Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn về tăng cước 3G

21/11/2013 07:39
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tăng cước 3G là việc bình thường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác các nhà mạng đều thuộc nhà nước, có tăng giá cước lên cũng là góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước...”,  ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết,
ông Trong buổi trả lời chất vấn chiều 20/11, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) đặt vấn đề: Thời gian qua người dân quan tâm đến việc tăng giá cước 3G, nhiều người cho rằng tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại giảm. Theo Bộ trưởng việc tăng như vậy có hợp lý không?

Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc điều chỉnh giá cước 3G được dư luận xã hội rất quan tâm. Giá cước của ta từ khi phát triển 3G đến nay không tăng. Giá cước viễn thông từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng, trong các báo cáo thống kê đều cho thấy giảm.
“Thời gian qua tăng giá cước là chủ trương chung của Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các nghị định ban hành, trong đó có luật giá, luật cạnh tranh, cam kết quốc tế… chúng ta không thể bán dưới giá thành, vì theo quy định hiện nay tất cả các loại mặt hàng không được cạnh tranh bằng cách bán dưới giá thành”, ông Son lý giải.

Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng theo Bộ trưởng Son, dịch vụ 3G khi ra đời có các giai đoạn tăng trưởng, bão hòa, suy thoái… nên các nhà mạng phải giảm giá thu hút khách, rồi tăng giá dần lên.
“Nhưng chúng ta giảm giá quá lâu, từ cuối năm 2009 đến nay chưa tăng giá lần nào. Giá đó đều rất cạnh tranh, mà giá đó các nhà mạng chi phối thị trường. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 32 quy hoạch lại thị trường viễn thông, trong đó có nội dung từng bước nâng giá viễn thông bằng và trên giá thành để thị trường cạnh tranh lành mạnh, các nhà cung cấp dịch vụ không được bán dưới giá thành”, ông Son tái khẳng định việc tăng giá cước là cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đưa ra một vài thông số cho thấy giá cước 3G của Việt Nam đã tính ở mức thấp thời gian vừa qua: Thấp hơn so với khối Asean 34,9 lần; so với khu vực châu Á Thái Bình Dương là khoảng 34-57%. Do đó, ngay cả khi các nhà mạng Việt nam đã nâng cước thì vẫn thấp hơn giá thành. Tính đến tháng 9 đã có trên 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có gần 19 triệu thuê bao là 3G. Trong các gói cước thì chỉ tăng gói cước 3G dùng data, để truyền tin, truyền ảnh, truyền dữ liệu… tổng cộng tăng trung bình 20%.
Ông Son nhấn mạnh: “Tăng giá cước 3G là việc bình thường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác các nhà mạng đều thuộc nhà nước, có tăng giá cước lên cũng là góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước. Năm 2012, VNPT đóng góp 7.300 tỷ cho đất nước, còn Viettel đóng góp 11.300 tỷ. Chúng ta cũng cần chia sẻ với các nhà mạng là thiết bị hầu như đều nhập từ nước ngoài. Chúng ta dùng mạng, các nhà mạng thanh toán giá với quốc tế, cho nên không thể thanh toán giá cao mà bán với giá thấp được. Đồng thời, tăng giá cước 3G cũng là tăng giá cước với nhóm người có thu nhập cao dùng smartphone”.
Năm 2015 mới có 4G

Tiếp tục trao đổi về việc tăng cước 3G và chất lượng dịch vụ viễn thông, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Việc tăng giá cước 3G có phải là để bù đắp cho việc giảm doanh thu của dịch vụ OTT hay không? Bản thân tôi cũng dùng dịch vụ 3G nhưng tôi thấy chất lượng giảm sút, xin bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này? Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ thì Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng mạng viễn thông 4G?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, việc tăng giá cước không chỉ bù đắp cho đầu tư hạ tầng mạng mà còn nâng chất lượng 3G. Thực tế cũng có một phần bù đắp cho OTT, nhưng không phải hoàn toàn vì lý do này mà tăng cước; và đúng là chất lượng 3G hiện nay chưa cao.

Vậy tới khi nào mới có 4G? Bộ trưởng Son cho biết: “Vào khoảng năm 2015 sẽ ứng dụng 4G tại Việt Nam. Bộ Bộ thông tin truyền thông  đã cấp phép cho một số doanh nghiệp viễn thông làm thử nghiệm tiền 4G tại Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta đã đầu tư cho thiết bị dịch vụ 3G tới 2 tỷ USD, hiện nay mới có khoảng 19 triệu thuê bao dùng 3G, cho nên mật độ đó chưa đủ để các nhà mạng thu hồi vốn”.
Trước đó, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, Mobiphone, Vinaphone đồng loạt tăng giá cước 3G cùng lúc khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu các nhà mạng có thông đồng để cùng nâng cước 3G?
Ông Nguyễn Phương Nam – Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: “Ngày 14/10/2013 Cục quản lý Cạnh tranh đã yêu cầu 3 DN trên giải trình, cung cấp toàn bộ thông tin để điều tra, xem xét. Xét thấy vụ việc có tính phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề luật pháp, Cục quản lý cạnh tranh đang phối hợp chặt chẽ với cục viễn thông tiến hành xác minh sự việc trên. Cục sẽ báo cáo chính thức với Bộ để có những bước xử lý tiếp theo. Đây là một vụ việc phức tạp nên không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng sẽ cố gắng làm minh bạch”.
Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương làm rõ việc các nhà mạng có dấu hiệu "bắt tay nhau" lợi dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường để đồng loạt tăng giá cước 3G hay không? Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Bộ Công thương cho biết, trung tuần tháng 11, cơ quan này sẽ công khai mọi thông tin liên quan tới cước 3G.
Ngọc Quang