Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có một quyết định đúng đắn!

08/04/2017 08:47
Mai Anh
(GDVN) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhận định, tuyên bố không áp giá sàn vé máy bay của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa rất đúng đắn và sẽ được nhân dân ủng hộ.

Có thể giảm giá vé thì tại sao không cho giảm?

Tại buổi làm việc thường kỳ của Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải ngày 7/4 vừa qua, liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay, báo Giao thông dẫn lời Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết: “Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay”.

Ông Nghĩa đặt vấn đề: “Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm? Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra, kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa?”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh cần phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý. Phải xuất phát từ hạ tầng, hạ tầng đáp ứng được đến đâu thì phải có giải pháp điều hành để đảm bảo an toàn, an ninh tối đa, đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa vấp phải sự phản đối của dư luận. ảnh trên Thời báo Kinh tế.
Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa vấp phải sự phản đối của dư luận. ảnh trên Thời báo Kinh tế.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho biết: “Tôi đánh giá rất cao quyết định và quan điểm của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trong vấn đề giá sàn vé máy bay. Bộ trưởng đã thể hiện tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, các chuyên gia”.

Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu rõ, trong Hiến pháp quy định rõ mọi người dân đều được quyền tiếp cận với mọi dịch vụ. Muốn để người dân tiếp cận dịch vụ phải có sự cạnh tranh, cạnh tranh sẽ đưa giá dịch vụ, hàng hóa xuống thấp giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Đó cũng chính là định hướng mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ đang kiên trì thực hiện.

“Nếu bây giờ quy định giá sàn thì còn đâu là cạnh tranh, còn đâu kinh tế thị trường. Chúng ta đang hướng đến xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tức trong đó quyền lợi của đại đa số người dân sẽ được đảm bảo. 

Đại đa số người dân chúng ta thu nhập chưa cao, vé máy bay càng rẻ người dân càng được tiếp cận, do vậy không có lý do gì để quy định giá sàn kìm hãm giảm giá vé”, Phó Giáo sư An nêu vấn đề.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng quyết định không áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là đúng đắn và kịp thời - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng quyết định không áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là đúng đắn và kịp thời - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Trước đó nêu quan điểm về giá sàn vé máy bay nội địa, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định, nếu quy định giá sàn giá vé đường nội địa được thông qua đồng nghĩa nhiều người có thu nhập thấp không thể đi máy bay.

Khi không thể đi hàng không người dân buộc phải lựa chọn phương tiện vận tải khác, điều đó vô hình chung gây áp lực lên ngành vận tải khác.

“Nếu đưa ra quy định giá sàn cho vé máy bay sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi thị trường hàng không không còn cạnh tranh người chịu thiệt nhất là hành khách”, bà An khẳng định.

Nếu áp giá sàn sẽ không còn cạnh tranh

Đồng quan điểm chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Quang Bình (Tạp chí Khoa học Kinh tế - Đại học Kinh tế Đà Nẵng khẳng định: “Nếu bán vé máy bay với giá rẻ mà các hãng hàng không vẫn có lợi nhuận, cả hành khách và nền kinh tế đều hưởng lợi thì không có lý do gì để Nhà nước đưa ra giá sàn để khống chế việc giảm giá vé này.

Phó Giáo sư Bùi Quang Bình chỉ rõ, hãng không cũng như các ngành khác muốn phát triển phải có cạnh tranh. Trong đó giá vé là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có một quyết định đúng đắn! ảnh 3

Đề xuất khung giá sàn vé bay nội địa đi ngược định hướng kinh tế thị trường

“Phải thừa nhận trong khoảng 3 năm trở lại đây giá vé máy bay đường bay nội địa đã giảm rất nhiều so với trước đây. Giá vé giảm do sự cạnh tranh các hãng hàng không Vietnam Airlines – Vietjet - Jetstar.

Giá vé giảm đã thu hút lượng lớn hành khách đi hàng không, giảm áp lực với vận tải đường bộ và đường sắt và giúp ngành hàng không tăng trưởng mạnh những năm qua”, Phó Giáo sư Bình nhận định.

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không đang phát triển nhanh và năng động, xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hàng không đóng góp 6 tỷ USD cho GDP hàng năm của Việt Nam.

“Cạnh tranh về giá vé tốt cho khách hàng, cho nền kinh tế giúp tăng trưởng ngành thì không có lý do để quy định giá sàn để khống chế việc giảm giá”, Phó Giáo sư Bình nhấn manh.

Vị chuyên già này phân tích các hãng hàng không đều có định hướng phát triển và nhắm vào từng đối tượng khách hàng khác nhau. Vietnam Airlines muốn xây dựng thương hiệu hàng không cao cấp 4 sao, 5 sao còn Vietjet và Jetstar hướng phân khúc thị trường trung bình và giá rẻ.

Như vậy với mỗi định hướng phát triển các hãng có chính sách giá vé khác nhau không thể quy chung về một giá sàn theo tư duy chủ quan.

Trong cơ cấu hình thành giá vé bay ngoài thuế, phí sân bay, chi phí nhiên liệu còn chi phí nhân công. 

Một hãng hàng không bộ máy cồng kênh chi phí trả lương nhân viên nhiều nếu giá vé rẻ chắc chắn sẽ không đủ để trả nhân công. 

Ngược lại, một hãng hàng không quản trị hiện đại nhân sự ít nhưng hoạt động hiệu quả hoàn toàn có thể hạ giá vé để cạnh tranh mà vẫn đảm bảo tăng trưởng và có lãi.

“Nếu áp quy định giá sàn sẽ không còn cạnh tranh trên thị trường hàng không, giá vé nằm trong khung cố định với mức cao hơn hiện nay. Điều này đồng nghĩa cơ hội đi lại bằng hàng không của người dân giảm xuống, doanh nghiệp hàng không giá rẻ gặp khó khăn”, Phó Giáo sư Bình cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Bình áp giá sàn sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch trong nước.

Du lịch được Bộ Chính trị xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Đến 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Muốn thực hiện được mục tiêu này theo ông Bình phải thu hút được khách du lịch. Để thu hút khách du lịch cả trong nước và quốc tế du lịch cũng cần phải giảm giá.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã có một quyết định đúng đắn! ảnh 4

Nếu áp giá sàn vé máy bay, du lịch Việt Nam có nguy cơ thiệt hại nặng nề

“Giá tour du lịch phụ thuộc nhiều vào giá vé hàng không do đó nếu không có giá sàn giữa hàng không và du lịch sẽ đàm phán mức giá hai bên đều có lợi. 

Tuy nhiên nếu áp giá sàn thì công ty du lịch muốn giảm giá tour cũng khó vì giá vé máy bay đã cố định theo khung giá sàn”, ông Bình cho biết thêm. 

Hàng không tự cứu mình

Tính đến năm 2016, có khoảng hơn 10 triệu hành khách trong nước đi máy bay nội địa, so với dân số cả nước là 90 triệu người con số này chưa nhiều. 

Do đó nếu quy định giá sàn vé máy bay, chắc chắn cơ hội đi lại bằng máy bay của người dân bị hạn chế, số người đi lại bằng phương tiện này có nguy cơ giảm.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được đưa ra vì cho rằng hàng không cạnh tranh không lành mạnh, bán vé giá thấp khiến hành khách của đường sắt và đường bộ chuyển sang hàng không.  

Tuy nhiên theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến – Nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế học Nghiên cứu sinh chuyên ngành Kinh tế học tại Colombo University (Srilanka) đây là tư duy bảo hộ, thiếu thực tế.

Thạc sĩ Chiến cho rằng, bản thân hàng không phát triển vì có cạnh tranh trong khi đường sắt trì trệ vì lâu nay độc quyền, chậm đổi mới. Giá vé cao nhưng chất lượng phục vụ thấp.

Trong khi đường bộ muốn phát triển phải phụ thuộc vào hạ tầng giao thông. Muốn phát triển hạ tầng giao thông đường bộ không phải chuyện một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn càng không dễ .

“Như vậy trong khi đường sắt trì trệ đường bộ khó khăn thì hàng không phát triển và tăng trưởng tốt. Đáng nhẽ cần có nhiều chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển hàng không chứ không phải đưa ra quy định để hạn chế cạnh tranh gây khó”, Thạc sĩ Chiến cho biết.

Theo Thạc sĩ Chiến ở khía cạnh nào đó đường bộ, đường sắt phải cảm ơn ngành hàng không khi san sẻ gánh nặng vận tải trước nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa lớn của người dân, doanh nghiệp.

Trở lại vấn đề, đặt giả thiết giá sàn quy định cao người dân không đi hàng không  Thạc sĩ Chiến đặt câu hỏi: Đường sắt sẽ làm gì để thu hút hành khách? Và đường bộ liệu có ùn tắc khi quá tải?.

Trả lời câu hỏi này, ông Chiến cho rằng nếu quy định giá sàn vé máy bay ngành giao thông vận tải tự làm khó chính mình.

Trong khi đó trước quan điểm của người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải về vấn đề giá sàn, Thạc sĩ Chiến cho biết: “Đây quyết định đúng đắn, kịp thời và rất đáng hoan nghênh của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bác đề xuất giá sàn Bộ Giao thông vận tải tự cứu chính mình và cứu cả nền kinh tế”.

Mai Anh