Cá chép Trung Quốc đắt hàng cho lễ tiễn ông Công, ông Táo

21/01/2014 15:46
Theo Tiền Phong
Thị trường cá chép cận ngày ông Công - ông Táo chầu trời càng nhộn nhịp. Bên cạnh cá chép đỏ; thị trường xuất hiện thêm cá nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản...

Đìu hiu hàng mã

Cận ngày Tết ông Công - ông Táo nhưng lượng người đi mua đồ cúng khá thưa thớt. Con phố Hàng Mã, Lương Văn Can... (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngập tràn đồ trang trí ngày Tết: đèn lồng, hoa, lì xì... thay vì treo đồ cúng (ông Công - ông Táo) như mọi năm.

Gian hàng của cụ Tư (28 Hàng Mã) bày vẻn vẹn 10 bộ mũ áo hàng mã. Cụ Tư cho biết, 2 năm nay kinh tế khó khăn, người dân không bỏ tiền triệu mua đồ cúng cao cấp như: nhà lầu, xe hơi, ngựa, điện thoại xịn... mà lựa chọn đồ thông dụng, bình dân như áo, mũ để cúng.

Nhiều cửa hàng trước đây bán đồ vàng mã đã chuyển dần sang bán đồ trang trí. Vài năm trước, cụ Tư bán hàng trăm bộ cúng/ngày thì nay chỉ bán được khoảng chục bộ. Theo cụ, giá hàng mã năm nay tăng 10 - 20% so với năm ngoái. Mũ, áo, hia, cá chép có giá từ 110.000 - 300.000 đồng/bộ.

Vào những ngày giáp 23 tháng Chạp, con phố Hàng Mã (Hà Nội) luôn đông cứng người đi sắm lễ ông Công, ông Táo. Ảnh: Như Ý.
Vào những ngày giáp 23 tháng Chạp, con phố Hàng Mã (Hà Nội) luôn đông cứng người đi sắm lễ ông Công, ông Táo. Ảnh: Như Ý.

“Sở dĩ chúng tôi buôn bán ế ẩm một phần do người dân thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, đồ vàng mã, người bán hàng rong cũng nhiều. Tuy nhiên, gánh rong thường làm đồ cúng bằng giấy kém chất lượng, nên giá bán chỉ bằng một nửa, cạnh tranh với hàng mã chất lượng”, cụ Tư nói.

Tại cửa hàng chị Tám (63 Hàng Mã) khá tấp nập khách ra vào, nhưng chủ yếu mua cành lộc, hoa mai nhựa, bóng bay. Chị Tám cho hay, vài năm nay cửa hàng chị chuyển sang bán đồ trang trí nhập từ Trung Quốc.

“Hàng mã buôn bán ế ẩm. Chúng tôi nhập các mặt hàng cao cấp vào dịp rằm tháng 7, còn hiện chỉ bán mặt hàng bình dân. Gần đến ngày ông Công - ông Táo nhưng có ngày tôi không bán được bộ nào. Giá cũng chỉ dao động 100.000 đến 150.000 đồng/bộ”, chị Tám nói.

Đa số các cửa hàng bán đồ cúng trên phố Hàng Mã lấy nguồn hàng từ Thuận Thành (Bắc Ninh). Ngược lên phố Hàng Bồ (Hoàn Kiếm), nơi có nhiều cửa hàng tự làm đồ hàng mã cũng trong tình trạng tương tự. Bà Thanh với vẻ mặt trầm ngâm ngồi ngóng khách chia sẻ: “Dù buôn bán ế, nhưng vì năm nay nguyên liệu đắt nên giá bán hàng mã tăng. Mỗi dịp lễ Tết có những mặt hàng mã cúng khác nhau. Năm nay, gia đình tôi chỉ làm vài chục bộ mũ, áo ông Công - ông Táo vì sợ ế. Nếu hàng này ế để sang năm dễ bị phai màu, khó bán”.

Cá chép Trung Quốc lên ngôi

Trái với cảnh đìu hiu của đồ cúng vàng mã, thị trường cá chép cận ngày ông Công - ông Táo chầu trời càng nhộn nhịp. Năm nay, bên cạnh cá chép đỏ thông thường; thị trường xuất hiện thêm nhiều loại cá chép nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, màu sắc đa dạng, hợp mệnh với từng thân chủ, để cúng ông Táo. Ở làng Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), nơi có nhiều hộ bán buôn các loại cá cảnh, cá chép, hiện có nhiều khách hàng đến mua về cúng.

Tại cửa hàng cá cảnh số 56A làng Yên Phụ, loại cá chép đỏ thông thường bán lẻ với giá là 10.000 đồng/con, còn bán buôn số lượng lớn từ 140.000-150.000 đồng/kg (khoảng 30 con). Nhân viên cửa hàng này cho biết, mấy ngày gần đây, lúc nào cũng có khách đến mua cá, thậm chí có cả khách từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam...

Chủ cửa hàng Phong Diệp (24 Yên Phụ) nhẩm tính: “Mấy hôm nay, tôi bán được bình quân nửa tạ cá chép đỏ/ngày, với giá 150.000 đồng/kg (mỗi kg khoảng 30-35 con)”.

Những chú cá chép này sẽ được bán cho các gia đình cúng lễ ông Công - ông Táo. Ảnh: Ngọc Châu
Những chú cá chép này sẽ được bán cho các gia đình cúng lễ ông Công - ông Táo. Ảnh: Ngọc Châu

Theo ông, ngoài cá chép đỏ, loại cá chép vảy rồng, Tam Dương, chép Koi... màu sắc sặc sỡ, bắt mắt cũng nhiều khách hỏi mua. Hiện cửa hàng Phong Diệp bán chép Koi với giá 400.000 đồng/đôi. Ông Phong cho hay, hầu hết các loại cá cảnh nhiều màu trên nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc, trong đó phần lớn lấy từ Trung Quốc. Ở Việt Nam cũng có nhưng số lượng có hạn. “Làm” cá Trung Quốc, nếu không khéo chăm sóc, cá yếu, dễ chết nên nguy cơ trắng tay.

Dọc đường Hoàng Hoa Thám, nhiều cửa hàng cá cảnh cũng bày bán các loại cá chép lạ dịp ngày ông Công - ông Táo. Tại cửa hàng cá cảnh Hưng Lan, loại chép Koi có giá 100.000 - 600.000 đồng/con, tùy từng kích cỡ.

Chị Lan, chủ cửa hàng cho biết, khác với những năm trước, năm nay ngoài chép thường, người dân cũng chuộng các loại chép Koi do nhiều màu sắc để lựa chọn.

“Bình thường, họ vẫn thả chép đỏ. Còn cầu kỳ hơn, tính tuổi, hợp màu thì mua. Tôi thấy thanh niên trẻ thả loại chép Koi màu trắng cho nó khỏe khoắn. Còn người làm ăn, buôn bán, người ta thả cá màu vàng, để cầu lợi lộc”- chị Lan nói.

Khi chúng tôi hỏi mua loại cá chép cúng ông Công - ông Táo, chị chủ cửa hàng Tuấn Ngọc trên đường Hoàng Hoa Thám đon đả: “Em ơi, cá chép năm nay có nhiều loại, thêm lựa chọn cho ông Táo về giời. Loại chép đỏ, vảy rồng, Tam Dương thường này chị vẫn bán xòn xòn 70.000-80.000 đồng/đôi, cũng như năm ngoái thôi. Vài ngày nay, chị cũng bán đứt trên dưới 50 kg cá mỗi ngày. Còn đây là loại chép Koi nguồn gốc từ Nhật, nhiều màu, các chú xem mệnh hợp với màu nào thì chọn màu đấy”.

Nói đoạn, chị này dẫn chúng tôi vào mấy bể cá trong nhà rồi nói: “Năm nay nhiều người thả cá màu vàng giá khoảng 200.000 đồng/đôi”. Theo chị này, bình thường người dân mua cá chép đỏ do giá bình dân; còn người cầu kỳ hay có phần mê tín, chọn loại cá chép màu.
 
Theo P.Anh-N.Mai-T.Hùng (Tiền Phong Online)

Theo Tiền Phong