"Cái khó nhất của công ty xử lý nợ xấu là... con người"

01/05/2013 07:38
Hoàng Lực
(GDVN) -  “VMAC thành lập được kỳ vọng sẽ giải quyết được nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nhưng để nâng cao năng lực xử lý nợ của VMAC tôi nghĩ cái khó nhất bây giờ cần giải quyết là vấn đề nhân lực…” – TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Viện Ngân hàng – Tài chính.
Trong buổi họp báo Chính phủ ngày 26/4, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nếu không có gì thay đổi một vài ngày nữa sẽ triển các khai thủ tục để thông qua nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
Đề án thành lập VAMC do Ngân hàng Nhà nước xây dựng và trình Chính phủ với mục tiêu góp phần xử lý các khoản nợ, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Viện Ngân hàng – Tài chính cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần nhiều cơ chế đồng bộ và việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam chỉ là một trong số nhiều giải pháp được chính phủ đưa ra.

Cần nhiều giải pháp để giải quyết nợ xấu (ảnh nguồn Internet)
Cần nhiều giải pháp để giải quyết nợ xấu (ảnh nguồn Internet)

Trong báo cáo tổng kết hoạt động NHNN Việt Nam 2012 thì các nhóm nợ xấu gồm Quỹ tín dụng nhân dân 7,40%, tài chính tín dụng phi ngân hàng 11,60%, Ngân hàng thương mại nhà nước 45,60%, Ngân hàng thương mại cổ phần 35%. 
Để giải quyết vấn đề nợ xấu, TS Nguyễn Thị Hoài Phương cho rằng phải tiến hành từng bước gồm các giải pháp, trong đó việc thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam VMAC được kỳ vọng rất nhiều. Trước khi VMAC chính thức đi vào hoạt động, theo TS Phương các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần đưa ra và thống nhất cách đo lường nợ xấu chính xác nhất. 
Chuyên gia kinh tế của Viện Ngân hàng – Tài chính này cũng cho biết, hiện nay các ngân hàng đang áp dụng hai phương pháp đo lường định tính và định lượng để tính số nợ xấu. Trong đó 75% ngân hàng sử dụng phương pháp đo lường định tính và 25% sẳ dụng phương pháp định lượng. 
“Để cho kết quả chính xác và đúng nhất phải là phương pháp đo lường định tính dựa trên: Khả năng vỡ nợ: PD, mức tổn thất khi vỡ nợ: LGD, tổng dư nợ của khách hàng không trả được nợ: EAD, tổn thất dự kiến: EL, từ đó sẽ dựa trên công thức EL = PD.LGD.EAD kết quả cho ra sẽ xác xuất cao hơn”, TS Phương cho biết. 
Cũng theo TS Nguyễn Thị Hoài Phương, sau khi có kết quả đo lường nợ xấu chính xác, để VMAC hoạt động cần có nguồn vốn ban đầu và nguồn vốn bổ sung. TS Phương cho biết: “Tôi nghĩ nguồn vốn này sẽ có được bằng việc phát hàng trái phiếu chính phủ, tuy nhiên chắc chắn sẽ cần vốn bổ sung và lượng tiền sẽ rất lớn cần huy động từ nhiều nguồn”.
Tiếp theo cần đưa ra cơ chế mua bán nợ giữa VMAC và các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng bằng cách phát hành trái phiếu có lãi xuất thấp, kỳ hạn dài. Nhưng ngay cả việc mua lại nợ xấu của các ngân hàng cũng cần có sự cân nhắc lựa chọn.
“Chúng ta cần chon những đơn vị có khả năng thu hồi vốn, tránh trường hợp gom nợ xấu của các ngân hàng vào VMAC và sau đó chúng ta lại phải tìm cách xử lý nợ xấu cho VMAC” – TS Phương nói.
Trước rất nhiều công việc được kỳ vọng cho VMAC, điều TS Nguyễn Thị Hoài  Phương lo lắng chính là phải tìm ra đội ngũ con người, nhân lực có đủ khả năng đưa ra sáng kiến giúp VMAC hoạt động hiệu quả. “Để VMAC hoạt động hiệu quả cần xem xét nhiều yếu tố như: Nguồn vốn, cơ chế mua bán nợ và cơ chế thu hồi và xử lý nợ. Nhưng trước mắt cần tìm  con người, nhân lực đủ khả năng, kinh nghiệm hoạt động trong VMAC” – TS Nguyễn Thị Hoài Phương cho biết thêm.
Trước đó khi đưa ra ý kiến thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam VMAC đã có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Nhiều câu hỏi được đặt ra như VMAC sẽ hoạt động với nguồn vốn nào? Dưới dự quản lý của Chính phủ hay là một công ty con của Ngân hàng nhà nước… Hơn nữa cũng có nhiều ý kiến lo lắng về khả năng xử lý nợ xấu của VMAC.
Vì vậy để VMAC hoạt động tốt đáp ứng kỳ vọng góp phần giải quyết nợ xấu cần có sự giám sát, quản lý của Chính phủ, Quốc hội thông quan đội ngũ con người có năng lực trình độ tốt.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hoàng Lực