Nếu liên tục khai lỗ, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm gì?

26/09/2013 06:59
Hoàng Lực
(GDVN) - Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp FDI liên tục khai lỗ lớn trong thời gian gần đây, chuyên gia Kinh tế - Tài chính Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: Nếu liên tục khai lỗ, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm gì?
Kết quả về việc thanh tra chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai củaThanh tra Chính phủ mới đây cho thấy: Tình trạng các doanh nghiệp FDI liên tục khai lỗ lớn ngày càng ra tăng. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2011, qua kiểm tra 399 doanh nghiệp ở khu chế xuất có số thu phải nộp thuế, đã phát hiện ra 125 doanh nghiệp hạch toán lỗ trong ba năm 2009 - 2011. Trong số này, có tới 36 doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp với tổng mức lỗ lên tới trên 2.800 tỷ đồng; 69 doanh nghiệp khác có mức lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức lỗ 1.829 tỷ đồng.
Công ty TNHH Meiko Việt Nam, doanh nghiệp khai lỗ lớn vừa được thanh tra.
Công ty TNHH Meiko Việt Nam, doanh nghiệp khai lỗ lớn vừa được thanh tra.
Tuy khai lỗ liên tục nhưng một số doanh nghiệp vẫn có “tốc độ tăng doanh thu hàng năm vẫn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu”. Phân tích về kết quả này, chuyên gia Kinh tế - Tài chính Bùi Kiến Thành khẳng định không thể có chuyện cùng lúc nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ lớn như vậy. “Hiện nay chúng ta không quản lý tốt nên mới có những nghi vấn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giá ra nước ngoài chứ không phải là người ta lỗ, Coca Cola là một ví dụ, không thể một doanh nghiệp FDI suốt mười mấy năm kinh doanh tại Việt Nam lại liên tục báo lỗ”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng thừa nhận, việc thanh tra, kiểm tra hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thể chứng minh có hay không việc doanh nghiệp FDI chuyển giá ra nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành.
“Ví dụ một đôi giày của hãng Adidas được gia công sản xuất tại Việt Nam, khi xuất ra nước ngoài chỉ có 11-12 USD nhưng sang Hồng Kông, Singapore rồi qua bên Mỹ giá lên tới 100 USD. Trong khi đó, khi khai thuế tại Việt Nam chỉ mười mấy USD như vậy họ không có lời nhưng việc xuất từ Singapore, Hồng Kông, Adidas có thể kiếm vài chục USD tiền lãi ở ngoài. Vì vậy việc doanh nhiều doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ một phần lớn là do chuyển giá đi” – Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.
Bên cạnh việc chuyển giá ra nước ngoài báo lỗ “ảo” để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp,doanh nghiệp FDI đưa ra nguyên nhân đầu tư lỗ tại Việt Nam là do việc nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài với giá thành cao. Nhưng thực tế nếu giá thành nguyên liệu cao, sản phẩm làm ra cũng phải bán với giá cao sẽ không thể tiêu thụ được, do vậy ngay cả nguồn nguyên liệu nhập vào cũng trong quy trình khép kín. 

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, các đơn vị cung cấp nguyên liệu là các công ty con của doanh nghiệp FDI này ở các nước khác, vì vậy doanh nghiệp FDI này có thể làm lại hóa đơn nâng giá gấp 2 -3 lần. Hoặc khi sản phẩm làm ra tại Việt Nam nhưng xuất bán ra giá rất rẻ, thể hiện trên hóa đơn không hề có lãi nhưng sau đó lại được làm lại hóa đơn nâng giá gấp nhiều lần và xuất bán ra thị trường ở nước thứ 3.

“Tại chúng ta quản lý không tốt”, ông Thành nói. 

“Nếu nhà đầu tư nước ngoài lỗ thì người ta đến đây làm gì? Không thể có chuyện một doanh nghiệp FDI đầu tư 5 – 6 nhà máy tại Việt Nam lại kêu lỗ được”, chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt ra câu hỏi. Theo lý giải của ông, các doanh nghiệp FDI sẽ không lỗ khi đầu tư tại Việt Nam vì có rất nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp trong nước.

Thứ nhất các doanh nghiệp FDI đều là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn có kinh nghiệp sản xuất kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường. 

Thứ hai doanh nghiệp FDI có nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ nằm ở nước ngoài, thậm chí nếu phải vay ngân hàng với lãi xuất của nước ngoài cực kỳ thấp như tại Nhật Bản chỉ 1%, Mỹ 2%, trong khu vực chỉ 3-4%. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải vay tín dụng  20-30% giờ giảm xuống nhưng vẫn ở mức quá cao.

Thứ ba các doanh nghiệp FDI tuy đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng đã có sẵn thị trường xuất khẩu là các nước.

Từ những nguyên nhân trên,  không thể có chuyện cùng lúc nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam gặp lỗ lớn như vậy. “Nhìn vào những con số thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phát triển rất tốt, chỉ số xuất khẩu của chúng ta thời gian qua tăng cao phần lớn đều xuất phát từ doanh nghiệp FDI”, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết thêm.

Thêm vào đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam thu hút doanh nghiệp nước ngoài do nguồn nhân công dồi dào, chi phí lao động thấp, nhiên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp ví dụ như giá điện ở mức thấp. 

Theo chuyên gia Kinh tế - Tài chính Bùi Kiến Thành, không thể có chuyện một doanh nghiệp FDI suốt mười mấy năm kinh doanh tại Việt Nam lại liên tục báo lỗ như Coca Cola.
Theo chuyên gia Kinh tế - Tài chính Bùi Kiến Thành, không thể có chuyện một doanh nghiệp FDI suốt mười mấy năm kinh doanh tại Việt Nam lại liên tục báo lỗ như Coca Cola.

“Doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sắt thép tại Việt Nam cực kỳ lợi thế vì giá điện rẻ, chúng ta cong lưng làm nhà máy thủy điện nhưng nhiều nơi điện sử dụng người dân bị cắt mà doanh nghiệp sắt nước ngoài thì thỏa mái dùng điện giá thấp, không hợp lý” – Chuyên gia Bùi Kiến Thành nêu ra bất cập.

Thêm nữa, doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam hiện nay được Chính phủ ưu đãi rất nhiều đặc biệt về các chính sách giảm thuế, giãn thuế. “Từ đó khẳng định không phải do môi trường đầu tư Việt Nam xấu, vì xấu thì người ta làm làm gì, doanh nghiệp nước ngoài họ nghiên cứu kỹ lắm. Do vậy không có chuyện doanh nghiệp nước ngoài đầu tư Việt Nam lỗ”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Danh sách doanh nghiệp FDI khai lỗ lớn
Tại Hà Nội: Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam chuyên sản xuất vi mạch dẻo điện tử cho các ngành điện thoại di động, ổ đĩa cứng. Đây là công ty 100% vốn Nhật Bản có trụ sở tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội này có số lỗ lũy kế 3 năm lên tới hơn 777 tỷ đồng.

Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam có số lỗ 3 năm là hơn 300 tỷ đồng. Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chính thức được trao giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội vào cuối năm 2010. Nhà máy của Meiko tại Hà Nội là một trong 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất năm 2006 và là dự án sản xuất điện tử có vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm cấp phép.

Đồng Nai: Có 4 doanh nghiệp khai lỗ lớn được kiểm tra bao gồm: Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia với mức lỗ lũy kế 3 năm là hơn 430 tỷ đồng; Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam với số lỗ lũy kế 2 năm là hơn 292 tỷ đồng. Sau 13 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty này đã đầu tư trên 200 triệu USD và từng đạt mức doanh thu xuất khẩu lên tới gần 500 triệu USD vào những năm 2006-2007; Công ty TNHH Kureha Việt Nam với mức lỗ lũy kế 3 năm là 264 tỷ đồng; Và Công ty TNHH Olympus Việt Nam với mức lỗ lũy kế 2 năm là 256 tỷ đồng.

Tp.HCM và Bình Dương “đóng góp” hai đại diện trong danh sách lỗ lớn được thanh tra, bao gồm Công ty TNHH Freetrend Industriala Việt Nam với mức lỗ 2 năm là trên 222 tỷ đồng và Công ty TNHH Saigon Stec (Bình Dương) với mức lỗ lũy kế 3 năm trên 218 tỷ đồng.
Hoàng Lực