Cấm dừng quá 5 phút có bắt được bệnh ùn tắc của BOT?

21/01/2018 06:10
Lại Cường
(GDVN) - Nhiều luật sư cho rằng nếu để chống ùn tắc, các cơ quan quản lý về giao thông nên tìm cách quản lý khác chứ không nên sử dụng biển cấm ở trạm thu phí BOT.

Cắm biển có đúng luật?

Ngày 15/1, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ký văn bản về việc tổ chức giao thông tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ. Trong đó có việc lắp đặt biển "cấm dừng xe quá 5 phút" cách cabin thu giá 50 m, tại các trạm thu giá BOT.

Việc Tổng cục Đường bộ cho cắm biển tại các trạm thu giá BOT đang tạo ra nhiều nghi ngại cho cộng đồng.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng:

 “Việc cắm biển này của Tổng cục đường bộ phải khách quan và không trái luật. Trước khi ban hành phải theo trình tự, phải có hội đồng thẩm định, nghiên cứu.

Câu chuyện quá 5 phút cần phải xem xét trong luật có quy định biển này không. Các cơ quan ban hành cần phải nhìn thấu vấn đề thực tế.

Bên cạnh đó, luật sư Long cũng đặt câu hỏi: “Việc này được tính toán kỹ hay chưa? Tại sao lại là 5 phút? Tại sao anh không ra hẳn 30 phút hoặc chỉ 1 -2 phút? Việc cấm dừng quá 5 phút này đã được tính toán như thế nào?”

Đánh giá về việc cắm biển cấm,ông Long cho rằng: “Sau cả một thời gian biến động BOT, nhưng không phải vì thế mà ta đưa biển cấm dừng đỗ vào.

Các nhà quản lý cần phải nhìn nhận từ thực tiễn, cần những biện pháp thuyết phục hơn, tránh gây những hiệu ứng không cần thiết như vậy”.

Việc cắm biển cấm dừng đỗ quá 5 phút có giải quyết được ùn tắc tại các trạm BOT? (Ảnh: Tổng cục Đường bộ)
Việc cắm biển cấm dừng đỗ quá 5 phút có giải quyết được ùn tắc tại các trạm BOT? (Ảnh: Tổng cục Đường bộ)

Còn luật sư Vũ Văn Tính (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: “Trong điều lệ biển báo đường bộ có quy định về quy cách biển và trong trường hợp nào nên cắm biển cũng như cắm biển tạm thời.

Nếu việc cắm biển dừng đỗ không quá 5 phút chỉ là biển tạm thời để điều tiết giao thông thì không vấn đề gì.

Đó có thể coi là một biện pháp điều tiết giao thông của cơ quan quản lý về giao thông trong bối cảnh xảy ra nhiều ùn tắc tại các trạm BOT như thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu cắm biển cố định thì cần phải xem xét trong quy chuẩn, quy định của luật giao thông đường bộ có biển nào là biển cấm dừng quá 5 phút hay không. Nếu không có thì chắc chắn là trái luật.

Bởi theo chương 4 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 41:2016/BGTVT - PV) về báo hiệu đường bộ, quy định biển báo cấm, gồm: Biển cấm dừng xe và đỗ xe, biển cấm theo giờ hoặc biển cấm các loại phương tiện (tùy khu vực), không có quy định biển cấm thời gian dừng xe.

Việc cắm biển cấm dừng đỗ phải tuân những quy định của luật đường bộ, không cơ quan nào sáng tạo ra biển mà luật đã quy định cả".

Sao không áp dụng khoa học kỹ thuật?

Bày tỏ quan điểm về việc cắm biểm không dừng quá 5 phút, ông Bùi Sinh Quyền, chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: “Theo tôi không nên cắm biển cấm qua 5 phút. Đây không phải là biện pháp hữu hiệu để làm thông thoáng giao thông kể cả trong dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Cấm dừng quá 5 phút có bắt được bệnh ùn tắc của BOT? ảnh 2Ông Lưu Bình Nhưỡng "bắt bệnh" BOT giao thông

Bây giờ là thời buổi công nghệ rồi, các nhà quản lý phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào đó thì mới đúng. Ở những trạm thu phí một dừng, có áp dụng công nghệ thì việc thu phí diễn ra trong bao lâu? Có đến 5 phút không? Cắm biển để làm gì?", ông Quyền đặt câu hỏi.

Song song với việc cắm biển, vấn đề người dân vi phạm vào biển cấm, vốn là một luật sư, theo ông Quyền:  "Anh cắm biển cấm đó, người ta vi phạm thì anh xử lý thế nào?

Có pháp lệnh hành chính nào phạt việc dừng, đỗ ở đâu quá 5 phút không?

Quản lý nhà nước là phải tạo điều kiện cho người ta đi lại chứ không phải việc anh quản lý không được rồi anh cấm.

Ở những trạm thu giá BOT, người ta dừng 5 phút hay không 5 phút có nhiều yếu tố. Nếu nhân viên của BOT làm chậm, quá 5 phút của tài xế thì sao?

Thái độ và tác phong của từng người khác nhau, tự nhiên đốc thúc họ phải giao dịch không quá 5 phút thì rất khiên cưỡng".

Sơ đồ cắm biển của Tổng cục Đường bộ (ảnh minh họa VTC1)
Sơ đồ cắm biển của Tổng cục Đường bộ (ảnh minh họa VTC1)

Đánh giá về việc cắm biển cấm dừng không quá 5 phút, ông Quyền nêu quan điểm: “Việc của các cơ quan quản lý giao thông là đảm bảo giao thông thông thoáng, nhưng biện pháp phải có sự đồng thuận, không phải  ép người ta phải theo mình được.

Làm gì cũng cần có đồng thuận. Tôi đánh giá đây là sự trì trệ trong công tác quản lý của các cơ quan ban ngành làm quản lý giao thông.

Để các vấn đề của BOT gây những vấn đề nóng như thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này. Nếu xử lý kiểu lắt nhắt rồi tạo ra phản ứng thì quả thật không nên”.

Trả lời kênh truyền hình thông tấn, ông Vũ Ngọc Lăng, vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết:

“Chúng tôi đã quy định cụ thể là cấm dừng xe quá 5 phút. Trước trạm từ 100m đến 200m thì được cắm biển cấm đỗ xe. Biển này là biển P131A, đã được quy định trong quy chuẩn 41.

Cách trạm thu phí khoảng 50m thì cắm biển cấm đỗ xe quá 5 phút. Thì biển nền đỏ, chữ trắng. Được cắm 2 biển, một biển ở giữa dải phân cách và một biển cần vươn theo chiều xe chạy ở phía bên phải.

Sau trạm thu giá khoảng 100 đến 200m thì cắm biển thông báo hết cấm dừng, cấm đỗ.” 

Lại Cường