Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị HN: “Biểu đồ kinh tế VN 2013 là chữ L"

14/01/2013 06:54
Hoàng Lực (Thực hiện)
(GDVN) - “Biểu đồ kinh tế có thể là hình sin, hình chữ M, chữ U… nhưng với những gì đang cảm nhận, tôi nghĩ biểu đồ kinh tế Việt Nam 2013 sẽ chạy theo hình chữ L” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định.

LTS:
 Kết thúc năm 2012 nhiều khó khăn và thách thức, đã có những doanh nghiệp bứt phá thành công, nhưng cũng có những doanh nhân loay hoay tìm con đường mới để chèo lái con tàu sự nghiệp của mình “vượt bão”; Đã có nhiều giải pháp đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó nhưng cũng cần thêm nữa phương án thiết thực và hiệu quả hơn; Tiếng nói của người tiêu dùng đã chính xác và có trọng lượng hơn nhưng vẫn rất cần những thông tin minh bạch, dễ tiếp cận từ nhiều phía… 

Bước sang năm 2013 cũng là thời điểm để họ, những CEO các lĩnh vực, ngành nghề,... chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cơ quan chức năng và cả những người tiêu dùng cùng nhìn lại những ấn tượng đã qua trong năm cũ cũng như bày tỏ mục tiêu, kỳ vọng của mình trong năm mới. Tất cả những nhận định, đánh giá, dự đoán của họ sẽ được phản ánh qua loạt bài của báo điện tử Giáo dục Việt Nam.


Năm 2013 được đánh giá sẽ tiếp tục khó khăn những khó khăn về kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua trong dân khiến tiêu thụ bán lẻ dịch vụ trong nước bị ảnh hưởng không nhỏ. Liên quan đến lĩnh vực này, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam.


- Năm 2012 được đánh giá là năm khó khăn của nền kinh tế, người dân có thể sẽ thắt chặt chi tiêu hơn, theo đó sức mua trong dân cũng sẽ giảm, theo ông điều đó ảnh hưởng thế nào đến hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội? 
Ông Vũ Vinh Phú: Năm 2012 tổng mức tiêu thụ hàng hóa dịch vụ bán lẻ tăng 17% so với năm 2011 nhưng loại trừ yếu tố giá chỉ còn 6,3%, như vậy so với thời kỳ hoàng kim 2001 – 2007 thì tăng khoảng 11%, sau khi loại trừ yếu tố giá thì doanh số bàn lẻ chỉ gần một nửa. Điều dễ nhận thấy là bốn năm qua kinh tế chúng ta rơi vào khủng hoảng, sức mua ngày càng cạn kiệt. Năm 2012 có thể nói là năm đáy của biểu đồ hình sin về kinh tế và năm 2013 được dự đoán là còn khó khăn hơn nữa.
Theo đánh giá của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội và Hiệp hội bán lẻ Việt Nam thì năm qua, trừ những siêu thị “đại gia” của nước ngoài như BigC, Metro, Parkson, Lote Mark… Còn lại các siêu thị bán lẻ nội đều gặp khó khăn. Về ưu điểm, năm 2012 có thể nhận thấy rất nhiều các doanh nghiệp này đã cố gắng mở rộng chuỗi hệ thống các siêu thị của mình để tăng doanh số bán hàng. Có thể khẳng định siêu thị nội đã phần nào khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng cùng với đó là chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, giá cả… tất cả giúp cho siêu thị nội vẫn thu hút được khách hàng dù sức mua có giảm. Trong Hiệp hội siêu thị Hà Nội chúng tôi có 21 thành viên, theo báo cáo của các siêu thị thành viên hiệp hội: Năm nay, doanh số nếu may mắn thì được bằng năm trước đây còn nhìn chung là giảm thậm chí giảm đi một nửa so với kỳ vọng. Hơn nữa các siêu thị nội không có khả mở rộng việc trả lương, đủ ăn đã là khó khăn. Vì vậy nhìn lại năm 2012 là một năm khiến doanh nghiệp bán lẻ điêu đứng.
- Ông có nhận định như thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2013?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo tôi biểu đồ kinh tế có thể là hình sin, hình chữ M, chữ U… nhưng với những gì đang cảm nhận tôi nghĩ biểu đồ kinh tế Việt Nam 2013 sẽ chạy theo hình chữ L. Điều đó thể hiện năm 2013 sẽ là năm tiếp tục khó khăn, thậm chí những khó khăn sẽ tiếp tục sang cả năm 2014. 

Bởi vì nhìn vào khách quan kinh tế thế giới, kinh tế châu Âu còn cực kỳ khó khăn mà mình là kinh tế mở phụ thuộc vào xuất khẩu. Hơn nữa tình hình kinh tế trong nước cũng khó khăn khi các nguồn lực bị phân tán, nợ công lớn, khó khăn về vốn, bất động sản đóng băng… Cộng vào đó là tình hình lạm phát, tham nhũng, cải cách hành chính... tôi nghĩ rằng tất cả điều này đã tạo rào cản khiến kinh tế chúng ta chưa thể khởi sắc trong năm tới.

- Ông đánh giá gì về sức cạnh tranh của hệ thống các siêu thị Hà Nội trong năm 2013 so với các siêu thị nước ngoài vào?

Ông Vũ Vinh Phú: Từ 1/1/2009 khi chúng ta cho mở cửa 100% cho doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào thì rõ ràng sức cạnh tranh của chúng ta với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài là không cân sức nhưng dẫu sao chúng ta vẫn chấp nhận cạnh tranh. Các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị trong nước cũng đã hợp tác với nhau cùng làm ăn, cùng cạnh tranh như cùng tổ chức nguồn hàng, giữ vững thị phần giữ vững khách hàng, xây dựng thương hiệu. 

Nhưng điều làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị trong nước xuất phát từ yếu điểm lâu nay của doanh nghiệp Việt. Những yếu điểm này gây khó khăn cho việc xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ nội địa Việt Nam. 

Theo tôi có 4 yếu điểm của các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị nội:  Thứ nhất, là chưa có chiến lược kinh doanh đây đủ chiến lược này từ cả ba cấp là Nhà nước, Ngành bán lẻ (chính từ Bộ Công Thương) và của mỗi doanh nghiệp. Yếu điểm tiếp theo của siêu thị nội chính là vốn yếu, mỗi siêu thị chỉ mức vốn vài chục đến vài trăm tỷ so với hàng trăm triệu USD của siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Cái yếu tiếp theo của siêu thị bán lẻ trong nước là nguồn nhân lực yếu và điều hạn chế dẫn đến sức cạnh tranh của siêu thị nội kém hơn siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chính là văn hóa kinh doanh, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh của siêu thị nội còn yếu. 

Một điều cốt lỗi khiến các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị nội “hụt hơi” trong việc cạnh tranh chính là vấn đề thiếu đoàn kết hợp tác giữa các siêu thị nội với nhau. Chúng ta đã ít vốn, đã yếu thì càng phải đoàn kết để chiếm lĩnh và giữ thị phần. Nhưng với khả năng hiện tại thì có thể khẳng định doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ không đủ sức cạnh tranh với đồng nghiệp từ nước ngoài.

Sức mua của người dân năm 2013 được dự đoán là sẽ thấp hơn năm 2012
Sức mua của người dân năm 2013 được dự đoán là sẽ thấp hơn năm 2012


- Vậy ông kỳ vọng gì về nền kinh tế Việt Nam 2013? 
Ông Vũ Vinh Phú: Tôi nghĩ rằng mỗi người cũng đều có kỳ vọng kinh tế trong năm 2013 sẽ có bước khởi sắc bớt khó khăn hơn. Nhưng để kỳ vọng vào điều đó trước hết phải kỳ vọng vào chính chúng ta kỳ vọng vào Chính phủ sẽ có những chính sách mới vực dậy nền kinh tế, kỳ vọng vào doanh nghiệp. Chúng ta phải có cuộc cách mạng trong kinh tế, trong quản lý, cách mạng về cán bộ về công tác quản lý.- Mỗi dịp lễ tết hệ thống các siêu thị lại tưng bừng các chương trình giảm giá nhưng có ý kiến cho rằng các chương trình giảm giá hiện nay không còn giữ được uy tín với người tiêu dùng đặc biệt sau những nghi vấn về vấn đề tự nâng giá, khuyến mại ảo... với cương vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội ông  nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Vinh Phú – Nguyên phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. 

Ông Phú sau khi nghỉ hưu chuyển sang kinh doanh từng được biết đến là chủ của một trong những siêu thị đầu tiên tại Hà Nội là Siêu thị Đinh Tiên Hoàng. 
Ông Vũ Vinh Phú: Những sự việc đó không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị trong nước mà ở chính các siêu thị lớn nước ngoài như BigC, Metro… Nói thẳng ra tất cả cái đó chính là lừa khách hàng, tự đánh mất thương hiệu của chình mình. Trong lúc kinh tế khó khăn cách làm ăn như vậy không thể tồn tại được. Còn với các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị nội những chiêu trò kinh doanh như thế sẽ chỉ tạo thêm yếu điểm, khuyết tật làm giảm sức cạnh tranh so với siêu thị nước ngoài trên thị trường. Như vậy không phải doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị trường “giết” chúng ta mà chúng ta đang tự “giết” chính mình. Còn với bản thân tôi cho rằng 70% các chương trình khuyến mại hiện nay là giả. Tôi xin lấy ví dụ cháu gái tôi mua hộp sữa uống song có phiếu trúng thưởng ghi: “bạn đã trúng 50.000 đồng mời bạn vào TP. HCM lĩnh thưởng” hay như việc tôi gửi tiết kiệm có phiếu trúng thưởng nhưng đến cả trăm lần cũng không thây… Như vậy tính bền vững không có, tôi từng nghe người bạn nước ngoài nói: “Người Việt Nam nhanh nhẹn, thông minh trong kinh doanh nhưng tính bền vững không có, làm ăn không có trước sau, nay thế này mai thế khác” nhưng người ta nói cũng có cái đúng nếu nhìn vào thực tế cách làm của nhiều siêu thị hiện nay với các chương trình khuyến mại.- Năm 2013 ông có nhắn nhủ gì với các siêu thị để có thể vượt qua khó khăn lúc này?Ông Vũ Vinh Phú: Với khó khăn hiện nay thì các siêu thị phải mạnh dạn kiến nghị với nhà nước như các vướng mắc về chính sách thuế, ưu đãi khuyến thương… Các siêu thị nội cần phải liên kết như liên kết các con thuyền nan lại để tạo sức mạnh để xây dựng thị phần, chiếm lĩnh khách hàng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và nhất là văn hóa kinh doanh. Nâng cao năng lực quản lý đảm bảo uy tín “hàng nào giá đó” đặc biệt là văn hóa kinh doanh, văn hóa bán hàng. Có thể hàng thiều nhưng không thể thiếu quan tâm đến người tiêu dùng. Theo tôi khi mà các siêu thị vẫn còn ở vòng lẩn quẩn với văn hóa bán hàng tiền lẻ khách hàng trả bằng kẹo, tuyển nhân viên siêu thị trình độ thấp để đỡ giảm lương thì sớm muộn sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, hơn hết lãnh đạo các siêu thị cần có sự điều chỉnh hợp lý vào lúc này.- Xin cảm ơn ông!

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hoàng Lực (Thực hiện)