Cắt bỏ gần hết chân mày lở loét vì... xăm chui

24/06/2011 06:41
(GDVN) - 3 ngày sau khi xăm, vết thương chị C. không còn sưng, nhức nhưng vùng lông mày bị lở loét ai nhìn cũng sợ. Phần lông mày cũ đành phải cắt bỏ gần hết.

(GDVN) - 3 ngày sau khi xăm mày, vết thương của chị C không còn sưng, nhức nhưng vùng lông mày bị lở loét ai nhìn cũng sợ. Phần lông mày cũ đành phải cắt bỏ gần hết.

>> Kinh hoàng xăm môi, xăm mày trong quán... cắt tóc gội đầu

Cắt bỏ chân mày vì xăm giá rẻ

Các khoa thẩm mỹ, các trung tâm làm đẹp thẩm mỹ danh tiếng trong các bệnh viện lớn đã trở thành nơi “chữa bệnh” cho những bệnh nhân ham làm đẹp tại những cơ sở trôi nổi để lại biến chứng nặng nề.

Gặp chị Nguyễn Thị C. tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, nghe câu chuyện chị kể và chứng kiến vết sẹo dài trên gương mặt mới thấy hết mức độ nguy hiểm của việc xăm chân mày dạo.

Chị C kể, chị làm nghề bán hoa quả rong. Trong xóm trọ nhỏ của chị C. ở đầu phố Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), mọi người đều làm nghề bán hàng rong nhưng ai ai cũng bảo nhau xăm mày cho đẹp. Ai có tiền thì xăm thêm môi, mắt…

Những trung tâm chăm sóc sắc đẹp bình dân mọc lên để phục vụ công cuộc làm đẹp của chị em
Những trung tâm chăm sóc sắc đẹp bình dân mọc lên để phục
vụ công cuộc làm đẹp của chị em.
Chị C. là  phụ nữ duy nhất trong xóm chưa đi xăm vì thế chị nóng lòng không kém trước những lời rủ rê của chị em. Được bạn bè cùng bán hàng ngoài chợ tư vấn, chị C. đến một cửa hàng làm đẹp tại khu bến xe Giáp Bát để xăm chân mày. Tại đây, sau khi trò chuyện với nhân viên làm đẹp, chị C. chọn màu mực đen cho dân dã và phù hợp với công việc.

Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, chị C. đã có một đôi lông mày màu đen, đường nét như chị mong muốn. Tuy nhiên, khi chị băn khoăn về một phần mắt bị sưng, nhức... chị liền được nhân viên cửa hàng trấn an: “Chỉ sưng nhẹ, đến tối hết ngay”. Cố gắng chịu đau, chị C. ra về với hi vọng ngày mai sẽ đẹp hơn.
Tuy nhiên, hai ngày sau, vết sưng không giảm, chỗ kim thêu mày bị sưng và nhức. Chị C. nghỉ bán hàng để dưỡng thương, song càng ngày vết thương càng sưng tấy và đau nhức hơn. Lúc này, chị mới ra cửa hàng "bắt đền" và được nhân viên hướng dẫn mua thuốc kháng sinh chống viêm nhiễm uống kèm bôi thêm thuốc tiêu độc. 3 ngày sau, vết thương của chị không còn sưng, nhức nhưng vùng lông mày bị lở loét ai nhìn cũng sợ. Phần lông mày cũ đành phải cắt bỏ gần hết.

Lúc này, chị C. mới tá hỏa, cất công che chắn mặt mày để vào viện khám. Bác sĩ trong bệnh viện cho biết, chị bị nhiễm trùng có thể vì mực xăm không an toàn hoặc khi thực hiện xăm phu, dụng cụ không được khử trùng, không đảm bảo vệ sinh.
Suốt 1 tháng trời sau đó, chị phải điều trị và không dám ra đường. Công việc buôn bán vì thế mà ngưng trệ hoàn toàn. Gặp lại chị những ngày này, mặc dù đã đi bán hàng lại nhưng thấy rõ chị không còn tự tin giao tiếp với mọi người chỉ vì... vết sẹo vẫn đỏ ửng trên chân  mày mình. Gặp khách hàng, thay vì ngẩng lên đon đả chào mời như trước kia, giờ chị phải luôn tìm cách cúi mặt, che đi khiếm khuyết.

Thạc sĩ Lại Tuấn Phong, khoa phẫu thuật Laser, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết: ông đã gặp rất nhiều khách hàng sau khi xăm mình ở những nơi không an toàn đã phải tìm đến ông để cầu cứu. Những bệnh nhân như chị C. không phải hiếm.

Việc phun, xăm nhiều người nghĩ đơn giản nhưng nó có thể để lại biến chứng khá nặng nề. Có những người không hợp mực xăm sản phẩm xăm sẽ biến đổi màu. Có nhiều trường hợp khác vì mực xăm không an toàn, không có nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ nhiễm các bệnh khác từ dụng cụ phun xăm không an toàn.

Xóa xăm khó hơn xăm

Không giống với chị C. bị viêm nhiễm, sưng tấy phải cắt bỏ chân mày vì xăm, chị Bùi Thị Hà (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) luôn mặc cảm vì đôi môi thâm, tái của mình. Sau nhiều ngày tự tìm hiểu qua bạn bè, chị quyết định đến một trung tâm làm đẹp ở Đống Đa để xăm môi.

Màu mực chị chọn là màu hồng cánh sen nhưng khi lên môi màu đó chuyển sang đỏ choét. Từ ngày có đôi môi mới, chồng chị không ngừng chế nhạo vợ có “đôi môi Thị Nở”. “Nhiều khi ra chợ, sợ bị cười chê nên chị cũng chẳng dám bỏ khăn, biết thế này cứ để môi thâm còn đẹp hơn”, chị Hà hối hận.

Một số trường hợp khác sau khi xăm kết quả không như ý muốn thường chọn cách xăm chồng lên tạo thành một hỗn hợp mực xăm phi thẩm mỹ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Quang - bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ, việc xăm không đúng màu mực như khách hàng yêu cầu chiếm khá nhiều ở những cơ sở thẩm mỹ chui. Họ thường sử dụng mực có nguồn gốc từ Trung Quốc nên màu mực hay bị loang, đổi màu. Nhiều bệnh nhân tìm đến các khoa thẩm mỹ ở bệnh viện để xóa sẹo mày, sẹo môi vì xăm chui tuy nhiên, các cơ sở xăm chui này vẫn hoạt động công khai thách thức các nhà quản lý.

Việc xóa xăm rất phức tạp, các bác sĩ thường phải xóa xăm bằng các loại laser xung ngắn không hủy da như laser YAG, laser Ruby… Một số trường hợp đã tự dùng hóa chất để tẩy xóa vết xăm còn gây biến chứng khác nguy hiểm hơn.

Các bác sĩ cảnh báo, chị em muốn làm đẹp nên tìm hiểu thật kỹ và chọn những cơ sở uy tín, những trung tâm làm đẹp trong các bệnh viện lớn để tránh cảnh tiền mất tật mang.

P.Thúy