch khác.

Lãng phí từ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ai chịu trách nhiệm?
Lãng phí từ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ai chịu trách nhiệm?
Ông Vở nhấn mạnh hiện tượng "chặt cây sống, trồng cây chết" ở khu vực rừng đầu nguồn, lưu vực sông (những nơi cần phải kiên quyết bảo vệ), bởi điện có thể mua, thay thế nhưng rừng đầu nguồn bị chặt rồi thì không thể thay được; đồng thời đề nghị xác định rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương liên quan trong tham mưu, tổ chức thẩm định quy hoạch.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nhận định, chúng ta đã quá đà trong việc phát triển thủy điện trong khi công tác quản lý Nhà nước về thủy điện càng ngày càng bộc lộ những tồn tại hạn chế nhưng chậm được khắc phục.
“Có quá nhiều dự án thủy điện được đưa vào quy hoạch. Nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhưng không đảm bảo yêu cầu và chất lượng”, ông Học nói.
ĐB Nguyễn Thái Học thẳng thắn chỉ rõ, Phú Yên là một trong những địa phương có nhiều công trình thủy điện được xây dựng, và để đầu tư vào thủy điện thì cần 133.930 ha đất, 19.792 ha rừng đã bị phá bỏ, phải di dời 44.557 hộ dân đi nơi ở khác... đề nghị làm rõ sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng của các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về thủy điện.
Trước những bức xúc của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù, cũng không phải bất biến, cố định mà là quy hoạch động, mở. Qua từng thời kỳ cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung, bên cạnh loại trừ dự án không khả thi cần bổ sung vào quy hoạch những dự án mang tính khá thi.
Về các ý kiến thắc mắc như tại sao Chính phủ và Bộ Công thương chỉ chờ sau khi Quốc hội có nghị quyết mới rà soát, tại sao chỉ trong thời gian ngắn có thể đưa ra hơn 400 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch... Bộ trưởng Hoàng một lần nữa nhấn mạnh, không phải đây là quy hoạch động nên luôn phải rà soát chứ không phải Quốc hội ra Nghị quyết mới làm. Cụ thể từ năm 2005 – 2009, Bộ Công nghiệp trước đây đã phối hợp với các địa phương loại 10 dự án khỏi quy hoạch. Từ cuối 2009 đầu 2010 loại 37 dự án… và đến năm 2013 đã rà soát, loại bỏ thêm 150 dự án.
Bộ trưởng Hoàng cho rằng, các dự án cũng có tính khả thi về kinh tế, nhưng vì môi trường không đảm bảo nên cũng được coi là dự án không khả thi. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm, nhưng vì không có khả năng tài chính nên mới đình trệ, chứ không phải dự án không có tính khả thi; 424 dự án thủy điện bị loại bỏ chi phí và thiệt hại cho doanh nghiệp không đáng kể gì vì mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu.
Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A mức chi phí mất khoảng 12 tỷ đồng.

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương.
Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương.
Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phê duyệt các dự án thủy điện có quy mô từ 30MW trở lên. Các dự án thủy điện quy mô lớn, thuộc loại công trình, dự án quốc gia quyết định đầu tư thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định. Một số dự án đặc biệt, tổng mức đầu tư lớn thì xin ý kiến của Quốc hội còn lại những dự án dưới 30 MW thì phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt. Trừ trường hợp đặc biệt địa phương mới xin ý kiến và báo cáo Bộ Công Thương.

Việc phân cấp này dẫn đến hậu quả là phê duyệt tràn lan dự án thủy điện tại các địa phương trong nhiều năm qua, khiến cho quy hoạch thủy điện bị vỡ và ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống các vùng có dự án, là nguyên nhân khiến Quốc hội phải ra nghị quyết cách đây hơn một năm yêu cầu Chính phủ rà soát quy hoạch các dự án thủy điện và báo cáo tại kỳ họp lần này.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, từ thời điểm này trở đi, tất cả các dự án thủy điện (không phân biệt quy mô) khi quyết định đầu tư và trước khi khởi công phải báo cáo Thủ tướng, được Thủ tướng đồng ý mới được đầu tư, khởi công; điều đó cũng có nghĩa là địa phương không còn được quyết định việc làm thủy điện dưới 30 MW như hiện nay.
Ngọc Quang