Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Nâng trần bội chi không phải là... in thêm tiền

27/10/2013 08:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cuối giờ chiều 26/10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Việc nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%, yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát không phải là in thêm tiền để làm thêm những việc mới ngoài kế hoạch, như nhiều chuyên gia và người dân lo.

Trước những thông tin cho rằng, việc Chính phủ xin nới trần bội chi có thể làm phát sinh lạm phát, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tất cả những kế hoạch hằng năm, chi tiêu ngân sách, đầu tư cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch phát triển ngành và của các địa phương thì phần nhiều đều giao cho các cơ quan có chức năng nghiên cứu xây dựng, hoặc tham gia xây dựng.

Trong quá trình thẩm định trước khi phê duyệt, bao giờ cũng lấy ý kiến đông đảo các nhà khoa học. Rất nhiều vấn đề được đặt lên, đặt xuống, mỗi người đều có cái lý của mình nhưng Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khi xem xét kế hoạch hằng năm và 5 năm đều xem xét rất tổng thể.

“Cụ thể về nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% cũng đơn giản như thế này: Năm nay sản xuất kinh doanh khó khăn và Bộ Tài chính nói rằng thu rất khó, lần đầu tiên sau mười mấy năm bị hụt thu. Kế hoạch đầu năm mà Chính phủ đã trình cuối năm ngoái và Quốc hội đã thông qua thì năm 2013 sẽ thu được bao nhiêu tiền và chi bao nhiêu tiều, chi vào đâu, đều có kế hoạch rất cụ thể.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Ngọc Quang
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Ngọc Quang
Đến gần cuối năm, thu hụt thì xin nâng bội chi, tức là mình tiêu nhiều hơn thu được để bù vào thực hiện kế hoạch chi mà chúng ta đã làm năm ngoái chứ không phải nâng lên để làm cái gì mới. Do đó, yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát không phải là in thêm tiền để làm thêm những việc mới ngoài kế hoạch, như nhiều chuyên gia và người dân lo”.
"Tôi nhớ cách đây 1 tuần, 3 nhà khai thác mạng đồng tình tăng cước 3G. Ngay lập tức, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phải kiểm tra, nếu vi phạm Luật Cạnh tranh thì phải xử lý. Tinh thần của chúng ta là giá cả các dịch vụ thiết yếu đã thống nhất phải theo thị trường có định hướng, làm sao để tổng thể các ngành kinh tế phải phát triển đồng đều. Chúng ta đã có các luật, các văn bản pháp luật, chúng ta phải tuân theo, dù là cá nhân hay tổ chức nào. Bộ Công Thương hiện nay đang tiến hành kiểm tra, đối chiếu để báo cáo lại Chính phủ, nếu có vi phạm phải xử lý ngay", Bộ trưởng Vũ Đức Đam

Cũng theo Bộ trưởng Đam, cách đây 2-3 tháng, Bộ Tài chính rà soát lại và dự kiến hụt thu khoảng 63.000 tỷ đồng. Trong khi đó tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2013 khoảng 185.000 tỷ đồng. Trần bội chi được nâng từ 4,8% lên 5,3%, tương ứng 18.500 tỷ đồng là cố gắng để đầu tư cho phát triển nhưng nguồn thu không có, chứ không phải nâng trần bội chi lên hết để đủ bù 63.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước những nguồn tin cho rằng: GDP các tỉnh cao, nhưng GDP cả nước lại thấp, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lý giải: “GDP chỉ đúng với nền kinh tế hoàn thiện, không có khái niệm GDP với từng tỉnh, mà chúng ta gọi theo thói quen nhiều năm nay, cho nên đương nhiên số liệu ở tỉnh, thực ra nếu đúng về khoa học kinh tế, không thể gọi GDP được. 
Việt Nam chỉ có tăng trưởng GDP cả nước thôi. Tôi nói nôm na như thế này cho bạn dễ hình dung: Ví dụ mình đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh chẳng hạn. Đầu tư vào con đường từ đây lên Bắc Ninh, chạy qua cả Hà Nội lẫn Bắc Ninh, đều tính đầu tư vào Trung ương, nhưng nó có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế của Bắc Ninh.

Nếu tách rời Bắc Ninh với Hà Nội, nói về đầu tư vào con đường ấy và hiệu quả của nó thì không hết vì nó còn tác động cả đến Lạng Sơn. Như vậy cũng chưa hết, từ Bến Tre đến Lạng Sơn thì con đường ấy không đóng góp à? Nó chỉ có giá trị đúng khi mà tính về mặt kinh tế trên cả nước. Tất cả người học kinh tế đều rất hiểu nhưng đều theo thói quen”. 

Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc này, một mặt chấn chỉnh hệ thống thống kê về số liệu, mặt khác cũng phải tăng cường tuyên truyền.

“Thực ra không phải vì số liệu thống kê chỉ có một, còn số liệu khác là số liệu điều hành, không nằm trong số liệu thống kê Nhà nước. Hai cái số đó khác nhau, số liệu thống kê được thu thập bởi hệ thống thống kê, được tổ chức rất chặt chẽ, còn các số liệu điều hành thì có các sở, ban, ngành tập hợp lên để điều hành có sự chỉ đạo”, Bộ trưởng Đam nói.  

Ngọc Quang